Học tập phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh
EmailPrintAa
17:18 17/04/2017

Phong cách sống là lối sống, nếp sống, cách sống trong sinh hoạt đời thường của một con người: từ ăn, mặc, ở, lao động, học tập, cho đến nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí…. Phong cách sống phản ánh một cách chân thực đạo đức của mỗi người. Để hiểu được giá trị của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không thể không tìm hiểu phong cách sinh hoạt trong đời thường của Bác.

Ảnh minh họa

Phong cách sinh hoạt của Bác thể hiện sự giản dị, thanh cao, đạm bạc trong đời sống vật chất, nhưng lại phong phú về giá trị đạo đức - tinh thần, vừa chan chứa tình yêu thương con người, yêu cuộc sống, vừa thể hiện tâm hồn yêu thiên nhiên và trân trọng cái đẹp. Dù ở cương vị nào, Người cũng không quan cách, câu nệ, không đặt bản thân đứng ngoài hay đứng trên đồng chí, trên nhân dân mà hết sức gần gũi, chân tình, hòa đồng. Trong sinh hoạt đời thường, việc gì có thể làm Người đều tự làm lấy, không muốn phiền người khác. Dọc đường đi công tác, người tự giặt lấy quần áo, phơi lên sào rồi vác vai đi tiếp, bình dị, tự nhiên như bao người. Người luôn tạo cho mình một phong thái tự tại, ung dung, làm chủ bản thân trước mọi biến đổi của tự nhiên, lúc nào cũng vui vẻ, bình thản. 

Trang phục của Người luôn thể hiện một sự giản dị, chân phương mà vẫn toát lên vẻ lịch sự, tao nhã. Dù ở đâu, có vật dụng gì tốt, Bác đều để giành vào việc khác, cho người khác. Khi ở miền núi, Người mặc bộ đồ chàm như một ông ké người Nùng; đến với nông dân, Người mặc bộ cánh nâu, khăn mặt vắt vai; đi chiến dịch, Người mặc bộ quân phục. Chăn màn, quần áo đều nhuộm nâu cho bền và dễ ngụy trang, bị rách thì vá lại. Khi sang nước bạn cũng chỉ có hai bộ quần áo ngoài, một bộ bằng kaki, áo sơ mi, một bộ bằng dạ cùng vài bộ đồ lót… Từ kháng chiến đến khi về Hà Nội, Bác vẫn dùng đôi dép cao su. Đối với cán bộ đi cùng Bác, Bác cũng yêu cầu như vậy. Bởi theo Bác: “Nếu làm nhiệm vụ tiếp khách nước ngoài thì nên mặc đẹp hơn, còn nếu không làm nhiệm vụ mà ăn mặc sang thì không phù hợp1.  Riêng việc may quần áo cho Bác, lúc nào Bác cũng có những câu chuyện thuyết phục để có lí do từ chối. Đã có lần một cán bộ cấp cao của Đảng thấy Bác mặc áo có chỗ vá trên vai, lấy làm áy náy, Bác khuyên lại chân tình: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy! Đừng bỏ cái phúc ấy đi!”2. Hòa bình lập lại trên miền Bắc, về Thủ đô, anh em xin phép Bác được may thêm cho Bác một bộ áo quần kaki mới với lí do phòng khi trời ẩm, bộ cũ chưa kịp khô nhưng Bác bảo: “Ta vừa kháng chiến xong, đất nước còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn. Bác có hai bộ kaki tuy đã cũ nhưng vẫn còn mặc tốt, các chú đừng may thêm, lãng phí2. Đồng bào trong nước và các bạn nước ngoài tặng Bác nhiều vải lụa tốt, nhưng Bác vẫn không cho may mà dùng để làm tặng phẩm cho đồng bào và chiến sĩ có thành tích trong kháng chiến. Năm 1957, một số đồng chí đi cùng Bác xin phép được mặc phù hợp với nghi thức ngoại giao. Bác nhẹ nhàng phân tích tình hình đất nước còn nhiều khó khăn rồi lấy dẫn chứng “Liên Xô sau khi chiến thắng phát xít Đức, thanh niên tự nguyện bảy năm không thắt cà vạt, phụ nữ ba năm không thắt nơ mà tiết kiệm để xây dựng đất nước3

Về chỗ ở, Bác quen sống chan hòa với tự nhiên, thích ở nhà sàn. Có lần, cần tìm địa điểm mới cho cơ quan Trung ương với yêu cầu có thể sản xuất để tự túc một phần lương thực, Bác dặn anh em tìm nơi “Trên có núi, dưới có sông; Có đất ta trồng, có bãi ta vui; Tiện đường sang Tổng bộ; Thuận lối tới Trung ương; Nhà thoáng, ráo, kín mái; Gần dân, không gần đường4. Chỉ vẻn vẹn mấy câu nhưng thể hiện một tư duy kiến trúc sâu sắc, khoa học về việc lựa chọn nơi ở phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của người Việt Nam cũng như hoàn cảnh hoạt động, công tác lúc bấy giờ của Người.

 Trong ăn uống, Bác lại càng đơn giản, Bác thích những món ăn dân dã, thanh đạm như dưa cà, thịt kho, cá kho. Cách ăn điều độ, mỗi bữa hai bát cơm, nếu có cái gì ngon đều chia phần cho mọi người. Khi ăn tập thể, ăn hết chừng nào lấy chừng ấy để phần người ăn sau. Ăn xong, bao giờ Người cũng sắp xếp lại mâm, bát cho gọn gàng, thể hiện sự tôn trọng đối với người phục vụ mình. Bữa ăn của Bác thường theo công thức là “ba món, một canh”, hai mặn một nhạt. Món mặn thứ nhất, khi thì thịt nạc, khi thì cá kho; món mặn thứ hai là vài quả cà, ít nước mắm có trộn tí chanh, ớt; “một nhạt” là đĩa rau, quả luộc… Ăn cơm xong, Bác ăn tráng miệng chuối, cam hoặc vài quả táo; nước uống là loại trà bình thường như mọi người dân dùng. Những lúc thời tiết thay đổi, hoặc làm việc căng thẳng, giữa buổi Bác uống thêm cốc sữa… Bác thường nói với anh em giúp việc: Không phải Bác không biết ăn ngon, mà nên ăn ngon vào những lúc nào, trong khi nhân dân còn nghèo, đất nước còn phải kháng chiến, bao nhiêu chiến sĩ, đồng bào đang phải chịu đói, chịu rét, làm việc hết sức vất vả, gian khổ mà Bác cháu ta ở giữa Thủ đô lại ăn uống quá mức sao đành. Bởi thế, Bác thường dặn đồng chí cấp dưỡng tính toán nấu ăn cố gắng đảm bảo đủ chất, giản dị, vừa phải, không thừa, không thiếu. Khi đi công tác xuống cơ sở, nếu chỉ trong ngày, Bác báo trước cho tổ công tác chuẩn bị mang cơm trưa đi theo. Cơm được bỏ trong cặp lồng ủ kỹ, giữ nóng hoặc nắm vắt thật nhuyễn, để bay hết hơi, gói lại; canh thì cho vào phích nóng. Nếu đi cơ sở từ hai ba ngày trở lên, Bác báo trước để anh em phân công người đi theo nấu nướng, phục vụ.

Nếp sinh hoạt, ăn uống giản dị, tiết kiệm thường ngày của Bác xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt là vì dân, vì nước. Sau khi nước nhà giành độc lập, nhiệm vụ đầu tiên được Bác chú ý đó là phải diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, trong đó để diệt giặc đói, Bác kêu gọi tất cả đồng bào mỗi ngày nhịn ăn một bữa để ủng hộ các gia đình nghèo đói. Riêng Bác, Bác tự nêu gương mỗi tuần ăn một bữa cháo, hoặc một bữa cơm trộn ngô và vận động mọi người xung quanh cùng thực hiện.

Phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh dù trong bất cứ hoàn cảnh, thời điểm nào cũng thể hiện sự khiêm tốn, mộc mạc, luôn “nâng niu tất cả chỉ quên mình”, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong mỗi câu chuyện đều chất chứa những lời giáo dục nhẹ nhàng, sâu sắc, tinh tế Bác giành cho cán bộ, đảng viên. Bác không bắt mọi người sống như Bác mà Bác muốn mỗi người hãy sống bằng thu nhập chính đáng của bản thân, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước.

Ngày nay, xã hội phát triển, điều kiện sống của nhân dân nói chung và cán bộ, đảng viên  đã được cải thiện, nâng cao hơn rất nhiều so với trước. Nghiên cứu, vận dụng và thực hành phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh phù hợp với đời sống thực tiễn hiện nay là điều mỗi cán bộ, đảng viên cần làm để khắc phục và tránh những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

Phan Thị Hương - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Hà

Tài liệu tham khảo:

1. Những mẫu chuyện về phong cách Hồ Chí Minh, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2016, trang 180

2. Sđd, tr.220

3. Sđd, tr.221

4. Sđd, tr.181.


    Ý kiến bạn đọc