Bác Hồ về đoàn kết, thống nhất trong Đảng
EmailPrintAa
07:48 20/01/2016

Một trong những giá trị truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc chúng ta qua hàng nghìn năm lịch sử là truyền thống đoàn kết xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống đó đã được Đảng Cộng sản Việt Nam giữ gìn, phát huy, nâng lên tầm thời đại, trong đó lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người khởi xướng và duy trì. Sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta là đã tìm ra những hình thức tốt nhất để tập hợp quần chúng, nhân dân làm cách mạng, tiêu biểu là Mặt trận Dân tộc thống nhất, Mặt trận Việt Minh và các tổ chức đoàn thể quần chúng sau này, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo Bác Hồ, Đảng đoàn kết “làm cho quần chúng mến Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác, tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo” (1); “củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng... nhân dân thấm nhuần và thực hiện chính sách của Đảng” (2).
 

Bác Hồ với đại biểu phụ nữ các dân tộc Việt Bắc (năm 1959).

 

Đoàn kết trong Đảng trước hết là để xây dựng, thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng. Nói như Bác Hồ thì: “Người vào Đảng phải thừa nhận Đảng cương và Đảng chương. Phải tham gia công tác trong một tổ chức của Đảng. Phải tuyệt đối phục tùng nghị quyết của Đảng. Phải nộp đảng phí.” (3). Đoàn kết trong Đảng để thực hiện Đảng cương của Đảng, bởi: “Đảng cương là lý luận nền tảng. Đảng dùng lãnh đạo cách mạng. Nó đảm bảo cho chính trị thống nhất, tư tưởng thống nhất của Đảng. Vì vậy, mỗi đảng viên nhất định phải thừa nhận và theo đúng Đảng cương. Nếu không vậy, thì tư tưởng sẽ rối loạn, ý kiến sẽ lung tung, Đảng sẽ yếu đuối, rời rạc không làm được gì” (4).

Đoàn kết, thống nhất trong Đảng để thực hiện tốt Đảng chương của Đảng. “Đảng chương là một văn kiện quy định: Phương pháp hành động, hình thức tổ chức, khuôn phép sinh hoạt nội bộ của Đảng. Nó bảo đảm tổ chức thống nhất của Đảng. Vì vậy, mỗi đảng viên phải tuyệt đối thừa nhận và làm đúng Đảng chương. Nếu không vậy, nếu ai muốn làm sao thì làm, thì kết quả sẽ đưa Đảng đến chỗ tan rã... Mỗi đảng viên phải tuyệt đối tuân theo kỷ luật của Đảng. Có như vậy mới thành một Đảng đoàn kết chặt chẽ, ý chí thống nhất, hành động nhất trí. Đảng cương và Đảng chương là để đảm bảo sự thống nhất của Đảng về chính trị, về tư tưởng, về tổ chức, về hành động. Đó là cái nguồn gốc của lực lượng của Đảng” (5). Một trong những tiêu chí đánh giá sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là gữi gìn kỷ luật của Đảng. Theo Bác: “Nhờ kỷ luật của Đảng mà đoàn kết, nhất trí, mạnh mẽ để lãnh đạo nhân dân đến thắng lợi. Sự nghiệp cách mạng của Đảng do đảng viên mà hoàn thành, cho nên mọi đảng viên phải thật thà chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng. Lợi ích của Đảng là lợi ích chung, đảng viên phải ra sức giữ gìn nó, cái gì trái với nó, thì đảng viên phải kiên quyết đấu tranh chống lại” (6). Một trong những nguyễn tắc bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Bác khẳng định: “Chỉ có Đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật sự dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên - mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng, càng chắc chắn thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh” (7). Nếu toàn Đảng đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí dưới sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu thi hành đường lối của Đảng thì nhất định “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, làm cho danh dự của Đảng, vai trò của Đảng càng lớn, Đảng ta càng vĩ đại.

Với Hội nghị thành lập Đảng, tên gọi mới của Đảng và Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm cho Đảng tiếng nói chung, “mẫu số chung” cho cả ba tổ chức cộng sản. Đó là sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức trên cơ sở một đường lối, chính cương, sách lược đúng, thống nhất trên cơ sở điều lệ đúng, vừa bảo đảm được dân chủ nhưng vừa tuân thủ tập trung. Từ khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ cách mạng trong đó đều thể hiện sự đoàn kết đúng như lời nhận định của Người: “Đảng ta tuy đông người nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”. Trong lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 3-3-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào: Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm tám chữ là: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Đây không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, mà cũng là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc, vì nó là đòi hỏi khách quan của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng.

Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận xét: “Đến Cụ Hồ thì đại đoàn kết được xây dựng trên cả một lý luận chứ không còn đơn thuần là tình cảm tự nhiên của người trong một nước phải thương nhau cùng”(8). Theo số liệu thống kê, trong 1.921 bài viết của Bác có tới 839 bài Người đề cập đến vấn đề đoàn kết thống nhất và có tới 1.809 lần Bác dùng từ “đoàn kết”, “đại đoàn kết”. Trong Di chúc, chỉ có chưa đầy 20 dòng nói về Đảng nhưng đã có đến 5 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến “đoàn kết”. Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Không chỉ nói đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói đến ba cụm từ: “Đoàn kết chặt chẽ”, “Đoàn kết nhất trí”, “Đoàn kết và thống nhất” và đặc biệt là Người dùng hình ảnh “con ngươi của mắt” ví với vấn đề đoàn kết. Ở một văn bản quan trọng đã nhiều năm suy ngẫm, ở một con người mà văn phong đã được cân nhắc từng câu, từng chữ, thì những cụm từ này  càng có ý nghĩa sâu sắc. Nó không chỉ là điệp khúc trong bản anh hùng ca của Đảng và dân tộc, tạo ra sức mạnh vô địch để làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Nó còn là ý niệm và hành động thường trực trong bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh và rồi khi Người đi xa, nó sẽ tiếp tục là ý thức thường trực, là phương châm hành động của những người cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “trong Đảng cần phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Một lần nữa, lời dạy của Bác thể hiện mối quan tâm đến sự đoàn kết thống nhất thực sự trong tư tưởng và hành động của Đảng chứ không phải là cái vỏ bề ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tổ chức Đảng là đơn vị chiến đấu phải mạnh trong thực chất chứ không phải là trên hình thức. Quan điểm của Người là: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(9). Mọi sự đoàn kết giả tạo, xuê xoa, đoàn kết về hình thức thì trước sau cũng không thể tồn tại. Đoàn kết phải dựa trên nền tảng dân chủ vì chỉ có trên cơ sở dân chủ nội bộ thì đảng viên mới thật sự trung thực, chân thành, thẳng thắn với nhau.

Trong Di chúc của mình, bản sửa năm 1965, bên cạnh dòng chữ được đánh máy “Trong Đảng thực hành dân dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bổ sung một dòng chữ viết tay phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Lời nhắc nhở này là một luận điểm rất quan trọng về đoàn kết trong Đảng. Nó cho thấy, bên cạnh tính kiên quyết trong tự phê bình và phê bình, Bác rất chú trọng tới cái tâm trong sáng trong sinh hoạt Đảng, cái “tình” trong đoàn kết, trong cuộc sống của Đảng. Không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì mọi cuộc tự phê bình và phê bình sẽ đưa lại kết quả không tốt đẹp, thậm chí, có thể tạo nên một bầu không khí đấu đá, một cuộc thanh trừng trong Đảng. Điều đó chỉ làm suy yếu sức mạnh của Đảng mà thôi. Kết hợp với dân chủ, tình đồng chí thương yêu lẫn nhau sẽ tạo  được bầu không khí cởi mở, tin cậy, khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo để xây dựng Đảng, xây dựng đất nước. Luận điểm này là một cống hiến lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ngành khoa học xây dựng Đảng và vô cùng phù hợp khi đặt trong hoàn cảnh cụ thể của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như tâm lý, truyền thống “có lý, có tình” của của người Việt Nam.

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, mặc dù các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội có nhiều âm mưu phá hoại, xuyên tạc, nói xấu Đảng ta, nhưng nếu toàn Đảng đoàn kết, nhất trí như những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không có thế lực nào có thể phá hoại được. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ huy dàn nhạc cử bài “Kết đoàn” sẽ in sâu vào trong tâm khảm của mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta ngày hôm nay, để chúng ta cùng phát huy những thành tựu đã đạt được, kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém, tiếp tục phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu của thời kỳ mới, xứng đáng với công sức và niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Vũ Bình Minh/Xaydungdang.org.vn


..................................................................
(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, HN, 2002, t. 7, tr. 236. (2). Hồ Chí Minh, Sđd, trang 233. (3). Hồ Chí Minh, Sđd, trang 236. (4). Hồ Chí Minh, Sđd, trang 236. (5). Hồ Chí Minh, Sđd, trang 236-237. (6). Hồ Chí Minh, Sđd, trang 238. 7). Hồ Chí Minh, Sđd, tập 8, trang 223. (8) Viện Hồ Chí Minh: Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, Hà Nội. 2003, tập 2, trang 34. (9). Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr 261.


    Ý kiến bạn đọc