Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là Đảng của đạo đức, văn minh”. Bác Hồ viết: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ”[1]. “Người làm cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa xấu xa thì còn làm nổi việc gì”[2]. Trong các kỳ đại hội của Đảng, Đảng ta đều đã nhấn mạnh sự cần thiết và giá trị nhân văn sâu sắc của việc nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, đồng thời chỉ ra phương hướng, biện pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Rõ ràng là, người cán bộ, đảng viên cần phải có đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, lành mạnh. Có đạo đức cách mạng, sẽ giúp cán bộ, đảng viên có uy tín, mới “đem hết sức mình, toàn tâm toàn ý phục vụ Tổ quốc và dân tộc, phục vụ nhân dân”[3]. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một số ít cán bộ, đảng viên hiện nay là rất nghiêm trọng, nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, sự sống còn của chế độ ta.
Để tiếp tục nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Coi trọng việc giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng và tình hình nhiệm vụ cách mạng cho cán bộ, đảng viên, trước hết là cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, mặt trận, đoàn thể các cấp theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội IX.
Hai là, xây dựng môi trường rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu của cán bộ, đảng viên, tạo điều kiện cho họ thường xuyên làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh và làm cho cán bộ, đảng viên có nếp sống kỷ luật, lành mạnh, có đạo đức cách mạng trong sáng; cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ, đảng viên nêu gương cho quần chúng, nói đi đôi với làm. Đồng thời, “tích cực phòng ngừa và cương quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm”.
Ba là, nêu cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, động viên họ nêu cao tinh thần tự lực, khắc phục khó khăn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; bám sát thực tiễn cuộc sống, quan hệ mật thiết và gắn bó chặt chẽ với nhân dân lao động; chủ động và sáng tạo trong công tác, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bốn là, làm tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời nêu gương người tốt việc tốt, có chính sách thỏa đáng với những người có công trong phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng pháp luật đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, hoặc có biểu hiện sa đọa về đạo đức, lối sống, tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính.
Năm là, tạo mọi điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát hoạt động, công tác của cán bộ, đảng viên. Đảng ta từ nhân dân mà ra. Cán bộ, đảng viên là con em của nhân dân. Có thể khẳng định rằng nếu không có nhân dân thì không có cách mạng, không có Đảng. Cán bộ, đảng viên có thực hiện hết lòng phục sự nhân dân thì mới được dân tin, dân phục, dân yêu, mới lãnh đạo được nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng. Muốn vậy, phải không ngừng nâng cao trình độ dân trí, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của các cơ quan quyền lực từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời, mọi cán bộ, đảng viên phải luôn gắn bó với quần chúng, phải luôn xứng đáng với người lãnh đạo đồng thời là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
-------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H.1996. tr.283.
[2] X.Y.Z sửa đổi lối làm việc, ST. H.XB lần thứ 7, tr.33.
[3] Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.331, 332.
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Vinh - Học viện Chính trị
Tin mới cập nhật
- Vận dụng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh ( 19/11)
- “Tư tưởng DÂN” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 12/09)
- Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - công trình lý luận ý nghĩa trong mọi giai đoạn ( 26/08)
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc từ thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” ( 31/07)
- Quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 144 của Bộ Chính trị: Sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng ( 15/07)
- Coi trọng liêm sỉ, biết giữ thể diện và uy tín trước dân là trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay ( 12/07)