Hướng tới kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014): Bác của chúng ta là vậy!
EmailPrintAa
08:32 16/05/2014

Sau 35 năm lặn lội khắp chân trời góc bể, nếm trải biết bao cay đắng, tủi nhục; tháng 9/1946, Hồ Chí Minh được nhân dân tôn vinh làm Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một mục đích của cuộc đời mà ai ai cũng nhìn thấy rõ. Ngay sau khi nhậm chức, chúng ta đã được Người bày tỏ niềm ao ước vừa lớn lao, vừa bình dị: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ham muốn của Hồ Chí Minh chính là mục tiêu lý tưởng cao đẹp nhất của Người. Mục tiêu ấy như mệnh lệnh của trái tim, khối óc chi phối cuộc đời, giúp Người vượt qua khó khăn, thử thách.

Hồ Chí Minh là vị Chủ tịch luôn bình tĩnh, sáng suốt trước nguy nan. Những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Nhà nước mới đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, với sức ép nhiều bề của thù trong, giặc ngoài, Hồ Chí Minh đã cùng Đảng ta lãnh đạo nhân dân chống đỡ nhiều quốc nạn như “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm. Đây là thời kỳ gian khổ, căng thẳng và khẩn trương nhất đối với Người. Hồ Chí Minh đã phải xử lý những công việc đối nội, đối ngoại hết sức phức tạp. Người đã cùng Chính phủ phát động toàn dân sản xuất, tiết kiệm, chống đói, chống mù chữ cũng như áp dụng những sách lược đúng đắn: lúc hòa hoãn với kẻ thù này, lúc với kẻ thù khác để tập trung lực lượng chống kẻ thù chính trong mỗi thời kỳ cụ thể. Phương pháp xử thế tình huống của Hồ Chí Minh là: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nghĩa là lấy cái nguyên tắc không thay đổi để ứng phó với những gì có thể thay đổi được. Nhờ đó, chính quyền cách mạng ngày càng được củng cố và đứng vững.

Một người đứng đầu nhà nước, vạch ra được định hướng chiến lược, sách lược đúng đã là vĩ đại, song, cái vĩ đại hơn nhiều còn ở chỗ: Hồ Chí Minh - một chủ tịch nước luôn lo trọn chức trách của một thành viên trong nhà nước ấy. Hồ Chí Minh cho rằng: chủ tịch xã cũng như chủ tịch nước, phải như người lính vâng mệnh lệnh quốc gia ra trước mặt trận. Dân bảo làm thì làm, dân bảo lui thì lui. Người tâm tình chân thực: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì đến vòng danh lợi”. Khi Nhà nước phát động phong trào nhường cơm sẻ áo giúp nhau: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa lấy gạo giúp người nghèo, Hồ Chí Minh thực hành đều đặn. Nhà nước phát động phong trào “mùa đông chiến sĩ” quyên góp áo quần giúp đỡ bộ đội ngoài mặt trận, Người đã tham gia tích cực và giãi bày: Bác chỉ có hai bộ quần áo nên không có để góp, cho Bác giúp một chiếc chăn và một ít tiền.

Hồ Chí Minh - vị Chủ tịch do dân, của dân và vì dân. Người lo trước cái lo của dân và hưởng sau cái dân được hưởng. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm cao trước đời sống của dân. Theo Người: dân đói, Chính phủ có lỗi; dân bị bệnh tật, Chính phủ có lỗi. Khi nhân dân miền Nam đang sống trong nanh vuốt kẻ thù, Người nói: “Mỗi nhà, mỗi người có một nỗi đau riêng, nếu đem cộng tất cả nỗi đau đó lại, thì đó là nỗi đau của tôi”. Hình ảnh Hồ Chí Minh trong ký ức của mỗi chúng ta, đó là một con người bình dị, nghiêm khắc vô cùng nhưng dễ gần hết mực. Người dân rất đỗi tự hào nếu có phút giây được gặp Người. Hồ Chí Minh là sự kết tinh, ngưng tụ của nhiều nền văn hóa, là sự hiện thân của mọi cuộc đời:

Người là cha, là bác, là anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”

(Tố Hữu)

Trong nhiều năm kháng chiến chống Pháp, thấy Bác chỉ mặc một bộ quần áo ka-ki vàng và đi đôi dép cao su, có người đề nghị sắm cho Bác bộ quần áo tốt hơn, Bác từ chối: “Dân ta đang nghèo, đang khó khăn nhiều lắm, Bác có bộ quần áo này là đầy đủ lắm rồi”. Trong kháng chiến là vậy và sau này cũng vậy. Hồ Chí Minh luôn hòa nhập vào cộng đồng dân tộc. Người không bao giờ cho phép mình được đặc quyền, đặc lợi, sống trên mức sống của đồng sự, nhân dân. Cho đến phút cuối đời, với Người vẫn còn câu chuyện cảm động. Khi sức khỏe của Người ngày một xấu đi, hai bác sĩ được giới thiệu đến chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch, Người đã không hài lòng: Bác chỉ có một mình mà những hai bác sĩ, trong khi đó, nhân dân, bộ đội, trẻ em còn rất thiếu thầy thuốc...

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng ta, khai sinh ra Nhà nước ta. Gần 70 năm đã qua đầy thử thách, nhà nước ấy vẫn ngày càng phát triển với vị thế không ngừng lớn mạnh càng khắc sâu niềm thương yêu, tự hào vô bờ bến đối với công lao trời biển của Bác. Kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Người trong bối cảnh cả nước đã và đang quyết tâm “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thiết nghĩ, mỗi người hãy soi lại mình và xin đừng quên nói với nhau: Bác của chúng ta là vậy!


    Ý kiến bạn đọc