Kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2013): Sự cần thiết phải học tập phong cách làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
EmailPrintAa
14:16 16/05/2013

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam. Tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người là tài sản tinh thần vô giá để chúng ta học tập và noi theo.

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 03 -CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (Khoá XI), việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã đạt được những kết quả quan trọng. Điều đáng mừng là thông qua việc học tập, ý thức trách nhiệm của mỗi người được nâng lên, từ đó chất lượng, hiệu quả công việc cao hơn. Song để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ, xây dựng tác phong làm việc theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá chúng ta cần đẩy mạnh việc học tập theo phong cách làm việc khoa học của Người. 

Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến lối sống, tác phong sinh hoạt, làm việc, hoạt động của một con người với cái tâm trong sáng, đạođức cao đẹp, trí tuệ mẫn tiệp, hành động mực thước. Chúng ta có thể khái quát phong cách của Ngườibao gồm: phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt hằng ngày. Trong đó, phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như một khuôn mẫu hoàn thiện, mà tác phong làm việc khoa học là nội dung quan trọng của phong cách này để mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta không ngừng rèn luyện, phấn đấu noi theo.  

Phong cách làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh được biểu hiện rất phong phú. Làm việc khoa học là làm việc phải có mục đích, phải biết quý trọng thời gian, giờ nào việc ấy, phải sâu sát cơ sở, có điều tra nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể; biết sàng lọc những thông tin sai lệch, biết lựa chọn những phương án tối ưu; biết sử dụng bộ máy, những người cộng sự; biết đặt ra chương trình, kế hoạch sát hợp, thiết thực; thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện... 

Hiện nay, hầu hết cán bộ, đảng viên chúng ta đã có ý thức cao trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, đổi mới tác phong làm việc, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị vẫn có không ít cán bộ, đảng viên làm việc thiếu tính khoa học, tác phong lề mề, không tuân thủ giờ giấc, làm việc còn mang tính bị động, không có kế hoạch cụ thể, không xác định được việc gì cần làm trước, việc gì làm sau; chưa chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, ít kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm … Do đó dẫn đến chất lượng công việc kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. 

 Phong cách làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết được biểu hiện ở mục đích của công việc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”. Người chỉ rõ: “Gặp một vấn đề phải suy tính kỹ lưỡng, chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy”, và để vạch kế hoạch một cách thực sự khoa học nhằm thực hiện công việc có hiệu quả, phải “xét kỹ hoàn cảnh mà xếp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không ngăn nắp”. Nếu không xác định rõ mục đích, không lên kế hoạch, không biết được việc nào nên làm trước, việc nào nên làm sau… thì chúng ta sẽ dễ bị lúng túng, làm cho qua chuyện, dẫn đến chất lượng tham mưu không cao. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu: “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi. Nói quyết tâm phải hai, ba mươi, tức là sau khi đã có kế hoạch công tác phải có quyết tâm thực hiện và phải thực hiện đến nơi đến chốn, không được đánh trống bỏ dùi…”. Người đã nhiều lần phê bình tình trạng “cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to lớn”. Người còn nhắc nhở: mỗi cán bộ trên cương vị công tác, đặc biệt những người cán bộ trẻ phải học hỏi những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở. Người đã phê phán lối làm việc “không biết nghiên cứu đến nơi đến chốn…, thành thử, những cái tốt, hay đều không phát triển được”. Người khuyên “công việc gì bất cứ thành công hay thất bại chúng ta cần nghiên cứu đến tận cội rễ, phân tích thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”. Như vậy, trong làm việc cần nghiên cứu kỹ lưỡng, lên kế hoạch cụ thể, phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả đạt được, từ đó để giúp cho mình rút ra được những bài học quý.

Phong cách làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sinh động qua mỗi việc làm của Người. Trong những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước, vừa phải lao động để kiếm sống, vừa hoạt động cách mạng trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng nhờ có phương pháp làm việc khoa học, Bác Hồ đã vượt qua nhiều cạm bẫy của kẻ thù, tìm ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vừa lo diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, nhưng trong bộn bề công việc, Bác vẫn dành thời gian đi thăm đồng bào, chiến sĩ, anh em công nhân, các cháu thiếu niên, nhi đồng, chăm sóc vườn cây, ao cá, chơi bóng chuyền, tập thái cực quyền… Sở dĩ, Bác làm được như vậy là do Bác sắp xếp công việc khoa học, luôn làm chủ được thời gian, xác định mục đích rõ ràng. Chính vì thế, phong thái của Bác lúc nào cũng ung dung, lạc quan, bình tĩnh, tự tin, sáng suốt để cùng Trung ương, Chính phủ chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những thác ghềnh, lãnh đạo toàn dân tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Học tập phong cách làm việc khoa học của Bác có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Tố Uyên, BTGTU


    Ý kiến bạn đọc