Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925-21/6/2015): Nguyễn Ái Quốc bước vào "làng báo"
EmailPrintAa
14:38 19/06/2015

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng, giáo dục, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp báo chí của người luôn song hành với sự nghiệp cách mạng. Coi thơ văn, báo chí là phương tiện, vũ khí tuyên truyền cho lí tưởng cách mạng, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Người đã để lại nhiều tác phẩm báo chí, văn học có giá trị. Sự ra đời của tờ báo Thanh niên 21/6/1925 là một mốc son lịch sử thể hiện năng lực làm báo bậc thầy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Có được thành quả đó phải kể đến cả quá trình học tập miệt mài, nghiên cứu nghiêm túc, tích lũy tri thức, vốn sống, hiểu biết, nhất là giai đoạn từ năm 1911 - 1925, khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu bước vào "làng báo" ở Pháp và hoạt động cách mạng ở nước ngoài.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: Tư liệu)

Ngày 5/6/1911, kể từ khi đặt chân lên tàu đô đốc Pháp (Latútsơ Tơrêvin), người thanh niên tên Văn Ba phải làm đủ nghề kiếm sống như phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết, rửa ảnh... Khoảng thời gian đó, anh đã tranh thủ sự giúp đỡ người Việt Nam yêu nước, người Pháp có tư tưởng tiến bộ, tham gia các tổ chức cách mạng và tìm kiếm cơ hội đến các nước Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ La tinh... để tích lũy vốn sống, vốn hiểu biết, ngoại ngữ. Năm 1917, anh trở lại Pháp tiếp tục hoạt động cách mạng. Lúc bấy giờ, chiến tranh thế giới lần một kết thúc (1914-1918), các nước thắng trận và các nước bại trận đến Vécxây họp Hội nghị hòa bình. Bên cạnh những đoàn đại biểu chính thức, có nhiều đoàn đại biểu thay mặt cho các dân tộc bị áp bức. Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pari, ở các tỉnh Pháp đưa ra yêu cầu 8 điểm tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở thuộc địa và đòi những quyền cơ bản cho nhân dân An Nam trước Hội nghị Vécxây. Mặc dầu không được chấp nhận song những lời yêu cầu ấy đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã dùng số tiền ít ỏi kiếm được để thuê in những bản yêu cầu thành truyền đơn phát trong cuộc mít tinh, phát cho người Việt kiều, người Việt đi lính cho Pháp, gửi về Đông Dương và in lên báo. Nhờ những tờ báo này mà người Việt Nam biết được toàn bản yêu cầu, từ đó nhen nhóm, thúc đẩy các phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong nước. 

 Những năm tháng trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu làm quen với tờ "Dân chúng" - Đây là tờ báo của Đảng xã hội Pháp đã in những lời yêu cầu của Việt Nam (Yêu cầu 8 điểm gửi tới Hội nghị Vécxây). Chủ nhiệm báo, ông Giăng Lôngghê, cháu ngoại Các Mác và nghị viên của Quốc hội Pháp đã đón tiếp và khuyến khích Nguyễn Ái Quốc viết bài cho báo để nhân dân Pháp hiểu những bất công xảy ra ở Việt Nam. Đây cũng là một sự kiện quan trọng mở đường thôi thúc "anh Nguyễn" bắt tay vào việc học làm báo. Để bổ sung vốn tri thức, ngoại ngữ, cách viết, thời gian này, Nguyễn Ái Quốc làm quen với những người Pháp, trong đó có chủ bút tờ "Đời sống thợ thuyền" và được khuyến khích viết bài. Mặc dù những tin tức về Việt Nam nhiều song do chưa thật thành thạo ngoại ngữ nên Nguyễn Ái Quốc gặp khó khăn trong việc viết tin, bài. Tuy nhiên, được sự động viên của người chủ bút thợ thuyền "có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài; năm, sáu dòng cũng được"1. Mỗi tin, Nguyễn Ái Quốc đều viết làm hai bản, gửi cho báo một bản, giữ lại một bản. Đối với những bài được đăng, Nguyễn Ái Quốc đều đọc kỹ, so sánh, sửa những chỗ viết sai một cách kiên nhẫn. Khi đã dần khắc phục được những chỗ sai, Nguyễn Ái Quốc nhận được lời khuyên của ông chủ bút có thể "viết dài hơn một tí, viết độ bảy, tám dòng"2. Khi đã viết được những cột báo dài, chủ bút lại hướng dẫn Nguyễn Ái Quốc viết ngắn lại.Viết ngắn lại cũng khó khăn như khi phải kéo dài ra song vẫn bằng sự cố gắng, nỗ lực, cẩn thận, chịu khó học hỏi, cuối cùng, Nguyễn Ái Quốc đã thành công và thực sự bắt đầu bước vào làng báo từ đó.

Không chỉ dừng lại ở niềm đam mê viết báo, Nguyễn Ái Quốc còn say mê đọc Sếchxpia(shakespeare), Đíchken(Dickens) bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa và Huygô(Hugo), Dôla(Zola) bằng tiếng Pháp... Đọc những truyện ngắn của Anatôn Phơrăngxơ và của Lép Tônxtôi, Người thấy hứng thú về văn chương và cảm nhận một điều "Người ta chỉ cần viết điều gì người ta thấy và cảm, bằng cách nắm lấy màu sắc và hoạt động của sự vật, như thế thì viết cũng không khó lắm"3. Từ đó, Người tập viết truyện ngắn và đã thành công với truyện ngắn đầu tiên tả về đời sống thợ thuyền ở Pari, được đăng trên báo "Nhân đạo". Đây là một thành công lớn về mặt văn chương và tài chính, khuyến khích anh viết những tác phẩm khác như cuốn "Bản án chế độ thực dân Pháp", kịch "Con Rồng tre"... Những tác phẩm này giúp cho người dân Việt Nam yêu nước ở Pháp và nhân dân Pháp hiểu được tội ác thực dân Pháp ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc bị thực dân thù ghét, bị mật thám rình mò, theo dõi, tẩy chay, dọa dẫm.

Để tập hợp được sức mạnh của các dân tộc cùng cảnh ngộ bị áp bức, Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ những người cách mạng Angiêri, Tuynidi, Marốc, Mangát... tổ chức "Hội liên hiệp thuộc địa ở Pari". Mục đích của Hội là giải phóng dân tộc thuộc địa. Hoạt động là tuyên truyền. Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí trong Hội đã ra tờ báo "Người cùng khổ" (Le Paria), đồng thời đảm nhận chủ bút, chủ nhiệm, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc. Lúc đầu, Nguyễn Ái Quốc gửi bán tại những cửa hàng nhỏ nhưng bán không chạy vì ở Pari có vô số báo, người ta không thể đọc tất cả và mua tất cả. Vì vậy, "anh Nguyễn" tìm ra một cách mà người Pari gọi là "lối D". Anh đến trong những cuộc mít tinh dân chúng. Anh phát báo, lên diễn đàn và nói:"Các bạn thân mến! Báo "Người cùng khổ" phát không, nhưng tôi hết sức cảm ơn nếu các bạn vui lòng quyên giúp ít nhiều để giúp chúng tôi trả tiền in. Một xu, một quan, nhiều ít cũng tốt"4. Nhờ những lời tuyên truyền đó mà những người Pháp, nhất là những hạng nghèo, hạng trung đã quyên góp giúp cho tờ báo thanh toán nhiều khoản phí tổn.

Việc xuất bản báo "Người cùng khổ" đã đánh vào bọn thực dân nên ngay lập tức bị cấm không cho phát hành báo này vào các thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc đã phải nhờ các thủy thủ có cảm tình chuyển báo đi các nước và bằng nhiều cách bí mật khác. Mặc dầu bị kiểm soát, cấm đoán gắt gao song báo "Người cùng khổ" vẫn tiếp tục phát triển và được sự ủng hộ của người lao động Việt Nam, sinh viên các nước thuộc địa ở Pari và nhiều nơi khác. Đây là một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức. Trong bức thư của Nguyễn Ái Quốc gửi những người bạn cùng hoạt động ở Pháp lúc bấy giờ trước khi trở về nước, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định cùng với hoạt động của Hội Liên hiệp thuộc địa và tờ báo "Người cùng khổ": "đã làm cho nước Pháp chân chính biết rõ những việc xảy ra ở các nước thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do bình đẳng và bác ái"5.

Đến giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc rời Pháp sang Liên Xô, Trung Quốc bắt đầu chuỗi ngày hoạt động không mệt mỏi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, hiện thực hóa lý tưởng cứu nước của mình đó là "đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập"6. Ngày 21/6/1925, với vốn hiểu biết, kinh nghiệm làm báo tích lũy được, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập tờ báo Thanh niên với tổng số phát hành là 208 số, mỗi số khoảng 200 bản. Tuy công nghệ in ấn thô sơ, trình bày còn đơn giản song tờ báo Thanh niên đã có tiếng vang lớn, sức lan tỏa mãnh liệt, tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng trong nước, là vũ khí tuyên truyền sắc bén của người cộng sản Việt Nam, thúc đẩy sự chuyển biến trong phong trào công nhân, phong trào yêu nước trong các tổ chức cách mạng, giác ngộ lí tưởng cộng sản cho các tầng lớp thanh niên, đồng thời đánh dấu sự ra đời, phát triển của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.                                                                 

Phan Hương - Huyện ủy Thạch Hà

Chú thích:

     1.Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, trang 40;

     2. Sách đã dẫn (Sđd), trang 40;

     3. Sđd, trang 41;

     4. Sđd, trang 51;

     5. Sđd, trang 59;

     6. Sđd, trang 59.


    Ý kiến bạn đọc