Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012): Chủ tịch Hồ Chí Minh với các thương binh, liệt sĩ và người có công
EmailPrintAa
09:28 26/07/2012

"Uống nước nhớ nguồn" là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu nhất.

Đầu tháng 7 năm 1947, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp do Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam tổ chức để chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Tại cuộc họp, theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày thương binh liệt sĩ - ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 hằng năm là ngày Thương binh toàn quốc, là dịp để đồng bào “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”.
Từ năm 1947, ngày Thương binh được tổ chức thường kỳ hằng năm. Năm nào vào dịp này, Hồ Chí Minh cũng có thư và quà gửi cho các thương binh và các gia đình liệt sĩ. Những bức thư của Người giản dị, chân thành. Đó là những lời động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc nhưng cụ thể, thiết thực và nhắc nhở mọi người phải biết ơn, hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Trong Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi, Bác viết: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi".

Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đề xuất phong trào "Đón thương binh về làng" với những việc làm rất cụ thể. Người khuyên các cháu thiếu nhi lập phong trào Trần Quốc Toản để giúp đỡ gia đình bộ đội và thương binh..., kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: "Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương". Chính Người đã tiên phong gương mẫu thực hiện lời kêu gọi đó: "Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127.00đ)”.

Đặc biệt, nhân ngày 27 - 7 hằng năm, Bác trích một tháng lương Chủ tịch nước của mình tặng các đồng chí thương binh. Những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài kính tặng Bác, Bác tặng lại các đồng chí thương binh.

Tháng 9 - 1951, Bác gửi thư cho anh em thương binh Trại dệt chiếu Tuyên Quang. Như tình cảm của người cha dành cho con, ân cần, tỉ mỉ, Bác hỏi: Học dệt chiếu cần bao nhiêu ngày, tháng? Trung bình dệt một chiếu thường cần mấy giờ và bao nhiêu vốn? Bán một chiếu được bao nhiêu lời? Với nghề dệt chiếu, có thể đủ ăn, đủ mặc không?

Câu chuyện chiếc điều hoà nhiệt độ trong phòng Bác là một trong nhiều câu chuyện thể hiện tấm lòng nhân ái bao la của một con người mà cả cuộc đời "Nâng niu tất cả, chỉ quên mình" của Người. Một lần Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Hôm đó, trời nóng, khi đến thăm anh chị em thương binh nặng phải nằm bất động, Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của mình quạt cho anh em. Trên đường về, Bác rất xúc động.

Chiếc điều hoà nhiệt độ là quà của các đồng chí ở Bộ Ngoại giao đang công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác. Lúc đó, Bác đang ở trong ngôi nhà của người thợ điện trong Phủ Toàn quyền. Ngôi nhà có trần thấp, buổi trưa và buổi chiều rất nóng (lúc này Bác chưa chuyển sang Nhà sàn). Khi các đồng chí phục vụ lắp chiếc điều hoà nhiệt độ vào phòng của Bác, Bác không dùng, mà nói với đồng chí Vũ Kỳ: "Chiếc máy điều hoà nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi". Ngay chiều hôm đó, chiếc máy điều hoà nhiệt độ trong phòng của Bác được chuyển đi.

Những món quà của Bác giản dị nhưng vô cùng quý giá vì đó chính là sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương, bệnh binh. Những món quà đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với thương, bệnh binh, làm ấm lòng người chiến sĩ.

Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta Bản Di chúc lịch sử, trong đó có phần viết về chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người đã kinh qua chiến đấu. Bác viết: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh".

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét...”.

Trải qua 65 năm, thực hiện lời dạy của Người, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có biết bao việc làm, nghĩa cử cụ thể, thiết thực với nhiều hình thức phong phú, sinh động… tô thắm cho đạo lý, truyền thống tốt đẹp và giáo dục các thế hệ nối tiếp ghi tạc công lao to lớn, sống và hành động xứng đáng vì tiền đồ tươi sáng của đất nước. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm nhiều công việc để đền ơn đáp nghĩa, như: tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ...

Ngày 27 - 7 năm nay, tròn 65 kỷ niệm năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, trong tình cảm thiêng thiêng và sâu lắng, càng thúc dục, nhắc nhở chúng ta, nhất là thế hệ trẻ, mỗi người thắp nén hương tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ và sẵn sàng làm công việc thiết thực chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công.

Không phụ lòng mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, biết bao thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với nước những năm qua đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, phấn đấu khắc phục khó khăn, vươn lên và gương mẫu trong cuộc sống, xứng đáng là những điển hình, nhân tố mới trong thời kỳ mới, họ đã làm đúng theo lời Bác dạy: Thương binh tàn nhưng không phế. Điều đáng quý, đáng trân trọng là những tấm gương sáng ngời của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức cao cả, góp phần hình thành giá trị đạo đức trong xã hội phát triển, làm nền tảng trong các phong trào hành động cách mạng trong nhân dân, ngăn ngừa và đẩy lùi biểu hiện, hành vi trái với đạo đức, truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng dân cư, trong xã hội.

"Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta...". Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng đã nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong cảnh đất nước hoà bình, ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ, những người đã vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân mà hy sinh thân mình hoặc bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường.

Không chỉ làm tốt việc thực hiện chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước mà toàn xã hội hãy dành cho thương binh, liệt sĩ, gia đình có công những tình cảm chân thành và việc làm thiết thực thường xuyên, hằng ngày cũng như trong các ngày kỷ niệm, ngày hội, lễ tết. Đó là đạo lý, là nét đẹp văn hóa truyền thống không chỉ cho hôm nay mà còn mãi mãi là động lực cho mai sau.


    Ý kiến bạn đọc