Học tập phong cách quần chúng của Bác Hồ
EmailPrintAa
14:56 16/05/2017

Cách đây một năm, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Một trong những phong cách nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đảng ta yêu cầu cán bộ, đảng viên cần phải học tập và làm theo, đó là phong cách quần chúng, gần dân, sát dân, lắng nghe dân, yêu thương dân hết mực, làm việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của nhân dân, lợi ích của đất nước.

Phong cách quần chúng của người cán bộ là biết hòa mình vào cuộc sống cần lao của người lao động, biết chia sẻ với niềm vui của bà con, băn khoăn với trăn trở của họ và nhất là cùng tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để giúp họ vươn lên trong cuộc sống, lao động sản xuất. Tuy nhiên, cần hiểu “phong cách quần chúng” không có nghĩa là “theo đuôi” quần chúng, “vỗ về” quần chúng, mà điều quan trọng là phải quan tâm giáo dục, vận động, tuyên truyền, định hướng cho nhân dân biết sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đồng thời tổ chức chăm lo cho nhân dân có cuộc sống ngày càng hạnh phúc.

 
Học tập phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu/minh họa.  

Thực tế cho thấy, không phải cán bộ cứ gần dân là hiểu dân, lắng nghe dân. Gần dân chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Thời gian qua, có nhiều cán bộ tuy không sống “xa dân”, nhưng lại không hiểu lòng dân, vì thế có những cử chỉ, hành vi ứng xử chưa phù hợp với dân, thậm chí gây bức xúc cho dân. Ứng xử với dân sao cho thấu lý đạt tình không phải là chuyện dễ dàng đối với cán bộ, nhưng không thể không làm nếu muốn thu phục được nhân tâm, thuyết phục được quần chúng.

Phần đông nhân dân ta chịu thương chịu khó, tần tảo làm ăn, biết phân biệt điều hay lẽ phải, biết nhận rõ đúng sai và tuân thủ luật pháp. Tuy vậy, một bộ phận người dân do trình độ hạn chế, ít hiểu biết pháp luật, phần khác lại hay nhẹ dạ cả tin, dễ bị lôi kéo bởi một số đối tượng không tốt, do đó đôi khi đòi hỏi quyền lợi quá đáng. Cũng có thể do lợi ích trước mắt, cục bộ, một bộ phận người dân dễ “thỏa hiệp” với một số “nhóm lợi ích” bằng thái độ thiếu thiện chí hợp tác với chính quyền. Những “điểm nóng” về giải quyết vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù tiền hỗ trợ cho dân ở một số địa phương thời gian qua, đã phần nào nói lên điều đó. Trong những trường hợp này, nếu cán bộ ứng xử với dân chỉ bằng mệnh lệnh hành chính đơn thuần chưa hẳn mang lại kết quả như ý muốn chủ quan. Những lúc như vậy, cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở, cán bộ đoàn thể quần chúng cần chủ động tiếp cận, trò chuyện, tìm hiểu những vướng mắc đang tích tụ trong lòng dân, từ đó truy tìm nguyên nhân và tìm cách tháo gỡ khó khăn, bức xúc của dân bằng một thái độ chân thành, hợp tình hợp lý. Chỉ khi nào cán bộ bắt “trúng và đúng” tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết ổn thỏa các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thì mới góp phần củng cố, gây dựng niềm tin cho nhân dân. Đó cũng là cơ sở để gắn kết sự hòa quyện “ý Đảng lòng dân”.

Trước khi trở thành người lãnh đạo, mỗi cán bộ đều là một người dân theo đúng nghĩa. Vậy nên, có đặt mình trong vị trí, hoàn cảnh, tâm trạng thực tế của người dân, thì cán bộ mới dễ tìm được tiếng nói chung với bà con, từ đó tự nguyện chung tay góp sức với đồng bào xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là một cách thiết thực để mỗi cán bộ tự mình phòng ngừa nguy cơ “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã cảnh báo.

Theo qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc