Học tập tư tưởng Hồ Chi Minh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong tình hình mới
EmailPrintAa
09:26 14/08/2020

Tuyên truyền theo nghĩa rộng là hoạt động có mục đích của chủ thể nhằm truyền bá những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đến đối tượng, biến những kiến thức, giá trị tinh thần đó thành nhận thức, niềm tin, tình cảm của đối tượng, thôi thúc đối tượng hành động theo những định hướng, những mục tiêu do chủ thể tuyên truyền đặt ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt mục đích đó, là tuyên truyền thất bạ¬i (*).

Báo cáo viên cơ sở huyện Thạch Hà trực tiếp tuyên truyền vận động Nhân dân

Là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tuyên truyền. Người xác định công tác tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng hùng mạnh cho cách mạng. Tuy vậy, để “dân hiểu”, “dân nhớ”, “dân theo”, “dân làm” là cả một quá trình mà cán bộ làm công tác tuyên truyền phải tiếp cận, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo. Trong tuyên truyền phải xác định rõ “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”.

Quan tâm đối tượng tuyên truyền để lựa chọn nội dung, phương pháp

Theo Hồ Chí Minh, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân thì cần quan tâm, chú ý đến đối tượng tuyên truyền, bởi vì tùy theo từng đối tượng, trình độ mà chọn nội dung, cách thức tuyên truyền cho phù hợp. Trong đó, phải chú trọng ưu tiên cho đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp, vì đồng bào có trình độ thấp đã hiểu thì các đối tượng khác đều nắm bắt được, vì thế nội dung phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Phương pháp tuyên truyền là yếu tố góp phần quan trọng làm nên thành công của công tác tuyên truyền. Theo Hồ Chí Minh: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực” để mọi người hiểu đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, “không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin, làm cho nhân dân khó hiểu”. Nếu “nói hay mà không hiểu” thì cũng không bằng “nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được”(*). Trong tuyên truyền, giáo dục, Hồ Chí Minh đề cao yếu tố nêu gương, giáo dục bằng việc làm và hướng dẫn cụ thể. Theo Người, chính việc lấy gương tốt trong cán bộ, đảng viên, quần chúng… để giáo dục là phương pháp tuyên truyền, giáo dục sinh động, có sức thuyết phục và có hiệu quả nhất. Không chỉ coi trọng tuyên truyền những tấm gương điển hình, Người còn yêu cầu bản thân người làm công tác tuyên truyền cũng phải là một tấm gương sáng. Người lí giải rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(*). Đây là phương pháp tuyên truyền không thông qua nói và viết mà bằng việc làm, bằng hành động cụ thể, “nói đi đôi với làm”.

Cán bộ làm công tác tuyên truyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nói đến đội ngũ làm công tác tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chẳng những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sĩ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, tất cả đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng”(*). Công tác tuyên truyền do Đảng lãnh đạo được thực hiện thông qua những con người cụ thể, đó là đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền và sự tham gia của đoàn thể và các cán bộ, đảng viên. Yếu tố tiên quyết của công tác tư tưởng là đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Bác căn dặn cán bộ phải có tình yêu thương và nhiệt tình cách mạng, nhắc nhở cán bộ trong mỗi việc làm không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người cán bộ tuyên truyền có nhiệt tình cách mạng, tìm tòi phương pháp tuyên truyền cụ thể, thiết thực, “không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện” và chỉ khi hết lòng yêu thương Nhân dân, cán bộ tuyên truyền mới thật sự là một phần của quần chúng Nhân dân, mới hiểu nhân dân cần gì để báo cáo lại với Đảng, với Nhà nước tìm cách giúp đỡ Nhân dân.

Theo Người, điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ tuyên truyền là đạo đức cách mạng của người cán bộ làm công tác tuyên truyền, trước hết thể hiện ở ý thức, niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tin vào con đường cách mạng của Đảng. Người làm công tác tư tưởng trước hết “phải có lòng tự tin, tin vào mình, tin Đảng, tin giai cấp, tin nhân dân mình”(*), thiếu niềm tin vào điều mình tuyên truyền thì không thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ tuyên truyền cần chủ động học tập để không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, nếu không sẽ lạc hậu, thoái bộ; phải luôn nắm vững chủ trương, nghị quyết của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, tập quán, sinh hoạt của Nhân dân, có những kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lý, khoa học, xã hội, chính trị... Bởi theo Người: “Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”.

90 năm qua, ngành tuyên giáo của Đảng đã vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm tốt công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc làm nên những thắng lợi to lớn. Trong dòng chảy chung đó, công tác tuyên truyền của Đảng bộ Hà Tĩnh đã khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, ý chí, khát vọng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc; tô thắm và làm rạng rỡ truyền thống của Đảng bộ và quê hương Hà Tĩnh anh hùng. Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 05 báo cáo viên Trung ương, 52 báo cáo viên cấp tỉnh, 514 báo cáo viên cấp huyện, 2.686 báo cáo viên cấp xã. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, đội ngũ cán bộ tuyên truyền vẫn luôn luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.

Hiện nay, quê hương, đất nước đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đan xen nhiều khó khăn, thách thức; các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá trên nhiều phương diện; tác động của mặt trái kinh tế thị trường; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trong tình hình mới, cùng với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp và phát huy vai trò của hệ thống chính trị đối với công tác tuyên tuyên truyền thì đội ngũ làm công tác tuyên truyền phải luôn kiên định mục tiêu lý tưởng, vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Vận dụng tư tưởng của Bác trong tuyên tuyền, từ điều kiện thực tiễn, lựa chọn nội dung, phương pháp phù hợn để “nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”, tuyên truyền hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, đấu tranh phản bác có hiệu quả những quan điểm sai trái, thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phạm Viết Phượng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

(*) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011


    Ý kiến bạn đọc