Công nghệ thông tin cơ quan Đảng tỉnh Hà Tĩnh sau 5 năm thực hiện Đề án Tin học hoá
EmailPrintAa
10:50 18/04/2012

Thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương Đảng và các bộ, ban ngành Trung ương, Đảng bộ Hà Tĩnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn hệ thống theo nội dung của Đề án tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng, giai đoạn 2006 - 2011 (Đề án 06), đến nay đã đạt được một số kết quả khá toàn diện.
    Sau khi Trung ương Đảng triển khai Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo CNTT cơ quan Đảng tỉnh, chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng Dự án trình cấp có thẩm định phê duyệt và bám sát mục tiêu của Dự án để thực hiện. Đồng thời ban hành các Quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ mạng máy tính, Quy định về việc quản lý, cập nhật, phát hành, sử dụng tài liệu trên mạng máy tính, thống nhất việc ứng dụng CNTT trong cơ quan Đảng của tỉnh; Chỉ thị về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng, phát triển CNTT giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo. Theo đó, các huyện, thành, thị uỷ và các ban xây dựng đảng đã kịp thời cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ nhằm thực hiện tốt việc ứng dụng và phát triển hệ thống mạng CNTT tại đơn vị mình phù hợp với từng giai đoạn; phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách CNTT; tuyển dụng, kiện toàn cán bộ quản trị mạng CNTT.

Hệ thống Trung tâm mạng cấp tỉnh
     Hạ tầng CNTT trong toàn Đảng bộ tỉnh đã được đầu tư, xây dựng sát với nội dung và mục tiêu của Đề án 06, từng bước đáp ứng yêu cầu tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng. Hệ thống mạng được kế thừa trên cơ sở đầu tư từ nguồn kinh phí của Đề án 47 (giai đoạn 2003 - 2005) và được nâng cấp, phát triển hiện đại từ nguồn kinh phí của Đề án 06 (giai đoạn 2006 - 2011); mạng nội bộ (LAN) của Văn phòng và các ban xây dựng Đảng được đầu tư gồm có 5 máy chủ, hơn 100 máy trạm, 01 hệ thống tường lửa ngoài (Hard-Firewall), 01 hệ thống giám sát việc truy cập hệ thống mạng (IDS), 01 Switch-SX trung tâm , 01 Router, 01 hệ thống Backup dữ liệu, 01 lưu điện online 10 KVA dùng cho hệ thống máy chủ tại trung tâm mạng ....

 

 

  Các thiết bị Truyền thông

     Hệ thống mạng ở các huyện, thành, thị uỷ, được đầu tư mỗi huyện gồm có 03 máy chủ, hơn 20 máy trạm và các thiết bị mạng khác; đầu tư trang cấp 172/262 đảng uỷ xã, phường, thị trấn trong tỉnh (đạt trên 65%) đảm bảo phục vụ tốt các hoạt động của hệ thống mạng CNTT. Thường xuyên đảm bảo an toàn thông tin theo đúng quy định của Trung ương Đảng đối với việc kết nối hệ thống mạng LAN của Tỉnh uỷ và các huyện, thành, thị uỷ trong mạng diện rộng của cơ quan Đảng (mạng trong) thông qua dịch vụ mạng riêng ảo (MegaWAN) với đường truyền tốc độ cao (ADSL); cơ quan Tỉnh uỷ được kết nối với Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước bằng đường truyền SHDSL phục vụ việc trao đổi thông tin thường xuyên, liên tục, an toàn; năm 2011 triển khai nâng cấp đường truyền ADSL  cho 7 đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ và 172 đảng uỷ xã, phường, thị trấn thay thế đường truyền quay số trước đây.

 Hệ thống Trung tâm mạng cấp huyện

     Hệ thống thông tin phát triển với nhiều loại hình cơ sở dữ liệu được tích hợp trên hệ thống mạng đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của cán bộ lãnh đạo, chuyên viên. Các phần mềm điều hành tác nghiệp Lotus Notes, phần mềm quản lý cán bộ, phần mềm cơ sở dữ liệu (CSDL) Đảng viên, phần mềm tài chính kế toán, phần mềm quản lý tài sản, phần mềm chuyên ngành Uỷ Ban kiểm tra Đảng và một số phần mềm khác được sử dụng, tác nghiệp một cách khoa học, thường xuyên theo từng bộ phận, đúng với quyền hạn quy định, quy chế của cơ quan. Việc gửi nhận văn bản, xử lý công văn đi, công văn đến và gửi thư điện tử qua hệ thống mạng giữa các cấp uỷ được cán bộ lãnh đạo, chuyên viên từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã được ứng dụng để trao đổi thông tin hằng ngày góp phần tích cực vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng.

     Ban chỉ đạo tỉnh thường xuyên chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, hàng năm cử cán bộ chuyên trách tham gia các đợt tập huấn do Trung ương tổ chức, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách cấp huyện và cán bộ lãnh đạo, chuyên viên ở Tỉnh uỷ, các huyện, thành, thị uỷ, các đảng uỷ trực thuộc và các đảng uỷ xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng ứng dụng Công nghệ thông tin trong từng giai đoạn. Từ năm 2002 - 2005, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức về quản trị mạng cho 95 lượt người, tin học văn phòng cho 250 lượt người, ứng dụng và khai thác thông tin, phần mềm dùng chung cho 265 lượt người. Năm 2006 tập huấn cho 11 cán bộ Quản trị mạng cấp huyện, 60 cán bộ chuyên viên cấp huyện; Năm 2007 tập huấn ứng dụng cho 22 cán bộ Văn thư, 40 cán bộ lãnh đạo cấp huyện; Năm 2008 tập huấn cho 11 cán bộ chuyên trách Quản trị mạng cấp huyện, 250 cán bộ ứng dụng nguồn mở OpenOffice. Năm 2009 tập huấn cho 12 cán bộ chuyên trách Quản trị mạng cấp huyện, 79 cán bộ lãnh đạo, chuyên viên làm công tác kiểm tra và tổ chức cán của Tỉnh uỷ, huyện, thành, thị uỷ và các đảng uỷ trực thuộc. Năm 2010 tập huấn cho 22 cán bộ văn thư, tập huấn ứng dụng phần mềm kiểm phiếu cho 70 cán bộ tham gia hỗ trợ kỹ thuật kiểm phiếu các huyện, thành, thị uỷ, các đảng uỷ trực thuộc, đào tạo tập huấn Tin học cơ bản và ứng dụng phần mềm điều hành tác nghiệp cho 168 cán bộ xã, phường, thị trấn đã được trang cấp thiết bị và kết nối đường truyền theo Đề án 06.    

     Ứng dụng CNTT phục vụ công tác nghiệp vụ, quản lý và điều hành trở thành yếu tố quan trọng trong hoạt động của hệ thống cơ quan đảng. Hiện nay, 100% cán bộ, chuyên viên tham mưu giúp việc của Văn phòng và các ban đảng Tỉnh uỷ thường xuyên sử dụng máy tính để soạn thảo, xử lý, gửi nhận và khai thác thông tin trên mạng có hiệu quả. Quy trình xử lý văn bản đi, đến, lưu trữ, in ấn, chỉnh lý tài liệu, quản lý hồ sơ được cán bộ văn thư, lưu trữ Văn phòng và các ban đảng ở tỉnh và ở cấp huyện thực hiện đầy đủ, đúng quy trình, quy định của Trung ương dựa trên các phần mềm tác nghiệp của hệ thống mạng CNTT. Các phần mềm điều hành tác nghiệp, phần mềm dùng chung và phần mềm ứng dụng đã được tích hợp trên hệ thống mạng diện rộng giúp cho cán bộ lãnh đạo, chuyên viên trong việc ứng dụng khai thác, tham mưu kịp thời, rút ngắn thời gian, tiết kiệm, hiệu quả. Năm 2010 chuyển giao và đưa vào sử dụng phần mềm kiểm phiếu bằng máy vi tính phục vụ cho tất cả các đại hội đảng bộ cấp huyện và Đại hội tỉnh Đảng bộ đạt kết quả tốt.

          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ứng dụng CNTT của cơ quan Đảng tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế:
        - Do ngân sách của tỉnh còn khó khăn, nên hàng năm chưa bố trí được kinh phí đối ứng mà chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư của Trung ương thông qua các Đề án.
        - Năm 2010 Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của hai đợt lũ lụt lịch sử gây hậu quả nặng nề nên cơ sở vật chất nói chung và hạ tầng CNTT nói riêng, nhất là các địa phương ở miền núi hầu như bị hư hỏng hoàn toàn.
         - Hệ thống thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật Công nghệ thông tin được trang bị qua nhiều giai đoạn, đã xuống cấp, hư hỏng nhiều nhưng chưa được nâng cấp, thay thế kịp thời nên có lúc trao đổi thông tin bị gián đoạn .  
        - Việc trao đổi thông tin giữa cơ quan đảng với các các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị liên quan còn bất cập do phải thông qua hệ thống mạng Internet ngoài hệ thống mạng của các cơ quan đảng.

      Từ những kết quả đạt được và những hạn chế đã nêu, chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, cán bộ, công chức trong hệ thống đảng có quan điểm đúng đắn và nhận thức đầy đủ về ứng dụng CNTT là nền tảng cho việc thực hiện tốt các quy định về quản lý, sử dụng máy tính, mạng máy tính. Thực tế cho thấy đơn vị nào lãnh đạo chủ chốt nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của CNTT, quyết tâm chỉ đạo và thường xuyên ứng dụng CNTT vào quá trình tác nghiệp thì ở đó lĩnh vực CNTT đạt kết quả tốt.
Thứ hai, triển khai ứng dụng đồng bộ, có lộ trình cụ thể từng giai đoạn, có chiến lược, phù hợp với điều kiện thực tế, coi trọng công tác đào tạo kiến thức CNTT cho cán bộ, chuyên viên nhất là đội ngũ trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống mạng CNTT.
Thứ ba, chú trọng thường xuyên công tác nhập cơ sở dữ liệu, ứng dụng tốt các chương trình điều hành tác nghiệp trên mạng, đảm bảo chặt chẽ đúng quy định trong việc sử dụng hệ thống mạng CNTT của cơ quan Đảng.
Thứ tư, kịp thời ban hành các quy định, quy chế vận hành, sử dụng hệ thống CNTT trong toàn hệ thống mạng, thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Trung ương trên lĩnh vực CNTT.
Thứ năm, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên viên của các cơ quan đảng, đặc biệt là tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ Quản trị mạng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.  

 Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan Đảng, trước hết cần phải kế thừa những thành tựu và kết quả đạt được trong thời gian qua; nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT đã đầu tư, đồng thời cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

            Một là: Tiếp tục duy trì có hiệu quả hệ thống mạng CNTT diện rộng của các cơ quan đảng trong toàn tỉnh; đầu tư, nâng cấp, bổ sung hạ tầng kỹ thuật CNTT đáp ứng yêu cầu, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và hệ thống cơ sở dữ liệu tại trung tâm mạng của Tỉnh uỷ và các huyện, thành, thị uỷ. Mở rộng kết nối nội mạng diện rộng cho các đảng uỷ xã, phường, thị trấn còn lại, các tổ chức đoàn thể trong toàn tỉnh.
            Hai là: Tăng cường ứng dụng CNTT rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực, trong tất cả các cấp uỷ đảng đáp ứng tiến trình cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, phục vụ các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng. Quan tâm bố trí kinh phí, đầu tư nguồn lực để phát triển CNTT các cơ quan Đảng bộ tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phát triển ứng dụng sâu rộng trong các cấp uỷ đảng.
            Ba là: Xây dựng, hoàn thiện và thống nhất áp dụng các phần mềm điều hành tác nghiệp mới, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Đảng do Trung ương chuyển giao trên mạng thông tin diện rộng Tỉnh uỷ. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ ứng dụng CNTT, các kỹ năng vận hành máy tính và mạng máy tính theo từng giai đoạn cho cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan, đơn vị; quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên trách CNTT ở cấp tỉnh và cấp huyện; tập huấn ứng dụng cho toàn thể cán bộ cấp xã, phường, thị trấn.
 
Dương Đức Thành, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ

    Ý kiến bạn đọc