Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh
EmailPrintAa
13:46 06/02/2015

Năm 2015 là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, năm có nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Tiếp nối kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 03-KH/TW của Ban Bí thư khóa XI và các chuyên đề của những năm trước, năm nay, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành và tổ chức học tập chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về "Trung thực, trách nhiệm; Gắn bó với nhân dân; Đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh". Việc ban hành, tổ chức học tập chuyên đề nhằm giúp mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tính trung thực, trách nhiệm, đoàn kết thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng, vừa đề ra các giải pháp, kiến nghị đổi mới hình thức, phương pháp đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tiếp theo.

Đảng muốn mạnh phải bắt đầu từ mỗi cán bộ, đảng viên và từng tổ chức cơ sở Đảng. Để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, đòi hỏi đảng viên, tổ chức Đảng phải trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: "Trung thực là một phẩm chất đạo đức, thể hiện sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm; giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tr.260). Người cán bộ, đảng viên, công chức thể hiện tính trung thực của mình thông qua xác định trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Theo Chuyên đề Học tập và làm theo năm 2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương: "Trách nhiệm là việc phải làm không thể thoái thác. Trách nhiệm như là bổn phận của mỗi người, dù ở cương vị nào, to hay nhỏ, lớn hay bé, mỗi người đều có "bổn phận". Ý thức trách nhiệm là tự ý thức được về các công việc phải làm, "nhận rõ phải, trái, đúng, sai", tự mình xác định việc cần làm". Tư tưởng Hồ Chí Minh xem đạo đức là “nền tảng”, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ “gánh được nặng và đi được xa”.

Yêu cầu tính trung thực, trách nhiệm đối với người cán bộ, đảng viên, công chức đó là chính mình phải xác định được "bổn phận" để tự giác, cố gắng hoàn thành trách nhiệm được giao trước Đảng, trước nhân dân. Muốn vậy, mỗi người phải tự xây dựng niềm tin, bản lĩnh cách mạng vững vàng, rèn luyện, thực hành các chuẩn mực đạo đức, gương mẫu trong lối sống và việc làm, lời nói phải thống nhất với hành động, "không nói một đàng làm một nẻo". Nếu kêu gọi mọi người cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư và mà bản thân mình lại lười biếng, không chuyên cần, không tiết kiệm, không hoàn thành công việc được giao, thậm chí tìm cách tham ô tiền của Nhà nước, sống hoang phí, xa hoa... thì chẳng những không có tác dụng giáo dục mà còn gây sự phẫn nộ, mất niềm tin trong quần chúng.

Trung thực, trách nhiệm với chính mình là cơ sở, nền tảng để thực hiện trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc và với nhân dân. Trách nhiệm với Đảng đòi hỏi tất cả đảng viên phải kiên định với tôn chỉ, mục đích, lí tưởng của Đảng; phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, nghị quyết do Đảng đề ra, chấp hành Điều lệ, kỷ luật Đảng, tham gia xây dựng tổ chức Đảng; thường xuyên học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, nắm bắt thực tiễn bổ sung vào lí luận, rèn luyện đạo đức cách mạng. Trách nhiệm với Tổ quốc là đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp thống nhất nước nhà, sẵn sàng hi sinh khi Tổ quốc lâm nguy và ngày nay trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc hăng say lao động, đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội giàu mạnh.

Trong mối quan hệ với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với nhân dân là phải "hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân", muốn vậy phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức cho quần chúng đưa các đường lối, chính sách ấy vào thực tiễn. Mỗi thời kỳ lịch sử đều đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau, lãnh đạo cách mạng không phải đơn thuần chỉ là ngồi bàn giấy để đưa ra những chủ trương, chính sách áp vào đời sống bắt thực tiễn tuân theo mà muốn lãnh đạo được quần chúng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải sâu sát, gần gũi, gắn bó với quần chúng nhân dân về mọi mặt. Gắn bó, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân đòi hỏi, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải luôn giữ vững tinh thần "tận trung với nước, tận hiếu với dân" (Hồ Chí Minh toàn tập Tập 7, tr.480); "xung phong, gương mẫu trong sản xuất, công tác" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, tr.234), rèn luyện đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân trước lợi ích cá nhân. Trong mối quan hệ với nhân dân phải có thái độ đúng đắn "Phải kính yêu nhân dân, tôn trọng thật sự quyền làm chủ của Nhân dân tuyệt đối không được "kiêu ngạo", “công thần”, “tự cao”, “tự đại". Người cán bộ cách mạng muốn được nhân dân tin yêu mến phục phải luôn khiêm tốn, thật thà, biết trân trọng thành quả lao động, trí tuệ, sự đóng góp của nhân dân.

Vấn đề đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh được đề cập rất nhiều trong các tác phẩm, bài nói chuyện của Hồ Chí Minh. Để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đủ tâm, đủ tầm, phải thực hiện đoàn kết trong Đảng, đoàn kết xã hội một cách rộng rãi. Đoàn kết được Người xem là sức mạnh, là "then chốt của thành công". Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết xây dựng Đảng bắt nguồn từ tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguyên tắc xây dựng Đảng. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người cũng đã căn dặn: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng trong các thời kỳ lịch sử. Để thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người yêu cầu phải thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình trong Đảng giúp nhau tiến bộ, phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh nhấn mạnh yếu tố đạo đức trong Đảng. Đảng phải chống các căn bệnh "quan liêu", "tham nhũng", "lãng phí", "xa dân". Tâm nguyện về xây dựng Đảng cầm quyền đã được Người gửi gắm trong Di chúc: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân". Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc, Bác đã dạy "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?" (Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.292-293). Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Bác đã dành hẳn một chương, chương đầu tiên, để nói về "Tư cách người cách mệnh". Trong đời mình, Bác đã rất đau xót khi y án tử hình hai trường hợp vi phạm đạo đức một cách nghiêm trọng đối với hai cán bộ cao cấp. Bác cũng biết rằng, trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cũng có không ít những kẻ thoái hóa, biến chất như thế vì vậy giải quyết vấn đề này phải chỉnh đốn lại Đảng. Do đó, không phải ngẫu nhiên trong một đoạn Di chúc ngắn đã có đến bốn chữ "thật" được Bác viết từ năm 1965, khi đất nước đang bước vào một cuộc chiến một mất một còn với kẻ thù hung bạo. Chữ "thật" ở đây không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại mà còn xuyên suốt tầm nhìn tương lai.

Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về thực hành tính trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân, đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh dù bất cứ ở hoàn cảnh nào. Khi lao động kiếm sống, hoạt động cách mạng, Người đã sống gắn bó và hiểu cuộc sống của người công nhân, thợ thuyền, người nghèo khổ. Đến khi là lãnh tụ đất nước, trong cuộc sống hàng ngày, Người không dành cho mình một sự ưu đãi nào. Những ngày đầu mới giành chính quyền, Bác cùng ăn cơm chung với anh em trong cơ quan ở Bắc Bộ Phủ, cũng ăn suất bình thường như các đồng chí khác. Khi đã là Chủ tịch nước nhưng Bác không ở dinh Toàn quyền cũ, mà ở ngôi nhà của một người thợ điện cũ, chỉ có ba phòng nhỏ đơn sơ. Không chăm lo hạnh phúc riêng mà Người luôn xem việc phục vụ nhân dân là niềm hạnh phúc, mục đích cao cả nhất của cuộc đời mình "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh". Từ 1959-1969, Người đã có trên 700 lần xuống cơ sở thăm và tìm hiểu tình hình của Nhân dân. Không những xây dựng tư tưởng về đoàn kết, xây dựng Đảng mà suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn nỗ lực, sáng tạo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân làm cách mạng. Nét đặc sắc trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đó là lòng yêu thương con người ở mọi thành phần, lứa tuổi, nhất là người yếu thế và cả người từng lầm đường lạc lối mang khát vọng hoàn lương. Đây là gốc rễ thể hiện được tầm nhìn, chiều sâu tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc phát huy sức mạnh xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp lực lượng cho cách mạng. Người còn là biểu tượng cho sự mẫu mực của một Đảng viên suốt đời phấn đấu, hi sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, trung thực, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Trong lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng, Nhà nước phạm sai lầm, khuyết điểm. Trước khuyết điểm chung, với tinh thần dám chịu trách nhiệm, Người đã đứng ra, thay mặt Đảng, Chính phủ xin lỗi Nhân dân.

Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh trong bối cảnh toàn Đảng toàn dân ta đang tiến hành kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930-3/2/2014, để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới, nhất là yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, đòi hỏi sự nỗ lực, sự trung thực, trách nhiệm của người đảng viên và tổ chức Đảng. Đảng viên cần phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống, rèn luyện tác phong gần dân, trung thực, trách nhiệm với nhân dân, với nhiệm vụ được giao, kê khai tài sản, thu nhập, tự phê bình, phê bình thường xuyên để tự soi, tự sửa những khuyết điểm, hạn chế... Về phía Đảng cần có sự đổi mới, chỉnh đốn mọi mặt, khắc phục căn bệnh quan liêu, hình thức trong ban hành chỉ thị, nghị quyết, tổ chức sinh hoạt Đảng, đánh giá, giám sát cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng và đặc biệt phải xây dựng văn hóa chính trị trong Đảng, khuyến khích việc "từ chức" đối với người giữ chức vụ vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật, mất uy tín trước nhân dân, không hoàn thành nhiệm vụ, tăng cường tính chịu trách nhiệm của tổ chức đảng khi để cán bộ, đảng viên vi phạm. Song hành với giáo dục cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh phải xây dựng môi trường văn hóa, nhân cách con người lành mạnh, có lối sống trung thực với chính mình, gia đình, người thân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội.

Phan Hương - Huyện ủy Thạch Hà


    Ý kiến bạn đọc