Có một sự thật đáng suy nghĩ
EmailPrintAa
08:44 23/02/2013

Kể từ khi có Chỉ thị số 06 ngày 07-11-2006 và Quyết định số 35 tháng 01-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; sau đó tháng 05-2011 Bộ Chính trị (khóa XI) có Chỉ thị số 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến nay toàn Đảng, toàn dân ta đã tiến hành học và làm theo Bác được hơn 6 năm. Qua đó, nhiều tấm gương tập thể và cá nhân học tập và làm theo tấm gương của Bác xuất hiện, có tác dụng lớn, góp phần xây dựng đạo đức trong xã hội, thúc đẩy các phong trào hành động cách mạng, vượt qua những khó khăn thách thức, đưa sự nghiệp đổi mới tiếp tục giành được những thành tựu mới.

Nhưng cũng có một thực tế đáng phải suy nghĩ. Đó là những điển hình cá nhân hầu hết là những đảng viên thường, ít có những điển hình là người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp; cấp càng cao thì số này càng ít. Vì sao vậy? Có thể là vì những người đứng đầu khiêm tốn, không tự nhận về mình danh hiệu cao quý đó. Nhưng phần lớn là do cán bộ, đảng viên và nhân dân không suy tôn, vì không ít những người lãnh đạo đó có những mặt chưa đạt yêu cầu về chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy. Bác Hồ đã nêu rõ:

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, 

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc,

Người có 4 đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính,

Thiếu một mùa thì không thành trời,

Thiếu một phương thì không thành đất,

Thiếu một đức thì không thành người”.

Bác chỉ rõ: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Cần thì việc gì dù khó khăn mấy cũng làm được”. Bác còn nêu: “Phải có kế hoạch cho mọi công việc, phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng, điều nên làm trước, điều nên làm sau…”. Hiểu như vậy thì thấy, không ít cán bộ lãnh đạo chưa thật thấm nhuần lời dạy của Bác, còn mắc không ít sai sót vì những tính toán không thực tế, không vì lợi ích của nhân dân nên có những chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch. Hoặc có nơi dân rất cần mấy cái cầu bắc qua suối để đi lại thuận lợi thì không làm mà cứ say sưa với xây trụ sở nhiều tầng, xây đền đài tráng lệ…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho “Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Bác còn nêu “Cần với kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm thì làm chừng nào, xào chừng ấy”. Cũng do không ít cán bộ lãnh đạo thiếu tính toán cẩn thận và cần không gắn với kiệm đã để xẩy ra tình trạng xa hoa, lãng phí mà không ngăn chặn được. Hết hội thảo này đến hội thảo nọ, tốn kém biết bao tiền của, công sức mà không mang lại những kết quả cụ thể. Tình trạng khen thưởng tràn lan, chạy theo thành tích trong khi phong trào sa sút, các chỉ tiêu chủ yếu không đạt hoặc “đạt” một cách hình thức. Không những thế, còn cho lập những dự án về các khu công nghiệp, sân gôn, các trung tâm thương mại lớn nhưng khá nhiều dự án không khả thi, trở thành những “dự án treo”. Không ít diện tích đất màu mỡ bị bỏ hoang hóa hằng chục năm vẫn không được triển khai, trong khi nông dân mất đất, không có đất sản xuất, địa phương mất sản phẩm, nhà nước mất nguồn thu ngân sách. Đã thế, biết bao công trình xây dựng cơ bản chất lượng kém, độ bền vững không đạt yêu cầu gây ra lãng phí lớn… 

Với Liêm, Bác phân tích rất sâu sắc và cụ thể: “Liêm là trong sạch, không tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm. Người cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút hoặc trộm của công làm của tư là bất liêm. Dìm người giỏi để giữ địa vị, danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm) Gặp việc phải mà sợ khó nhọc, nguy hiểm, không dám làm là tham vật úy lạo. Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh, úy tử đều làm trái với chữ liêm”. Bác còn viết: “Cụ Khổng Tử nói: Người mà không liêm không bằng súc vật… Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”.

Còn Chính, Bác lại chỉ rõ: “Chính, nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn. Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc Chính và việc Tà. Làm việc chính là người Thiện. Làm việc Tà là người Ác”.

Trong thời kinh tế thị trường hiện nay, mặt trái của đồng tiền và tham vọng địa vị, hư danh đã và đang làm tha hóa không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số người đứng đầu. Tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ cấp ủy, cấp ủy, tổ chức đảng ở không ít nơi và thói vô cảm trước những bức xúc của dân, trắng thành đen, đen thành trắng là bởi một số cán bộ lãnh đạo và quản lý sa vào bất chính và không thực thi tốt cần và kiệm.

Ngẫm những lời Bác dạy về bốn đức nêu trên, trong chúng ta từ những đảng viên cộng sản chân chính đến mỗi công dân yêu nước chắc không khỏi băn khoăn, lo lắng về bệnh quan liêu, tham nhũng hiện nay, dù chúng ta đã làm không ít việc cần thiết để chống tham nhũng nhưng tệ quan liêu, tham nhũng đang đe dọa đến niềm tin và vai trò lãnh đạo của Đảng, cũng như sự tồn vong của chế độ.

Toàn Đảng đã và đang tiến hành nhiều công việc cấp bách để xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Tin tưởng rằng, nhiều điển hình cá nhân học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ nở rộ như hoa mùa xuân, trong đó có không ít người đứng đầu các cấp, các ngành.


    Ý kiến bạn đọc