Báo cáo tại phiên họp về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau chỉnh lý, dự thảo luật gồm 6 chương với 37 điều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu, ý kiến các cơ quan, một số quy định của dự thảo luật đã được chỉnh sửa.
Đa số đại biểu tán thành với việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); cho rằng, về cơ bản, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và một số chủ trương, Nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội): Luật Công đoàn sửa đổi cần quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của người lao động.
Phát biểu tại phiên họp, tranh luận với các đại biểu tại phiên họp về vấn đề phí công đoàn 2%, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho hay, nguồn thu kinh phí công đoàn 2% được quy định từ năm 1957, vì thời kỳ đó, người lao động chủ yếu là cán bộ, nhân viên làm việc trong cơ quan Nhà nước. Việc trích 2% là từ ngân sách nhà nước, bản chất là “lấy từ túi này sang túi khác”. Thế nhưng đến nay, Việt Nam đã chuyển qua nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì dần có sự bất hợp lý.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay là rất lớn, nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI. Số lượng người lao động trong một doanh nghiệp bây giờ đông hơn nhiều, có thể vài trăm, vài nghìn, thậm chí cả vạn người. Nếu đóng phí 2% thì tạo gánh nặng cho doanh nghiệp có nhiều người lao động. Nặng đến mức doanh nghiệp không thể mở rộng được sản xuất, thậm chí không duy trì hoạt động được thì người lao động không có việc làm, tức là mất việc. Hoặc thu hẹp doanh nghiệp, thậm chí đầu tư FDI bị sụt giảm khiến nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, người lao động thất nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều doanh nghiệp trốn đóng, thậm chí không tham gia công đoàn, hậu quả sẽ nặng nề...
Từ đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất thu phí phù hợp và hợp lý hơn với hoàn cảnh thực tế Việt Nam. Theo đó, đối với doanh nghiệp dưới 500 lao động thì phí vẫn là 2%. Doanh nghiệp từ 500 đến 3.000 lao động thì có mức thu 1,5%. Doanh nghiệp có từ 3.000 lao động trở lên thì phí chỉ 1%.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị, dự thảo luật lần này cần quy định nhiều hơn, chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn, quan tâm hơn đến đời sống tinh thần, văn hóa, thể thao, giải trí của người lao động; như vậy sẽ tốt và hiệu quả hơn đối với người lao động.
Trước đó, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% và quy định như dự thảo luật. Bởi theo đại biểu, nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả hơn 60 năm qua, từ năm 1957 khi có Luật Công đoàn đến nay. Nguồn kinh phí này được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu để chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, như thăm hỏi, ốm đau, quà tết, quà sinh nhật, hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa thể thao…
"Việc luật hóa và tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn 2% như quy định trong dự thảo luật là hết sức cần thiết, bảo đảm công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, người lao động, góp phần ổn định phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp", đại biểu Trần Nhật Minh phân tích.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) cũng nhất trí với việc duy trì kinh phí công đoàn 2%. Đại biểu cho rằng, qua thực tiễn, nguồn thu này cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng giúp công đoàn xây dựng đủ mạnh để chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động, tạo sự gắn kết trong mọi hoạt động giữa công đoàn người lao động, công đoàn và người lao động ngày càng tốt hơn.
Nguồn: ANH PHƯƠNG/qdnd.vn
(https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-luat-cong-doan-sua-doi-can-quan-tam-hon-den-doi-song-tinh-than-cua-nguoi-lao-dong-800057)
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thanh niên cần "nói ít làm nhiều", "việc đáng làm phải quyết làm bằng được" ( 18/12)
- Công tác Tuyên giáo góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất tăng cường niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ( 17/12)
- Thủ tướng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính ngay từ khâu xây dựng văn bản ( 12/12)
- Cần quan tâm quyền lợi người lao động khi sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn ( 10/12)
- Cần quan tâm quyền lợi người lao động khi sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn ( 10/12)
- Ban Kinh tế Trung ương cần cuộc cách mạng về tư duy và tổ chức bộ máy ( 10/12)