Bác Hồ đã "đi xa" 46 năm, song đọc lại những lá thư ấy, chúng ta bồi hồi xúc động, hiểu hơn những tình cảm sâu nặng, thiết tha của Bác đối với các cháu nhỏ. Trong thư gửi các cháu thiếu nhi nhân Tết Trung thu năm 1945, Bác viết: "Các cháu vui cười hớn hở, Bác Hồ cũng vui cười hớn hở với các cháu. Đố các cháu biết vì sao? Một là vì Bác rất yêu mến các cháu; hai là vì Trung thu năm ngoái nước ta còn bị áp bức, các cháu còn là một bầy nô lệ trẻ con, mà Trung thu năm nay, nước ta đã tự do, các cháu đã trở thành những tiểu chủ nhân của một nước độc lập"(1). Trong lá thư lịch sử này, Bác đã khéo léo gắn kết tình thương yêu con trẻ với niềm tự hào lớn lao khi đất nước giành lại được độc lập, tự do. Thư gửi các cháu thiếu nhi nhân Trung thu năm 1951, Bác đã tâm sự:
"Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy giòng
Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung"(2).
Nét đặc sắc trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ ở những dòng tình cảm thiết tha, khi Bác đã coi các cháu nhi đồng là những người bạn thân thương, gần gũi để dãi bày tâm sự. Vẫn với những rung động cảm xúc chân thành, Trung thu năm 1952, Bác tâm tình:
"Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành"(3).
Ở những dòng thư dịu dàng, đằm thắm này, Bác Hồ không chỉ vui mừng, tự hào về lớp lớp măng non Việt Nam sống trong chế độ mới luôn xinh xắn, ngoan ngoãn, giỏi giang, mà Bác còn khẳng định, Bác là người yêu quý các cháu nhi đồng nhiều nhất. Chính tình thương yêu bao la đó đã nâng tầm sự “vĩ đại” của Bác, làm cho mỗi cháu nhỏ, mỗi chúng ta ngày càng kính yêu, tin tưởng và trân trọng Bác nhiều hơn.
Đặc biệt, những năm cuối đời, Bác luôn da diết nhớ tới đồng bào miền Nam ruột thị, trong đó có nỗi nhớ vô hạn đối với thiếu niên, nhi đồng miền Nam. Trong hoàn cảnh kháng chiến cam go, ác liệt, thiếu nhi miền Nam phải chịu bao đau thương, tang tóc dưới ách xâm lược của đế quốc Mỹ. Bác Hồ luôn lạc quan, tin tưởng sắt đá nhân dân ta nhất định thắng, Nam - Bắc nhất định thống nhất, Bác nhất định sẽ được gặp các cháu thiếu nhi miền Nam vô cùng yêu quý của mình. Để khẳng định điều này, trong thư gửi thiếu nhi miền Nam nhân dịp Tết Trung thu năm 1965, Bác nhấn mạnh:
"Bắc Nam sẽ xum họp một nhà,
Bác cháu ta họp mặt, trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng,
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi"(4).
Mặc dù điều mong ước được gặp thiếu nhi miền Nam của Bác không trở thành hiện thực, song nhân dân ta đã hoàn toàn chiến thắng; Tổ quốc ta đã độc lập, tự do, thống nhất; các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đã được sống trong hòa bình, hạnh phúc, tương lai tươi sáng hơn…
Tình thương yêu sâu nặng của Bác Hồ không chỉ dành cho thiếu nhi Việt Nam, mà còn dành cho thiếu nhi thế giới.
Trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước, đã có biết bao thiếu nhi Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ, Tiệp Khắc, Ba Lan… đã được Bác Hồ dành cho những tình cảm chân thành từ những món quà, lời thăm hỏi, động viên, và những cái ôm hôn thắm thiết. Ngày 7-2-1958, hơn 3.000 thiếu nhi Ấn Độ đồng diễn chào mừng Bác Hồ tới thăm. Các em phấn khởi hô vang "Cha, cha Hồ" (Bác Hồ). Đây là điều rất đặc biệt. Bởi vì, chỉ có 2 người được thiếu nhi Ấn Độ gọi là Bác, đó là "Bác Nê-ru" và "Bác Hồ".
Khi đến thăm trại thiếu thi Tiệp Khắc gần Pra-ha, Bác Hồ đã có một cuộc đối thoại hết sức sinh động, vui vẻ với các cháu:
"- Các cháu có biết Bác là ai không?
- Ano! (có ạ). Strycek Hồ! (Bác Hồ).
- Bác từ nước nào đến?
- Việt Nam!
- Các cháu có yêu học tập không?
- Ano!
- Có yêu lao động không?
- Ano!
- Bác Hồ rất yêu các cháu. Các cháu có yêu Bác Hồ không?
- Ano... Ano!..."(5).
Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng tình thương yêu giữa Bác Hồ đối với thiếu nhi và giữa thiếu nhi đối với Bác Hồ vẫn còn mãi. Đó là tình cảm sâu sắc, thân thiết và cao đẹp vô cùng. Để đền đáp công ơn trời biển và tình thương yêu lớn lao, cao quý của Bác, toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hôm nay phải luôn cố gắng, nỗ lực thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, luôn chăm học, chăm làm “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, tích cực công tác Đội, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
---------------
(1), (2), (3), (4): Hồ Chí Minh, Bàn về công tác giáo dục, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1972, trang 13, 34, 39, 96.
(5): Ban Tuyên giáo Trung ương, 117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2007, trang 93.
PGS, TS. Hà Huy Thông/Xaydungdang.org.vn
Tin mới cập nhật
- Vận dụng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh ( 19/11)
- “Tư tưởng DÂN” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 12/09)
- Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - công trình lý luận ý nghĩa trong mọi giai đoạn ( 26/08)
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc từ thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” ( 31/07)
- Quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 144 của Bộ Chính trị: Sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng ( 15/07)
- Coi trọng liêm sỉ, biết giữ thể diện và uy tín trước dân là trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay ( 12/07)