Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946) như lời “Hịch” đối với toàn dân tộc trước họa xâm lăng của thực dân Pháp, nhưng chứa đựng sự giàu có về giá trị nhân đạo, nhân văn - nhân văn quân sự. Sau 70 năm và sẽ mãi mãi về sau, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Người luôn mang tính thời sự và giữ nguyên giá trị đó.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. (Ảnh: TTXVN). |
Quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều giai đoạn gay go, phức tạp, nhưng chưa lúc nào gay cấn được ví như “ngàn cân treo sợi tóc” vào thời điểm cuối năm 1946. Cùng một lúc, dân tộc ta phải đối mặt với nhiều kẻ thù như: quân Anh, quân Tưởng Giới Thạch, quân Pháp và những đảng phái, các lực lượng phản động trong nước nổi lên. Chúng cùng có âm mưu chống phá cách mạng, xóa bỏ chính quyền nhà nước cách mạng non trẻ - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” vào đúng thời điểm gay go, có tính quyết định nhất đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Có thể tiếp cận giá trị Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ở các góc độ khác nhau, nhưng nổi lên nhất là: “Giá trị nhân văn quân sự”.
Từ: “Hỡi…” được dùng ba lần gắn với ba nội dung khác nhau, nhưng thống nhất ở tinh thần thông báo tình hình nguy cấp, có tính đột biến, khẩn trương để thức tỉnh nhận thức; nâng tầm cao mới về thái độ, lương tâm, ý chí của mỗi con người Việt Nam. Chữ “Hỡi” trong mệnh đề đầu tiên là: “Hỡi đồng bào toàn quốc”. Câu văn này gắn với nội dung thông báo tính khẩn cấp của toàn cục tình hình đất nước, dân tộc. Tiếp đến là chỉ rõ, khẳng định tinh thần nhân đạo, nhân văn của dân tộc ta: “Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”.
Những cụm từ: “muốn hòa bình”; “phải nhân nhượng”; “càng nhân nhượng” thể hiện một tinh thần không muốn diễn ra chiến tranh; làm rõ một sự nhân nhượng đến tận cùng để có hòa bình.
Tinh thần ấy càng được tôn lên khi đặt trong quan hệ với âm mưu, thái độ thực dân Pháp là: “Thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Những lời lẽ “càng lấn tới” ; “quyết tâm cướp nước ta một lần nữa” đã đặt toàn dân tộc, mỗi con người Việt Nam vào tình huống bức bách phải lựa chọn một trong hai: một là khoanh tay, cúi đầu trở lại nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập.
Trước hai sự lựa chọn ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một cách đanh thép bằng một từ: “Không!...” để thể hiện rõ sự lựa chọn con đường quyết tâm đánh giặc. Từ “không!” trong mệnh đề có giá trị như một “kích hoạt” vào trạng thái tinh thần hiện có, để được nhân lên gấp bội lần qua sự thức tỉnh đối với mỗi con người Việt Nam trước họa xâm lăng. Quyết tâm ấy là: “… Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Bằng nghệ thuật diễn đạt của lời “Hịch”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đẩy quyết tâm đánh giặc của toàn dân tộc lên đến đỉnh cao nhất.
Những mệnh đề: “Chúng ta phải đứng lên!”; “Bất kỳ đàn ông đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Chữ “Hễ” vừa dễ hiểu, vừa dễ đi vào nhận thức con người và cũng hàm ý không loại trừ một ai trong đánh giặc cứu nước.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến còn chỉ rõ cách thức cụ thể để bất cứ ai cũng có thể đánh được giặc: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”; “Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước” đã thể hiện rõ một ý chí quyết tâm; một cách thức thực hiện rất cụ thể và cho phép không loại trừ một ai. Những nội dung trên, với cách diễn đạt dễ hiểu, nhưng có chất kích thích tinh thần cách mạng rất mạnh mẽ.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đã nhanh chóng đi vào tâm thức, ý chí, quyết tâm mỗi con người dân tộc ta. Tinh thần Lời kêu gọi là sự tiếp biến giá trị văn hóa quân sự trong truyền thống yêu nước đánh giặc lên đến đỉnh cao nhất trong thời đại mới. Truyền thống của: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư…” (thời Lý); tiếng hô “quyết đánh” của các bô lão thời Trần trong Hội nghị Diên Hồng, đặc biệt là “Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn; tư tưởng về “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” của Nguyễn Trãi; tinh thần thần tốc: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để răng đen (Quang Trung)… đã được hun đúc trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến có sức mạnh tinh thần to lớn - sức mạnh của chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn Việt Nam từ chiều sâu truyền thống, diện rộng của toàn dân, tầm cao của thời đại. Vì thế, nó trở thành sức mạnh vật chất đánh bại đội quan viễn chinh của thực dân Pháp kéo dài chín năm bằng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đã diễn ra 70 năm, nhưng giá trị nói chung và giá trị nhân đạo, nhân văn quân sự Việt Nam vẫn nguyên giá trị. Nó là trường tồn, đồng thời luôn có tính thời sự.
Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu đưa dân tộc ta quay về vòng nô lệ mới. Trong bối cảnh chung ấy, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; những nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã đặt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào tình huống mới, phải tiếp tục phát huy giá trị từ Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngang tầm thời đại. Hiện nay, chúng ta tập trung vào khắc phục, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu lực, hiệu quả. Tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “cả hệ thống chính trị phải vào cuộc”, tức là mỗi con người Việt Nam phải hành động một cách thiết thực.
Các thế hệ hôm nay có quyền tự hào về truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh trong thực hiện “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, làm nên chiến thắng, đồng thời phải thể hiện rõ trách nhiệm đối với lịch sử, hiện tại và tương lai đất nước. Là người Việt Nam thì phải có trách nhiệm ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ ấy bằng sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn đến đỉnh cao, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Theo Vov.vn
Tin mới cập nhật
- Vận dụng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh ( 19/11)
- “Tư tưởng DÂN” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 12/09)
- Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - công trình lý luận ý nghĩa trong mọi giai đoạn ( 26/08)
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc từ thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” ( 31/07)
- Quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 144 của Bộ Chính trị: Sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng ( 15/07)
- Coi trọng liêm sỉ, biết giữ thể diện và uy tín trước dân là trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay ( 12/07)