Tiếp thu tinh thần nhân văn của nhân loại cùng với việc thể nghiệm của chính bản thân mình qua hoạt động cách mạng thực tiễn, Người khẳng định: Yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất, là một tình cảm rộng lớn, trước hết là dành cho người cùng khổ, những người lao động bị áp bức bóc lột…; thể hiện ham muốn tột bậc của Bác làm cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Tình yêu thương con người còn thể hiện trong mối quan hệ bạn bè, đồng chí và mọi người trong sinh hoạt thường ngày; đòi hỏi mỗi người phải luôn chặt chẽ, nghiêm khắc với mình, độ lượng với người khác, phải có thái độ tôn trọng con người. Đồng thời, Người còn thể hiện tình yêu thương con người đối với những người có sai lầm, khuyết điểm nhưng đã nhận rõ khuyết điểm, sai lầm và cố gắng sửa chữa, những người lầm đường lạc lối đã hối cải, kẻ thù đã bị thương, bị bắt, đã quy hàng. Nhạc sỹ Thuận Yến đã viết: “Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam. Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa, Bác yêu đàn cháu nhỏ Trung thu gửi cho quà. Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng, Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương…”
Người cho rằng phẩm chất đạo đức quan trọng và bao trùm nhất của con người Việt Nam là trung với nước, hiếu với dân. Không những kế thừa được những giá trị của chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc mà còn vượt qua được hạn chế của truyền thống đó. Trung với nước là trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nước ở đây là nước của nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước. Người luôn xác định ''bao nhiêu quyền hạn đều của dân'', ''bao nhiêu lợi ích đều vì dân''. Đảng và Chính phủ là '' đầy tớ của nhân dân'', chứ không phải là ''quan nhân dân để đè đầu cưỡi cổ nhân dân''; Bác mong muốn mỗi người Việt Nam suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; ''điều chủ chốt nhất'' của đạo đức cách mạng là ''tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân'', là ''trung với nước, hiếu với dân'', hơn nữa phải là ''tận trung, tận hiếu'' thì mới xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tư tưởng hiếu với dân không dừng lại ở chỗ thương dân mà còn phải phục vụ hết lòng vì dân. Vì vậy, phải gần dân, gắn bó với dân, kính trọng và học tập dân, dựa hẳn vào dân, lấy dân làm gốc. Đối với cán bộ lãnh đạo, phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, phải thường xuyên quan tâm đến việc cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí để dân hiểu được quyền và trách nhiệm của người chủ đất nước.
Về tư tưởng trọng dân, Người chỉ rõ sự cần thiết phải củng cố mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng: Không có quần chúng thì không có lực lượng; không có Đảng thì không có người lãnh đạo, hướng dẫn, chỉ đường, "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng", "lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn". Khi được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước, Người trả lời các nhà báo: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận". Người căm ghét thói cậy quyền, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, tham ô, lãng phí, quan liêu, móc ngoặc, tham nhũng... vì nó "là kẻ thù của nhân dân, của dân tộc, của Chính phủ. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, nó nằm trong tổ chức của ta, nó là giặc nội xâm để làm hỏng công việc của ta”. Người dạy: "Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ". Người căn dặn: Cán bộ đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân; phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân...; phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo. Khi chọn cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải lựa chọn "những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ là người lãnh đạo của họ". Người lên án gay gắt chủ nghĩa cá nhân "Hiện nay chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình là cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng, mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì".
Cũng theo Người, Đảng phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng nhân dân và hướng dẫn nhân dân, tổ chức thành lực lượng, thành phong trào hành động cách mạng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Còn các tầng lớp của nhân dân phải tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị tư tưởng và tổ chức. Nhân dân là nguồn bổ sung vô tận cho Đảng và luôn luôn tràn trề sức xuân. Trọng dân là thương dân, vì nhân dân mà phục vụ và biết coi trọng sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Biết bao những phần tử ưu tú trong giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân lao động khác, đã trở thành đảng viên của Đảng. Quần chúng còn tham gia góp ý, phê bình sự lãnh đạo của Đảng với mong muốn Đảng luôn luôn trong sạch và vững mạnh để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đến đích cuối cùng.
Thực hiện Chỉ thị số 03 - CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường đầy biến động, tác động đến lối sống của mỗi người, mỗi gia đình và xã hội, chúng ta càng phải nhận thức sâu sắc hơn những tư tưởng, đạo đức, lời dạy của Người, đặc biệt là tình yêu thương và lòng tôn trọng đối với nhân dân. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, phải xác định rõ suốt đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, của dân tộc để xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Phan Huấn, VPTU
Tin mới cập nhật
- Vận dụng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh ( 19/11)
- “Tư tưởng DÂN” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 12/09)
- Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - công trình lý luận ý nghĩa trong mọi giai đoạn ( 26/08)
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc từ thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” ( 31/07)
- Quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 144 của Bộ Chính trị: Sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng ( 15/07)
- Coi trọng liêm sỉ, biết giữ thể diện và uy tín trước dân là trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay ( 12/07)