Bác Hồ với công tác giáo dục - đào tạo
EmailPrintAa
09:47 20/11/2014

Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến công tác giáo dục thế hệ trẻ nói chung, công tác dạy học nói riêng. Người đã dạy rằng: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa.
 
   

Con người mà Bác mong muốn đào tạo không chỉ có lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, có lí tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức mà còn phải có tri thức khoa học, kĩ năng lao động sản xuất… Có như vậy thì dân tộc ta mới có sức mạnh tinh thần và thể chất để vượt bao khó khăn, gian khổ trong chinh phục thiên nhiên, chiến thắng giặc ngoại xâm, đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc, văn minh, tiến bộ, thích ứng về với thời đại, xã hội mới. Qua những bài nói, bài viết của Người về giáo dục - đào tạo và dạy học, có thể rút ra một số nội dung cơ bản sau:

Về mục tiêu của giáo dục và dạy học

Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết ngay. Trong đó, vấn đề thứ hai là “nạn dốt”. Nạn mù chữ của nhân dân ta được Người coi là một thứ giặc nguy hại không kém gì giặc ngoại xâm. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”[1].

Bác chỉ ra rằng nền giáo dục mới và nhà trường mới phải thực hiện hoạt động dạy và học theo mục tiêu: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại; học để sửa chữa tư tưởng; học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; học để tin tưởng và học để hành.

Trong bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, kí tên TL. đăng trên báo Nhân dân số 5526, ngày 1-6-1969, Người viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc và giáo dục tốt cho các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

Trong Di chúc, Bác viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[2].

Như vậy, mục tiêu cao cả của giáo dục là bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, bồi dưỡng những chủ nhân tương lai của nước nhà.

Về nhiệm vụ và nội dung dạy học

Trong công tác dạy học, người thầy giáo chẳng những phải cung cấp tri thức, phát triển năng lực nhận thức, mở mang trí tuệ cho người học, mà còn phải hết sức chú ý bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức cho họ, tức là giáo dục toàn diện. Ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong bài nói chuyện với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của nhà trường, Người đã nói: “Dạy cũng như học phải chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”[3]. Người nêu rõ: trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kĩ thuật, lao động và sản xuất. Đây là những nội dung giáo dục hết sức cơ bản, gắn bó chặt chẽ với nhau, làm nền tảng cho sự phát triển con người Việt Nam.

Về vai trò, vị trí quan trọng của người thầy

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của những thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Người đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”[4].

Để hoàn thành được sứ mệnh vẻ vang đó, mỗi người thầy giáo, cô giáo phải không ngừng rèn luyện để luôn tiến bộ, phải có kiến thức và phương pháp giảng dạy tốt, có nhân cách đạo đức và có tình thương yêu học sinh, say mê với nghề nghiệp. Bác chỉ rõ trách nhiệm của người thầy giáo, cô giáo: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức ... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”[5].

Về phương pháp và phong cách dạy học

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ làm rõ về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của giáo dục và dạy học, mà còn định hướng cho chúng ta khi xác định phương pháp và phong cách dạy học. Điều đó thể hiện ở những quan điểm sau:

- Học phải đi đôi với hành, lí luận phải gắn liền với thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng kết hợp lí luận với thực tế là một nguyên tắc rất quan trọng. Bác nêu rõ mối quan hệ giữa lí luận và thực hành: Lí luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lí luận. Lí luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên, vì vậy mỗi người phải gắng học, đồng thời học thì phải hành.

- Dạy học phải chú ý đặc điểm đối tượng, phải biết dạy cho ai. Bác đã chỉ ra rằng: Muốn cho việc dạy học không xa rời quần chúng, điều kiện cơ bản đối với người thầy giáo là phải sát đối tượng, phải đóng giày theo chân chứ không thể khoét chân cho vừa giày“Chân” ở đây là quần chúng, là học sinh. Người thầy giáo phải là người thợ giày tận tụy và lành nghề. Muốn vậy, phải đi sâu, đi sát để tìm hiểu tâm tư, mắc mớ của học sinh, từ đó, tìm ra con đường giải quyết hợp lí việc dạy học, tuyên truyền.

Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Khi nói chuyện với các anh em ở lớp nghiên cứu chính trị khóa I của trường Đại học Nhân dân Việt Nam (1956), Bác Hồ đã căn dặn mọi người: Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ. Cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân. Lênin khuyên chúng ta: Học, học nữa, học mãi. Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó.

Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh đã trở thành đường lối, chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Từ Ðại hội lần thứ VI (1986) đến Ðại hội lần thứ XI (2011) của Ðảng, cũng như  trong các văn kiện quan trọng của Ðảng và Nhà nước, giáo dục và đào tạo và luôn luôn được khẳng định là "quốc sách hàng đầu", là "động lực của sự phát triển đất nước". Phát triển giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ đủ sức gánh vác sứ mệnh đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, đó là kỳ vọng của Bác Hồ đối với thế hệ trẻ, cũng là khát vọng cao đẹp của nhân dân, đất nước ta.

--------------------------------

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2000, tập 4, tr.8.

[2] Sách đã dẫn (Sđd), tập 12, tr.498.

[3] Sđd, tập 11, tr.329.

[4] Sđd, tập 11, tr.331-332.

[5] Sđd, tập 9, tr.492.

Trương Thị Nguyệt - Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội

TT CNTT (Theo xaydungdang.org.vn)


    Ý kiến bạn đọc