Đảng bộ huyện Đức Thọ làm tốt công tác xây dựng Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
EmailPrintAa
14:47 22/10/2014

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta tài sản vô giá, đó là Bản Di chúc lịch sử. Bản Di chúc chính là những tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, sự nhắc nhở và trách nhiệm của Người đối với dân tộc, sự nghiệp cách mạng, trong đó công tác xây dựng Đảng được Người đặt lên hàng đầu. Thực hiện lời dạy của Người, thời gian qua Đảng bộ huyện Đức Thọ đã có nhiều giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
 
   

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Theo Người: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết trong Đảng. Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình, cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính, chí, công, vô tư, phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau.

Thực hiện lời dạy của Người, Đảng bộ huyện Đức Thọ đã tập trung nhiều giải pháp để xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là sự thống nhất về tư tưởng. Cấp ủy, chính quyền huyện đã có nhiều đổi mới trong việc đưa các chủ trương, chính sách đến với nhân dân. Các đợt học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được thực hiện nghiêm túc, chất lượng; các chủ trương, chính sách mới được công khai, tuyên truyền phổ biến tới tận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhờ vậy, trong Đảng và nhân dân có sự đồng thuận, thống nhất cao; nhân dân ủng hộ, hưởng ứng tích cực các chủ trương của Đảng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Nguyên tắc này  được Đảng bộ huyện thực hiện thường xuyên, đặc biệt trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây dịp để mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, đánh giá lại bản thân, tổ chức qua đó có những giải pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung cao sự lãnh đạo chỉ đạo từ khâu tuyên truyền, triển khai học tập, quán triệt, xin ý kiến góp ý đến việc tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân, xây dựng các giải pháp khắc phục. Việc kiểm điểm được tiến hành từ trên xuống dưới, tập thể trước, cá nhân sau, cán bộ, đảng viên lãnh đạo trước,được thực hiện nghiêm túc từ huyện đến cơ sở. Với tinh thần đoàn kết, hội nghị kiểm điểm tại các cơ quan, đơn vị đều diễn ra trong không khí thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, đánh giá đúng tình hình thực tế. Qua đợt kiểm điểm giúp cho tập thể, cá nhân mỗi đảng viên tiếp tục phát huy những ưu điểm, đồng thời thấy được những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục, sửa chữa. Đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, theo dõi. Sau kiểm điểm các cơ quan, đơn vị, đảng viên đều có các giải pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế của đơn vị, cá nhân mình.

Thực hiện lời Bác dạy “Chi bộ là gốc rễ, là nền tảng của Đảng, các chi bộ mạnh thì đảng mạnh”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có nhiều chủ trương, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chi bộ cơ sở, để chi bộ thực sự là cầu nối giữa Đảng với dân như: tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ Bí thư chi bộ; tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở; đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tổng hợp thông tin thời sự chính trị hàng tháng làm tài liệu sinh hoạt chi bộ. Từ cuối năm 2013, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định cử 155 cán bộ huyện cùng về dự sinh hoạt tại 155 chi bộ thôn xóm. Đây là một chủ trương đúng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Nhờ vậy, các chủ trương, chính sách mới của huyện, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy được phổ biến, thông tin kịp thời, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để có sự tập trung chỉ đạo, tạo nên mối liên hệ gắn bó, gần gũi giữa Đảng với nhân dân. Thực hiện chủ trương của tỉnh, vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo tổ chức tốt Hội thi Bí thư chi bộ năm 2014 từ cơ sở đến huyện. Đây thực sự đợt sinh hoạt chính trị, góp phần bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về công tác Đảng và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn cho đội ngũ Bí thư chi bộ cơ sở.

Thầm nhuần lời dạy của Bác “mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, công tác tổ chức cán bộ được huyện quan tâm, chăm lo. Công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ từ huyện đến cơ sở được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đến nay đã đề bạt, bổ nhiệm mới 58 đồng chí; điều động, luân chuyển 9 đồng chí là trưởng, phó các ban, phòng, ngành cấp huyện về cơ sở giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; cử 324 lượt cán bộ từ huyện đến cơ sở đi đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị. Công tác cải cách thủ tục hành chính được thực hiện đồng bộ từ huyện đến cơ sở gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 35, kết luận 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định 33 của Ủy ban nhân dân tỉnh, tạo chuyển biến cơ bản trong giải quyết công việc với dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng gần dân, sâu sát cơ sở, tinh thần, thái độ, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân nâng lên.

Những giải pháp đó đã nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, góp phần lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng an ninh trên địa bàn toàn huyện. Trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng giá trị sản xuất đạt 3.176,525 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp là 811,961 tỷ đồng, chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo. Đến nay toàn huyện đã xây dựng được 505 mô hình sản xuất (60 mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng, 22 mô hình doanh thu từ 501 đến dưới 1 tỷ đồng, 434 mô hình doanh thu từ 100 - 500 triệu đồng/năm); thành lập được 35 doanh nghiệp, 43 hợp, 88 tổ hợp tác. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có những khởi sắc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực. Chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Giáo dục - Đào tạo tiếp tục phát triển về chất lượng toàn diện và mũi nhọn. Toàn huyện hiện có 47 trường đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành việc phổ cập Mầm non cho trẻ 5 tuổi. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh vùng giáo, trật tự an toàn xã hội được duy trì, đảm bảo. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, mối quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng được củng cố bền chặt. Năm 2013 Đảng bộ huyện Đức Thọ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy công nhận đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện Di chúc của Người, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đang tập trung chỉ đạo, rà soát chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015, chăm lo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng gắn với công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh./.

Phạm Thị Thanh - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Thọ


    Ý kiến bạn đọc