Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong sinh hoạt, ứng xử
EmailPrintAa
10:07 18/05/2015

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của nhân dân Việt Nam, không chỉ là tấm gương về lòng trung thực, tinh thần hi sinh quên mình, cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân mà Người còn là biểu tượng đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực, nếp sống giản dị. Dù trong bất cứ hoàn cảnh, không gian, thời gian nào, Người luôn giữ tác phong ngăn nắp, trật tự, gọn gàng. Mỗi lời dạy, cử chỉ, hành động của Người trong nếp sinh hoạt, ứng xử hàng ngày, cũng như trong công việc luôn là những bài học quý để mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta soi vào và học tập.

Khi còn ở Pác Bó, dù sống trong hang đá hay trong lán nhỏ, Bác vẫn giữ nếp sống ngăn nắp. Đồ đạc, tài liệu được Bác xếp theo thứ tự riêng, cái nào ra cái đó, không bao giờ lẫn lộn. Sách, báo, tài liệu, Bác xếp để trên bậc. Ấm chén, bút mực… cũng đều có quy định chđể, ai động đến là Bác biết. Bác có một chiếc máy chữ mang từ nước ngoài về, thường vẫn dùng để đánh tài liệu. Cứ sau mỗi buổi làm việc, Bác xếp máy chữ vào một túi riêng, còn tài liệu thì bỏ vào thùng sắt đậy cẩn thận. Mỗi lúc có báo động, chỉ vài phút là Bác đã xếp xong các thứ gọn gàng trong khi các đồng chí khác thì chạy tới, chạy lui, vấp cả vào nhau. Thấy có đồng chí thứ cần không mang đi, thứ không cần lại mang nên Bác khuyên nhẹ nhàng: “Gọn gàng, ngăn nắp cũng là một cách bảo mật”. Vì vậy, khi hoạt động bí mật cũng như nếp sống hằng ngày của người cán bộ phải thường xuyên rèn luyện. Vẫn với tinh thần, đức tính ấy, khi về sống ở Hà Nội, trên bàn làm việc của Bác nơi nhà sàn, hàng ngày, buổi sáng, sau giờ làm việc, trước lúc ăn cơm, Bác đều xếp tài liệu, sách vở ngay ngắn. Buổi chiều hết giờ làm việc, Bác mang tài liệu lên nhà, mỗi thứ để một nơi theo quy định đúng chỗ. Một lần, đang lúc giữa trưa thì còi thành phố báo động có máy bay Mỹ đến. Bác bình tĩnh từ trên nhà đi xuống cầu thang. Nhìn thấy một số đồng chí bảo vệ tất tưởi chạy ra hầm, quần áo, súng, đạn, ba lô không gọn gàng, Bác bảo: “Các chú là bộ đội, phải bình tĩnh và luôn sẵn sàng chiến đấu, lúc có giặc cũng như không có giặc. Muốn vậy, trong cuộc sống hằng ngày, các chú phải sống ngăn nắp, trật tự và gọn gàng”. 

Trong cuốn “Đời sống mới”(1947), Người đề ra yêu cầu đối với mỗi cá nhân thực hành nguyên tắc đời sống mới trong “cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, loè loẹt”. “Cách làm việc thì phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối”. Kêu gọi mọi người dân thực hành các nguyên tắc đời sống mới, bản thân Người là một tấm gương giản dị trong ăn mặc, tinh thần làm việc nghiêm túc, sắp xếp mọi việc khoa học, chu đáo làm sao đạt mục đích, hiệu quả cao nhất. Trong bữa ăn, đạo đức của người ăn cơm được thể hiện cụ thể, rõ nét đó là Người không bao giờ đòi hỏi là Chủ tịch nước phải được ăn thứ này, thứ kia dù là khi kháng chiến gian khổ cũng như khi hoà bình lập lại. Những món ăn của Bác rất giản dị, toàn là các món đơn giản tương cà, cá kho, thường 3 món trong một bữa ăn. Lúc đi công tác xa hay gần, Người đều dặn dò anh em chủ động chuẩn bị chu đáo những thứ cần thiết và mang cơm đi theo, tuyệt đối không làm phiền địa phương, cơ sở, thường thì các món mang theo là cơm nắm, độn cả ngô, mì, khi thì bánh mì với thức ăn nguội, canh thì cho vào phích để dùng cho nóng. Khi ăn phải ăn món gì hết món đó, không đụng đũa vào các món khác, gắp thức ăn phải cho có ý, cắt miếng bơ cũng phải vuông vức. Được ăn một miếng ngon không bao giờ Bác ăn một mình mà luôn để phần cho người này, người kia rồi mới đến lượt mình… Đó là ý thức trong bữa ăn còn hàng ngày, Bác luôn căn dặn anh em luôn có ý thức tổ chức, kỷ luật, triệt để tôn trọng nội quy chung và bản thân Người luôn gương mẫu tuân thủ thực hành trước tiên. Không tự cho mình đứng ngoài mọi quy định, khi đi chùa, Bác dừng lại để dép ở ngoài như mọi người, xong mới bước vào và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ, khi đi trên đường luôn gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình.

Chính đức tính ngăn nắp, gọn gàng, lối sống giản dị chi phối đến hành động, ứng xử của Người trong tất cả các mối quan hệ, nhất là đối với công việc, bao giờ, Người cũng đặt việc công lên trước việc tư, chăm lo cho nhân dân, đồng bào, đồng chí trước khi nghĩ đến bản thân mình. Đó là đạo đức của một người cách mạng suốt đời phấn đấu hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Soi vào thực tiễn hiện nay vẫn còn có không ít cán bộ, đảng viên sống xa hoa, lo hưởng thụ, lãng phí, tham nhũng tiền của của nhân dân, vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước… Ở không ít công sở, nhất là cấp cơ sở, phòng ốc, điều kiện làm việc có phần khó khăn, máy móc, phương tiện làm việc chưa đầy đủ, tuy nhiên, một thực trạng là tác phong làm việc của cán bộ còn nhếch nhác, luộm thuộm, tài liệu, sách vở trong phòng bề bộn, sắp xếp thiếu khoa học nhìn vào rất phản cảm, làm mất đi tính nghiêm túc. Những mẫu chuyện trên nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống cũng như công việc luôn phải xây dựng, thực hành tác phong khoa học, ngăn nắp, gọn gàng, vừa để đảm bảo công việc trôi chảy, thông suốt, vừa tiết kiệm thời gian. Đối với cấp trên, trong điều hành chỉ đạo nên làm việc có kế hoạch, sắp xếp việc nào ra việc nấy, tránh chồng chéo, thiếu tập trung dẫn đến hiệu quả không cao. Đối với người cán bộ tham mưu lại càng cần thiết hơn bởi lịch làm việc luôn phụ thuộc vào cấp trên do đó phải chủ động hơn trong công tác, tham mưu chắc chắn, kỹ lưỡng, tập trung, có chiều sâu, nâng cao hiệu quả công tác. Cùng với cải cách hành chính, sắp xếp điều kiện làm việc ở các cơ quan hành chính thì cần phải đổi mới mạnh mẽ nền nếp, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức, tinh thần phục vụ, tác phong gương mẫu cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đổi mới lề lối làm việc, hướng cán bộ về cơ sở, gắn bó, nắm bắt, giải quyết những vấn đề khó khăn của cơ sở, xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng của người cán bộ từ thực tiễn. Chỉ có từ thực tiễn gắn bó với đời sống nhân dân, đặt mình trong những khó khăn, gian khổ mới giúp người cán bộ trưởng thành, xây dựng lối sống giản dị, phong cách công tác khoa học, tôn trọng tài sản, tiền của của bản thân, của nhân dân, tránh xa được những ham muốn vật chất tầm thường.

Phan Hương - Huyện ủy Thạch Hà


    Ý kiến bạn đọc