Chống chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải nêu cao vai trò của tổ chức đảng và đảng viên
EmailPrintAa
15:15 12/11/2015

Chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm của xã hội người bóc lột người, dựa trên chế độ tư hữu, là sự đối lập giữa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội. Trong tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", Hồ Chí Minh chỉ ra các loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân là bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo... Đây là kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội mà người cách mạng phải đấu tranh tiêu diệt. Chống chủ nghĩa cá nhân muốn hiệu quả phải bắt đầu từ nhận thức, vai trò của tổ chức đảng và đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. "Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy"… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng"1. Thư gửi các lớp chỉnh huấn cơ quan, Người cũng chỉ ra "Chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc"3. Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính nhân dân. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”(1947), Người xem chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ địch ở bên trong. Người so sánh: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra1. Vì vậy, tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh là kiên quyết chống mọi kẻ thù, đấu tranh đến cùng chống ngoại xâm theo tinh thần “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”, đồng thời phải kiên quyết “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc. “Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu”.  Có thể nêu trên 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết trước đó. Đó là bệnh quan liêu, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, "hữu danh vô thực", cận thị, tị nạnh, xu nịnh, a dua, kéo bè kéo cánh... Những biểu hiện này được Người phân tích, khái quát rõ nét, cụ thể và đều đối lập với đạo đức cách mạng. Soi vào một số tổ chức Đảng, không ít cán bộ, đảng viên ngại va chạm, ngại đấu tranh trong sinh hoạt Đảng, thấy cái sai không lên tiếng, sợ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, thờ ơ, vô cảm với những mong muốn của nhân dân, ban hành chính sách chưa phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, ngại học tập, tiếp thu cái mới; trong công tác cán bộ, không muốn sử dụng người hơn mình, nhất là thiếu cái nhìn khách quan về năng lực của cán bộ trẻ, sử dụng những người thân quen, người tâng bốc, nịnh bợ... Do chủ nghĩa cá nhân chi phối làm cho không ít cán bộ, đảng viên sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, độc đoán, xa rời quần chúng, phạm phải nhiều sai lầm, làm mất nhân cách, uy tín, danh dự của mình và của tổ chức. Tất cả những biểu hiện ấy xuất phát từ ý muốn chủ quan, không tôn trọng thực tế khách quan. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên từ nhiều phía, trong đó có thể kể đến năng lực, trình độ của cán bộ có phần hạn chế.

Một số cán bộ xem cá nhân, tổ chức, địa phương mình như một giang sơn riêng, không chịu cải tổ, học tập, sáng tạo. Người đứng đầu thiếu gương mẫu kéo theo cả tổ chức, hệ thống trì trệ, lạc hậu. Đây là mầm mống cho chủ nghĩa cá nhân phát sinh, phát triển. Ngoài sự chủ quan, bảo thủ của bản thân cá nhân thì từ phía tổ chức cũng có phần trách nhiệm đó là chưa coi trọng tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt Đảng; giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, còn hình thức.

Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh gay go, lâu dài, gian khổ. Cuộc đấu tranh này quyết liệt không kém cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù ngoại xâm, bởi lẽ chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, nó ẩn nấp trong tư tưởng, suy nghĩ, hành vi của mỗi cá nhân và sinh sôi, phát triển nhanh. Hồ Chí Minh cho rằng "Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ"4 .

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là phải đi đến hoàn toàn không có chủ nghĩa cá nhân. Trong đầu óc mọi người đều có sự đấu tranh giữa cái “thiện” và cái “ác”, hoặc nói theo cách mới là sự đấu đấu tranh giữa tư tưởng cộng sản và tư tưởng cá nhân4. Để chống chủ nghĩa cá nhân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ phía tổ chức Đảng và từ phía cán bộ, đảng viên. Đối với người cách mạng thì điều cốt yếu quan trọng đầu tiên đó là phải "quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng". Cả hai yếu tố này bổ sung cho nhau song trước khi muốn nâng cao đạo đức cách mạng phải đấu tranh để loại bỏ thói hư, tật xấu, những căn bệnh nguy hiểm tồn tại trong mỗi đảng viên, tổ chức Đảng. Cùng với đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu của người đảng viên. Trước tiên phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là phương thuốc hay nhất, giúp cho toàn Đảng và mỗi đảng viên sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tiến bộ không ngừng, ngày một mạnh thêm. Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như rửa mặt mỗi ngày. Làm được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, “cơ thể” Đảng sẽ khoẻ mạnh vô cùng. Muốn vậy, tự phê bình và phê bình phải có tình đồng chí thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, thấu lý, đạt tình. Phải triệt để, không nể nang, không thêm, không bớt, không dùng những lời mỉa mai, cay độc, châm chọc, phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm, phê bình căn cứ vào việc làm, chứ không suy diễn, quy kết. Khi tự phê bình và phê bình phải tránh thái độ lợi dụng phê bình để “đập cho tơi bời”, khoét sâu mâu thuẫn hoặc thái độ “dĩ hoà vi quý”. Hệ thống giải pháp này chỉ phát huy hiệu quả khi chi bộ thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật.

Cùng với tự phê bình và phê bình, người đảng viên phải luôn luôn tự giác, gương mẫu học tập, nghiên cứu, nắm bắt tri thức lí luận, chuyên môn nâng cao chất lượng công tác, hoạt động thực tiễn. Trong Bài nói chuyện trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu, 18-1-1949, Người đã dặn: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước…Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”2. Muốn chống chủ nghĩa cá nhân đòi hỏi ý thức, sự nỗ lực hết mình một cách thực chất của mỗi người trong rèn luyện đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính. Đó là bài học xuyên suốt, cần thiết mà mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần, thực hiện tốt để góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.

 Phan Hương - Huyện ủy Thạch Hà 

Tài liệu tham khảo:

 1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2000, tập 10, tr.306.

2. Sđd, tập 7, tr.92;

3. Sđd, tập 5, tr.475-476;

4. Sđd, tập 9, tr.456;

5. Sđd, tập 5, tr. 1021;


    Ý kiến bạn đọc