Học tập và làm theo tấm gương mẫu mực của Bác về sự nêu gương
EmailPrintAa
16:25 01/10/2018

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (diễn ra từ ngày 2 đến 6-10) sẽ thảo luận, thông qua “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, qua đó khẳng định, Đảng ta đặc biệt quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết của các đồng chí cán bộ lãnh đạo ở cấp cao nhất, thiết thực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ; học tập và làm theo Bác-một tấm gương mẫu mực về sự nêu gương.

Trong mỗi chặng đường cách mạng, cho đến cuối cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu gương sáng cho cán bộ, đảng viên và các thế hệ người Việt Nam về đạo đức cách mạng trong sáng, về tác phong công tác khoa học, sâu sát, tỉ mỉ trong mỗi công việc. Người chính là tấm gương mẫu mực về việc nêu gương mà hôm nay và mai sau chúng ta cần nỗ lực học tập, làm theo.

Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người nhường cơm sẻ áo, lập hũ gạo cứu đói và Người gương mẫu thực hiện cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, cùng đồng bào nỗ lực chống “giặc đói”. Mùa xuân năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi thực hiện “Tết trồng cây” và suốt 10 năm liền cho đến khi qua đời, Người đều gương mẫu đi đầu tham gia Tết trồng cây. Người kêu gọi nhân dân rèn luyện sức khỏe để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Người nói, “Bản thân tôi ngày nào cũng tập”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà con nông dân Hợp tác xã Tân Lập, huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội), tháng 7-1958. Ảnh tư liệu

Dù là Chủ tịch nước, Người vẫn không nề hà đến tận nơi thăm bà con nông dân, ra tận ruộng, xắn quần cùng tát nước, cấy lúa. Với cán bộ, đảng viên, Người khuyên phải hết sức coi trọng tu dưỡng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và Người là hình mẫu thuyết phục của những phẩm chất tốt đẹp đó. Không chỉ kêu gọi và gương mẫu thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lên án, phê phán gay gắt những cán bộ, đảng viên không gương mẫu, chỉ rõ những cán bộ đó: “Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng". Người yêu cầu những người không gương mẫu, làm không đúng với nói, cần phải được xử lý nghiêm khắc.

Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo đấu tranh giành độc lập, nhân dân khâm phục các chiến sĩ cộng sản ở tinh thần bất khuất, kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng; ở tình thương yêu đồng chí, đồng bào sâu sắc. Trong thời kỳ kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên cường, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, với tinh thần làm chủ tập thể, phong cách sống mình vì mọi người, ý thức tự giác chấp hành nội quy, kỷ luật, hăng hái thi đua trong lao động và chiến đấu. Ngày nay, những nhiệm vụ mới, những khó khăn thử thách mới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải nỗ lực vượt qua, trong đó yêu cầu trước hết từ sự gương mẫu, nêu gương, đi đầu của mỗi cán bộ, đảng viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Việc gương mẫu thực hiện nghiêm túc mỗi công việc cách mạng, dù là nhỏ nhất; gương mẫu thực hiện đạo đức cách mạng là nét nổi bật trong phong cách công tác, trong tấm gương đạo đức của Người. Chính điều đó đã làm cho những lời căn dặn, chỉ dẫn của Bác càng có thêm sức thuyết phục, có tác dụng lớn trong việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên.

Thời gian qua, cùng với Nghị quết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã đề ra và yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tháng 6-2012, Ban Bí thư ban hành Quy định số 101-QĐ/TW “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Quy định này nhấn mạnh 7 lĩnh vực cần nêu gương: Về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống, tác phong; về tự phê bình, phê bình; về quan hệ với nhân dân; về trách nhiệm trong công tác; về ý thức tổ chức kỷ luật; về đoàn kết nội bộ. Tháng 12-2016, Bộ Chính trị có Quy định số 55-QĐ/TW “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.

Cùng với tiếp tục thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, Quy định số 55-QĐ/TW, việc Hội nghị Trung ương 8, khóa XII thảo luận và thông qua “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, thể hiện sự “nâng tầm” quy định và yêu cầu cao về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, cụ thể và trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Người cán bộ, đảng viên ở cương vị lãnh đạo càng cao, càng cần phải gương mẫu, nhất là về phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu; gắn bó mật thiết với dân; không tự lợi; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc