“Lời Bác dặn trước lúc đi xa”
EmailPrintAa
09:26 18/08/2014

Cách đây 45 năm, trong bản Di chúc để lại trước khi về cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại muôn vàn tình yêu thương cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm và để lại những lời di huấn quý báu đối với Đảng ta, mong muốn Đảng luôn được củng cố, ngày càng trưởng thành, trong sạch vững mạnh, xứng đáng là một Đảng vừa đạo đức, vừa văn minh.

"Trước hết, nói về Đảng, Bác Hồ dặn: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.”

(Trích: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh) 

Bác đã căn dặn, nhấn mạnh và lặp lại 5 lần từ “đoàn kết” khi nói về Đảng như một điều kiện không thể thiếu, một điều kiện tất yếu khi Đảng muốn xây dựng, phát triển trong sạch, vững mạnh. Khẳng định "Đảng ta là một Đảng cầm quyền", Bác nhấn mạnh việc “một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc” của Đảng mà đại diện cho Đảng là từng đảng viên, tổ chức Đảng và quan trọng hơn hết chính là người đứng đầu.

Trong Di chúc, Bác Hồ đã gợi mở cả điều kiện, phương pháp, cách thức tổ chức cho Đảng, trong đó nhấn mạnh yếu tố then chốt là  phẩm chất của người cán bộ, đảng viên, bởi cán bộ là cái gốc của mọi việc. Bác yêu cầu “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Người có 2 cụm từ quan trọng: “trung với nước, hiếu với dân” và “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đây cũng là các cụm từ được Bác nhắc đến nhiều lần nhất trong các bài nói, bài viết của mình về đạo đức cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới. Đạo đức vĩ đại, nó không vì danh vọng cá nhân mà là vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người.” (2)

Đạo đức cách mạng của cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh ví như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(3). Do vậy, việc tôi luyện đạo đức cách mạng đòi hỏi phải có sự phấn đấu không ngừng nghỉ, phấn đấu suốt đời của mỗi cán bộ, đảng viên.

Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, người cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì trách nhiệm trước nhân dân chính là một trong những thước đo quan trọng về phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, thì tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc không thể thiếu được trong xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng.

Trang đầu bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh Tư liệu

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải quan tâm rèn luyện đạo đức cách mạng mà chính bản thân Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Người khẳng định: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính”.

Theo Người, trong bất kỳ thời điểm nào, làm công việc gì, muốn quy tụ và hấp dẫn quần chúng, người cán bộ, đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích cá nhân lại sau và "đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng, đó là tính Đảng".

Qua thực tiễn xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 84 năm qua cho thấy: Uy tín, sức mạnh và năng lực lãnh đạo của Đảng phụ thuộc vào sự vững mạnh, trong sạch của mỗi đảng viên và mỗi cơ sở đảng cũng như lời Bác nói sự trong sạch vững mạnh của Đảng quyết định uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Trong sạch được thể hiện trước hết và nổi bật ở vấn đề tư cách, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên – những hạt nhân chính của Đảng. Sự vững mạnh không phải được thể hiện ở số lượng đảng viên nhiều hay ít, mà đó là ở sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong tư tưởng và hành động, trong sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sức mạnh được rèn rũa, hun đúc và bồi đắp bởi chính tính tổ chức, kỷ luật, tinh thần đấu tranh phê bình, tự phê bình và mối liên hệ mật thiết của Đảng, của cán bộ, đảng viên với nhân dân.

Người căn dặn "Ðạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong" (4), vì vậy, người cán bộ đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực và môi trường công tác.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi trở thành Ðảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trước hoàn cảnh mới, người cán bộ, đảng viên có chức, có quyền dễ bị quan liêu, hách dịch, tha hóa, biến chất, Người nói: "Có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng" (5). Người luôn nhấn mạnh phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xem tham ô, lãng phí, quan liêu... là "thứ giặc nội xâm" nguyên nhân từ chủ nghĩa cá nhân mà ra và cần kiên quyết chống.

Bốn mươi lăm năm, tuân theo di huấn của Bác Hồ “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, toàn Đảng đã phấn đấu tự đổi mới về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ, đấu tranh khắc phục những sai lầm, chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều dập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời, dai dẳng (6), phấn đấu xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động, của toàn dân tộc.

Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng ta luôn chú trọng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ khi thực hiện đường lối Đổi mới, qua các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhằm đánh giá, nhận định những mặt mạnh, những kết quả đã đạt được của Đảng ta, đồng thời cũng chỉ rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém làm ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng, từ đó đề ra những giải pháp cấp bách cũng như lâu dài để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Những việc làm, hành động cụ thể mà Đảng ta thực hiện trong suốt mấy chục năm qua đã khẳng định một sự thật: Những tư tưởng, những lời căn dặn của Bác Hồ trong bản Di chúc lịch sử đã trở thành ngọn cờ dẫn dắt, ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến bước.

Tuy nhiên, trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, còn có những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong bản Di chúc về vấn đề xây dựng Đảng, đến nay chưa được thực hiện thường xuyên và trọn vẹn, thậm chí còn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc..."

Công tác cán bộ chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh: Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân".

 

Bác Hồ ngồi làm việc tại Phủ Chủ tịch - Ảnh tư liệu

 

 Những tình trạng trên đã gây nên bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo kẽ hở cho các phần tử cơ hội, cho các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta.

Vì vậy, Đảng ta đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và chức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng của đảng viên. Điển hình là việc ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi khi có dịp đọc lại bản Di chúc bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấm nhuần lời dạy của Người và dặn mình lòng luôn thực hiện “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(7). Phải tập trung xây dựng Đảng nhằm làm cho Đảng thật trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, có đạo đức, có trí tuệ, có năng lực, là đạo đức, là văn minh, vừa là người lãnh đạo, nhưng vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc.

Đọc lại bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 45 năm, chúng ta càng hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc lớn lao của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời, càng bồi đắp thêm nghị lực và quyết tâm để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng Đảng.

Suy ngẫm về những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, mỗi tổ chức đảng và từng đảng viên cần ra sức hành động để góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh; trước hết cần nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp cơ bản, đồng bộ như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định./.

TT CNTT (Nguồn: Dangcongsan.vn)


    Ý kiến bạn đọc