Lý luận Hồ Chí Minh soi sáng đường ta đi
EmailPrintAa
13:37 10/12/2012

Khi vào Đảng, tôi đã giơ tay thề: Trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin. Năm ấy tôi mới mười tám, đôi mươi. Năm nay, tôi đã gần 80- thế hệ “xưa nay hiếm”. Tuổi càng cao, càng chiêm nghiệm, tôi càng kính yêu Bác, càng thấm thía dân tộc ta, Đảng ta thật  hạnh phúc có Bác. Ra đi, Người để lại cho đời sau một kho tàng vô giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách tuyệt vời.

Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”, tư tưởng của Người hình thành rất sớm từ cả cuộc đời rèn luyện, trải nghiệm qua hành động thực tế, đúc rút, tổng kết thành lý luận. Ngày nay Đảng phát động học tập và làm theo tấm gương của Người là học tập, thẩm thấu toàn diện tinh hoa của Người. Tư tưởng của Người là lý luận soi đường cho mỗi chúng ta sống, chiến đấu, phục vụ nhân dân. Chúng ta có trách nhiệm thực hiện, làm sáng rõ tư tưởng, lý luận, đạo đức, phong cách của Người để gìn giữ, noi theo và truyền cảm cho thế hệ mai sau. Đó là ta đã làm phong phú chủ nghĩa Mác-Lênin ở thời đại ngày nay.

Từ cuộc đời…

Hồ Chí Minh- Nguyễn Sinh Cung sinh ngày 19-5-1890 ở xứ Nghệ trong gia đình nhà nho yêu nước, giữa thời đất nước chìm dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, nhân dân lầm than, cơ cực. Lớn lên, cậu bé Sinh Cung tận mắt chứng kiến bao cảnh lầm than của đồng bào dưới ách nô lệ, nhiều lần “nghe lỏm” những cuộc đàm đạo giữa cha với các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý… Những câu chuyện về phong trào chống Pháp như phong trào Cần Vương, Đông Du… đã tác động mạnh vào vào ý thức của Sinh Cung.

Từ hấp thụ truyền thống gia đình, quê hương sâu sắc, từ thấu hiểu nỗi khổ cực của dân, Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành quyết định xuất ngoại để tìm đường cứu nước khỏi thảm họa nô lệ, mưu cầu hạnh phúc của nhân dân.

Bao năm sống ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh đã cần mẫn kiếm kế mưu sinh để học tập, tìm đường giải phóng đất nước. Người đã tiếp cận các nền văn minh Đông, Tây, kim, cổ. Bằng cần mẫn học tập, bằng trí tuệ thông minh, sắc sảo và hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đã viết “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Con rồng tre”, sáng lập tờ “Người cùng khổ” lên án chế độ thực dân, bênh vực nhân dân các nước thuộc địa, cố vũ tinh thần yêu nước.

Tiếp cận với Luận cương của V.I.Lênin Người đã tìm thấy đường đi cho dân tộc. Người thống nhất ba tổ chức Đảng để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Nước ta có một đảng hoạt động độc lập, tuyên truyền giác ngộ nhân dân làm cách mạng giành lại độc lập, thồng nhất đất nước. Từ ngày có Đảng, phong trào cách mạng nước ta phát triển không ngừng, ngay năm 1930 phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là một mốc son trên con đường cách mạng giải phóng đất nước do Đảng lãnh đạo.

đến lý luận

Hồ Chí Minh suốt đời sống khiêm tốn, giản dị. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người cao mà không xa, mới mà không lạ, soi sáng mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thiết từ lâu”. Tư tưởng của Người trở thành lý luận tích tụ uyên thâm trí tuệ Đông Tây, kim, cổ, được đúc rút, thể nghiệm trong cuộc đời hoạt động thực tiễn, sáng tạo. Bác từng khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì không có hành động cách mạng”. Hành động cách mạng của dân tộc ta từ ngày có Đảng đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những thắng lợi vẻ vang đó tất yếu phải có lý luận soi đường - lý luận Hồ Chí Minh.

Lý luận Hồ Chí Minh khởi nguồn trước hết và thể hiện nhất quán lòng yêu nước vô bờ bến của nhân dân ta mà chính Người là hiện thân tiêu biểu nhất. Trong suốt 60 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chắt lọc tinh hoa trí tuệ loài người, vận dụng tài tình, thành công vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để giành thắng lợi mà Cách mạng Tháng 8-1945 là một minh chứng cụ thể.

Đặc biệt thời kỳ Tổ quốc mới giành độc lập, thành quả cách mạng như “trứng treo trên sợi tóc”, thù trong giặc ngoài đe dọa nền độc lập non trẻ thì Người hành động sáng tạo, tài tình về chính sách đối nội, đối ngoại, thu hút tài năng, đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh vĩ đại giữ vững độc lập dân tộc, trường kỳ kháng chiến thành công chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, qua thực tiễn hành động, Người đã phân tích và giải đáp một cách khoa học và có biện pháp hiệu quả đáp ứng lòng ham muốn của con người, chuyển hóa lòng ham muốn đó từ cá nhân sang tập thể, dân tộc. Người đã rút ra một chân lý: Đã là người thì dù ở quốc gia nào, địa vị nào đều có một ham muốn là hòa bình, độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc. Con người sinh ra là ắt có nhu cầu, sở thích, ham muốn và cả lòng tham. Trong từng hoàn cảnh khác nhau ở các giai đoạn phát triển khác nhau đều sinh ra những biến dạng về sự ham muốn. Nhu cầu, sở thích, ham muốn đó phát triển không ngừng, vô hạ. Chính vì thế nó là động lực để thúc đẩy sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, phát triển xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước, nếu nó được quy tụ và hướng tới những mục tiêu cao cả. Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rất rõ điều này và áp dụng trong từng thời kỳ cách mạng Việt Nam, tạo động lực cách mạng, phong trào cách mạng. Lý luận Hồ Chí Minh là cơ sở hành động để Việt Nam phát triển đi lên một cách bền vững, luôn luôn hướng tới một đất nước phồn vinh, thịnh vượng, một xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc.

Dưới ánh sáng của lý luận Hồ Chí Minh, Đảng ta sẽ thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4, vững vàng đưa nước ta phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác hằng mong ước.


    Ý kiến bạn đọc