BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 7823/CT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NĂM HỌC 2009 – 2010

Sau 23 năm đổi mới của đất nước, giáo dục đại học nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hàng triệu lao động trình độ cao đẳng, đại học, hàng vạn lao động trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đã và đang là lực lượng chủ lực, nòng cốt của quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Số trường đại học, cao đẳng tăng gấp 3,7 lần, số sinh viên tăng gấp 13 lần, số giảng viên tăng gấp hơn 3 lần. Tuy nhiên giáo dục đại học đang đứng trước thách thức rất to lớn: phương pháp quản lý nhà nước đối với các trường đại học, cao đẳng chậm được thay đổi, không đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ được sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên, các nhà quản lý và sinh viên. Chất lượng nguồn nhân lực đang là một khâu yếu kém, kéo dài của toàn bộ hệ thống kinh tế. Vì vậy, năm học 2009 – 2010 phải là một năm học khởi đầu cho quá trình 3 năm tập trung đổi mới về chất việc quản lý giáo dục đại học. Đổi mới quản lý nhà nước giáo dục đại học chính là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục đại học. Chủ đề năm học 2009 – 2010 là: “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Việc đổi mới quản lý giáo dục đại học trong 3 năm tới cần đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý giáo dục đại học theo yêu cầu: Nhà nước ban hành đầy đủ các quy định, quy chế liên quan đến hoạt động của các trường đại học, cao đẳng như: thành lập trường đại học, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý tài chính, quản lý chất lượng, tuyển dụng, trách nhiệm và chế độ của nhà giáo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, thư viện, quan hệ giữa Ban giám hiệu, Hội đồng trường, Đảng ủy, các đoàn thể ở trường để từ đó các trường đại học, cao đẳng thực hiện quyền tự chủ và nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm trước xã hội và nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục. Nhà nước ban hành các quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đại học giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này trong việc quản lý và đánh giá các cơ sở giáo dục đại học.

2. Căn cứ Luật Giáo dục 2005, đặc biệt là điều 58 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của nhà trường. Điều 60 quy định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nhà trường; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp và Thông tư liên tịch số 07/2005/TT-BGDĐT-BNV ngày 15/4/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và các quy định, quy chế liên quan đến đào tạo và quản lý nhà trường do Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành khác ban hành, các trường đại học, cao đẳng có trách nhiệm rà soát, hoàn chỉnh và bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của nhà trường để thực hiện đầy đủ quyền tự chủ và nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm trước xã hội và nhà nước về hoạt động của nhà trường, đề xuất các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các trường cần kiên quyết chấn chỉnh các hiện tượng như: quy chế hoạt động, quy chế tài chính của nhà trường có các nội dung trái pháp luật; Hiệu trưởng có các quyết định trái pháp luật; cán bộ công nhân viên của trường không được thông tin đầy đủ về hoạt động của trường và không có tiếng nói đối với các việc làm trái luật pháp, quy chế hoạt động của trường; sinh viên vi phạm quy chế thi, tốt nghiệp, nhưng giảng viên chấp nhận các tiêu cực đó.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền và nghĩa vụ kiểm tra các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến đào tạo và hoạt động của nhà trường, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ, ngành liên quan thực hiện quy hoạch hệ thống giáo dục đại học trên địa bàn, cho ý kiến về việc thành lập, giải thể các cơ sở giáo dục đại học, phối hợp các trường thực hiện việc quản lý sinh viên trên địa bàn, phối hợp và hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao của địa phương ở các lĩnh vực.

Việc đổi mới quản lý hệ thống giáo dục đại học phải tiến hành đồng bộ ở cả 3 cấp: các Bộ ở Trung ương, chính quyền các tỉnh và các trường đại học, cao đẳng theo lộ trình khả thi trong 3 năm 2009 – 2012.

Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010 và Thông báo kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020, trên cơ sở kết quả năm học 2008 – 2009, ba yêu cầu đổi mới quản lý giáo dục đại học và chủ đề năm học 2009 – 2010 đã nêu ở trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị các đại học, học viện, các trường đại học và cao đẳng (sau đây gọi chung là các trường) về các nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2009 – 2010 như sau:

I. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

1. Thông qua 2 cuộc vận động, cần làm cho cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên xác định rõ trong 3 năm học 2009 – 2010, 2010 – 2011 và 2011 – 2012, đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước và xã hội cho giáo dục; nâng cao hiệu quả cống hiến của nhà giáo và chăm lo tốt hơn cho sự phát triển của nhà giáo.

2. Ban Giám hiệu, cấp ủy Đảng và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong các nhà trường cần phối hợp tổ chức, đánh giá mức độ vi phạm quy chế thi, tốt nghiệp ở trường, trách nhiệm của nhà giáo, nhà quản lý và sinh viên trong việc để kéo dài, công khai các tiêu cực trong thi cử và tốt nghiệp (nếu có) làm cho các giảng viên và sinh viên thống nhất nhận thức: tiêu cực trong thi cử, tốt nghiệp là đi ngược lại lợi ích của sinh viên và đất nước, trái với sứ mệnh thiêng liêng của các nhà giáo và cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học cần đặt mục tiêu chậm nhất là năm 2011 chấm dứt sự tồn tại của tiêu cực công khai trong thi cử và trong làm luận văn, luận án tốt nghiệp.

II. Công tác tuyển sinh và đào tạo

1. Tuyển sinh

a) Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2010 tiếp tục giữ ổn định theo giải pháp 3 chung: thi chung đợt, dùng chung đề và sử dụng chung kết quả thi để xét tuyển (cả hệ đại học và cao đẳng);

b) Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ vừa làm vừa học thực hiện theo Quy chế ban hành theo Quyết định số 62/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

c) Các trường phải thực hiện 3 công khai theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục (1- Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, 2 – Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, 3- Công khai thu chi tài chính). Đến 15/01/2010, cơ sở giáo dục nào không công bố 3 nội dung cần công khai theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên trang Web của trường và tại các nơi được quy định tại Thông tư này thì sẽ không được xem xét giao chỉ tiêu tuyển sinh 2010.

2. Đào tạo

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng phần mềm tổ chức và quản lý đào tạo, tài liệu hướng dẫn đào tạo theo tín chỉ dùng chung cho tất cả các trường;

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình khung đã ban hành; xây dựng và ban hành quy định về cấu trúc và khối lượng kiến thức tối thiểu trình độ đại học, ban hành danh mục ngành đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học (mã cấp IV);

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành Đề án Chương trình quốc gia đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội đến năm 2015 để Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về việc công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập để thực hiện liên thông các trình độ dạy nghề với giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học; tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm triển khai đào tạo theo nhu cầu xã hội vào đầu năm 2010;

d) Trong quý IV/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường xây dựng chuẩn đầu ra và thực hiện 3 công khai theo trong các trường, trên cơ sở đó trong năm 2010 các trường thực hiện việc công bố chuẩn đầu ra và 3 công khai.

e) Cuối năm 2009, tất cả các trường có tổ chức chuyên trách đánh giá tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu của xã hội, hỗ trợ sinh viên tìm việc làm;

g) Tăng cường hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp, thông qua việc ký kết và triển khai các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác đào tạo;

h) Tổ chức quản lý chặt chẽ quá trình đào tạo, đặc biệt tăng cường công tác quản lý giảng dạy, quản lý học tập, thực hiện nghiêm túc quy chế thi, kiểm tra và đánh giá. Triển khai đánh giá trung thực mức độ tiêu cực trong thi cử và làm luận văn tốt nghiệp ở mỗi trường, từ đó tổ chức cuộc vận động trong toàn trường (ở nơi có nhu cầu); chấm dứt tiêu cực công khai trong thi cử và làm luận văn tốt nghiệp, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo;

i) Các trường đại học, cao đẳng đánh giá toàn diện về giáo trình cho tất cả các môn học ở trường. Trên cơ sở quy định về giáo trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, triển khai kế hoạch để phấn đấu trong 3 năm đảm bảo có đủ giáo trình đúng quy chế cho tất cả các môn học;

k) Tổ chức triển khai và quán triệt quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ tới từng bộ môn, giảng viên, xây dựng và ban hành các quy định và giải pháp chi tiết về đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở trường;

l) Trên cơ sở nguồn thu của các trường đại học, cao đẳng năm học 2009 – 2010 tăng do học phí tăng khoảng 33%, các trường cần có kế hoạch sử dụng thu tăng thêm để chi cho các yếu tố đầu vào hoặc quản lý đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục (tăng chi cho cơ sở vật chất, thực hành, tăng chi cho trang thiết bị tin học phục vụ đổi mới phương pháp dạy học, tăng chi cho thư viện, giáo trình, tăng chi để mời giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn, …).

III. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

1. Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Các trường đại học, cao đẳng đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ để tham gia tuyển chọn 140 nhiệm vụ cấp Nhà nước, trong đó có 69 đề tài khoa học và công nghệ trọng điểm, 27 đề tài khoa học xã hội và nhân văn, 01 dự án sản xuất thử nghiệm, 43 nhiệm vụ nghiên cứu theo Nghị định thư ký với nước ngoài.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các quy định để gắn kết đào tạo nghiên cứu sinh với hoạt động nghiên cứu khoa học.

4. Triển khai xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2010 – 2020.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo biên soạn và phát hành sách về phương pháp nghiên cứu khoa học dùng cho giảng viên và sinh viên các trường đại học, cao đẳng.

IV. Đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học; kiện toàn cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục;

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch đánh giá và kiểm định chất lượng của các trường giai đoạn 2009 – 2012; Các trường đăng ký tham gia kế hoạch đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

3. Tăng cường hợp tác quốc tế về công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng: Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu và khuyến khích các trường đại học, cao đẳng đăng ký làm thành viên của các tổ chức quốc tế về đánh giá và kiểm định chất lượng (APQN – Mạng lưới chất lượng Châu Á  - Thái Bình Dương và AQAN – Mạng lưới đảm bảo chất lượng Đông Nam Á). Khuyến khích các trường đăng ký kiểm định trường, kiểm định chương trình bởi các tổ chức quốc tế;

V. Phát triển đội ngũ giảng viên

1. Các trường xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên 2010 – 2020, đảm bảo tỷ lệ sinh viên trên giảng viên bằng hoặc tốt hơn quy định khi thành lập trường, đảm bảo tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ ngày càng tăng, ít nhất đạt mức 35% tổng số giảng viên vào năm 2020. Triển khai quy hoạch này thông qua việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án 322 và sự hỗ trợ tích cực của Cục đào tạo với nước ngoài và sự nỗ lực chủ động của các trường.

2. Triển khai việc sinh viên đánh giá giảng viên qua môn học quý IV/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn để các trường làm thí điểm. Cuối học kỳ I năm 2009 – 2010 chọn một số trường thực hiện thí điểm đánh giá trước, vào học kỳ II tất cả các trường đều triển khai việc sinh viên đánh giá giảng viên qua các môn học.

3. Các trường rà soát và hoàn thiện quy chế tài chính và đào tạo của trường để nhà trường có thể trả lương, thưởng cho các giảng viên tương xứng với mức đóng góp cho đào tạo và phát triển của nhà trường.

4. Các trường có kế hoạch phổ cập ngoại ngữ cho giảng viên để từ 2015 trở đi tất cả các giảng viên đại học đều sử dụng tốt một ngoại ngữ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

IV. Công tác quản lý và tổ chức cán bộ

1. Quý IV/2009, tập trung tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định về việc phối hợp và phân cấp mạnh việc quản lý các trường đại học, cao đẳng giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Hoàn thành việc xây dựng và ban hành các văn bản:

a) Điều lệ trường đại học;

b) Thông tư ban hành Quy chế đào tạo từ xa;

c) Thông tư ban hành Quy định về biên soạn giáo trình đại học, cao đẳng;

d) Thông tư quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục;

e) Thông tư quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng trường đại học;

g) Nghị định của Chính phủ về cơ chế tài chính giáo dục đào tạo 2009 – 2014; Sửa đổi Quyết định 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân với nội dung điều chỉnh học phí các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học để áp dụng ngay từ năm học 2009 – 2010.

h) Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính quy định cơ chế huy động sự đóng góp của xã hội để phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo.

3. Tiếp tục triển khai và có kế hoạch khảo sát tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 15/4/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại các đơn vị để chỉ đạo triển khai có hiệu quả.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá hoạt động của các Hội đồng trường đã được thành lập, hoàn chỉnh quy định về quan hệ giữa Hội đồng trường, Đảng ủy cơ sở, các đoàn thể và người học.

5. Thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học và các Trưởng khoa cùng nhóm ngành để tư vấn cho Bộ trưởng những vấn đề có liên quan đến phát triển ngành, đến hoạt động của các trường và phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ nguồn lực giữa các trường.

6. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo các khoa và trường: các trường cần triển khai quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp trường và cấp khoa cho giai đoạn 2010 – 2015.

7. Thực hiện đánh giá công tác của Ban giám hiệu, lãnh đạo các khoa qua ý kiến của cán bộ trong nhà trường, khoa và của sinh viên.

VII. Hợp tác quốc tế

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đàm phán ký kết các thỏa thuận công nhận tương đương bằng cấp giữa Việt Nam và các nước; gia hạn và đàm phán ký mới hiệp định hợp tác về giáo dục với nước ngoài.

2. Tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến với chất lượng cao, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đàm phán với các cơ sở đào tạo nước ngoài để ký kết các thỏa thuận hỗ trợ kinh phí đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng.

4. Tăng cường quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và các nước ASEAN để trao đổi kinh nghiệm và hợp tác về quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học. Phát triển quan hệ hợp tác với các nước thành viên APEC và các nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; phát triển sâu hơn hợp tác truyền thống với Liên bang Nga và các nước Đông Âu phù hợp với tình hình mới hiện nay; và mở rộng hợp tác với EU và các nước thành viên châu Âu, với các nước Bắc Mỹ.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và phát triển đồng bộ các dự án hợp tác với Anh, Ca-na-da, Úc, Niu-di-lân, Singapore, … về đào tạo tiếng Anh, nhằm thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam trong 10 năm tới. Thành lập một số trung tâm đào tạo tiếng Anh đạt tiêu chuẩn quốc tế ở các trường đại học để chuẩn bị và tạo điều kiện cho cán bộ, học sinh, sinh viên có cơ hội đi học tập ở nước ngoài.

VIII. Công tác tài chính và quy hoạch phát triển trường

1. Căn cứ vào khung học phí được quy định tại Quyết định số 1310/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh khung học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2009 – 2010, các trường quy định mức thu học phí cụ thể đối với từng đối tượng, từng cấp học và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành đào tạo, hình thức đào tạo và hoàn cảnh của học sinh, sinh viên. Tiếp tục thực hiện đầy đủ chính sách miễn giảm học phí, chính sách tín dụng sinh viên nhằm đảm bảo cho học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có khả năng học tập đều được đi học; Các trường xây dựng phương án sử dụng nguồn thu tăng thêm của trường để nâng cao chất lượng đào tạo và chăm lo cho đội ngũ giảng viên.

2. Triển khai thực hiện Quy chế công khai đối với các cơ sở giáo dục ban hành theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung, hình thức và thời điểm công khai quy định tại Quy chế này. Từ nay tới tháng 7/2010, tất cả các trường ít nhất là 1 lần phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành chủ quản hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố kiểm tra việc thực hiện 3 công khai. Đầu năm học 2009 – 2010 Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra việc thực hiện 3 công khai ở một số trường và hướng dẫn bổ sung việc thực hiện quy chế 3 công khai.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn việc chuyển đổi loại hình trường dân lập sang loại hình trường tư thục.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành, các trường đại học, cao đẳng triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 699/QĐ-TTg và số 700/QĐ-TTg ngày 2/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và các Bộ, ngành triển khai thực hiện Đề án Xây dựng Khu Đại học Phố Hiến tại tỉnh Hưng Yên theo Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 10/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai thực hiện đề án xây dựng ký túc xá sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đến năm 2011 giải quyết được khoảng 200.000 chỗ ở cho sinh viên theo Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện các dự án vốn vay ODA xây dựng 4 trường đại học trình độ quốc tế.

8. Các trường đại học, cao đẳng đánh giá hoạt động của trường giai đoạn 2006 – 2010, xây dựng chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011 – 2020 và kế hoạch phát triển 2011 – 2015.

IX. Công tác học sinh, sinh viên

1. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với đổi mới công tác giáo dục đạo đức, lối sống; triển khai cuộc vận động trong toàn trường nhằm chấm dứt tiêu cực công khai trong thi, kiểm tra và làm luận văn tốt nghiệp. Các thầy cô không tiếp tay cho các tiêu cực này.

2. Phấn đấu đến hết năm học mỗi trường đại học, cao đẳng đều có “Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ với doanh nghiệp” hoặc đơn vị có chức năng tương tự để thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội và hỗ trợ sinh viên tìm việc làm.

3. Chuẩn hóa, chương trình hóa các hoạt động thể thao, văn nghệ, y tế trường học và các hoạt động khác của sinh viên với sự tham gia tổ chức nòng cốt của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

4. Xây dựng các quy tắc ứng xử văn hóa trong sinh viên và trong nhà trường. Tổ chức đánh giá rèn luyện của sinh viên theo học chế tín chỉ đảm bảo công bằng, hiệu quả.

5. Tiếp tục phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và các địa phương thực hiện tốt chính sách cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng vay vốn tín dụng; đồng thời giải quyết các chế độ chính sách ưu đãi có liên quan đến sinh viên.

X. Công tác thanh tra, kiểm tra

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và phối hợp với các Bộ ngành, UBND cấp tỉnh kiểm tra việc thực hiện các cam kết trong đề án thành lập trường và mở ngành đào tạo từ năm 2006 trở lại đây, kiểm tra việc thực hiện 3 công khai.

3. Các trường cần tổ chức thanh tra, kiểm tra việc hoàn chỉnh chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, theo lộ trình chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ; Đẩy mạnh thanh tra hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học nhằm khắc phục và tiến tới xóa bỏ về cơ bản hiện tượng học thuê, thi thuê, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm.

XI. Công tác triển khai và xây dựng các đề án

1. Tiếp tục thực hiện theo kế hoạch các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo như Đề án Chương trình tiên tiến, đào tạo Tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng; vay vốn Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á để xây dựng các trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế.

2. Xây dựng Dự án vay vốn ODA của Ngân hàng thế giới để thực hiện Chương trình phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2 (Dự án đại học 3 pha 2). Đề án xây dựng Tiêu chí và mô hình trường đại học nghiên cứu.

XII. Tổ chức các hội nghị, hội thảo

1. Hội nghị tổng kết hoạt động của Hội đồng trường;

2. Hội nghị về triển khai Thông tư số 07 và phân cấp quản lý giáo dục đại học.

3. Hội nghị triển khai công tác đào tạo theo tín chỉ.

4. Hội nghị tổng kết hoạt động của các trường Cao đẳng Cộng đồng.

5. Hội nghị sơ kết công tác đào tạo chương trình tiên tiến năm 2009.

6. Hội nghị về hợp tác đào tạo với nước ngoài.

7. Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 322.

8. Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội.

9. Tổ chức các Hội thảo quốc gia về đào tạo cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính, về đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội của các ngành Cơ khí, Xây dựng, Dệt may, Da giày, …. trên cơ sở các báo cáo của các Bộ ngành này về nhu cầu đào tạo nhân lực của mình.

Để tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu:

Giám đốc các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch năm học, các giải pháp triển khai và tổ chức thực hiện.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các trường thực hiện các nhiệm vụ đề ra; kịp thời tiếp nhận các báo cáo, phản ánh tình hình và đề xuất các biện pháp chỉ đạo để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Chỉ thị này được phổ biến tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan quản lý giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học thuộc các loại hình công lập và ngoài công lập để quán triệt và thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- VP Trung ương Đảng; VP Quốc hội;
- VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các UBND tỉnh; thành phố trực thuộc TW quản lý các cơ sở giáo dục đại học;
- TƯ Đoàn TNCSHCM;
- TƯ Hội LHTNVN;
- Các cơ sở giáo dục đại học;
- Các Thứ trưởng;
- Các Cục, Vụ, Viện, Thanh tra, Văn phòng và đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ;
- Lưu: VT, Vụ GDĐH, Vụ PC.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thiện Nhân