Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, với bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhà nước non trẻ của chúng ta lúc bấy giờ gặp muôn vàn khó khăn: nằm giữa vòng vây của thù trong giặc ngoài, vận nước như “nghìn cân treo sợi tóc”, nạn đói hoành hành, nạn dốt phổ biến, ngân quỹ quốc gia trống rỗng... Ngày 3-9-1945, tức là chỉ một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ và Người trình bày với các bộ trưởng “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, nêu lên một cách súc tích 6 vấn đề cấp bách về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đó là những vấn đề cấp bách nhất, thiết thực nhất mà chính quyền cách mạng vừa mới ra đời phải giải quyết trong hoàn cảnh đất nước còn chồng chất khó khăn và thiếu thốnĐể góp phần giải quyết nạn đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên Báo Cứu quốc, trong đó có đoạn “Từ tháng giêng đến tháng bảy năm nay, ở Bắc Bộ ta có hai triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng”. Trước tình cảnh đó, Người đề nghị “với đồng bào cả nước” và chính Người gương mẫu thực hành trước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”. Trước khi về Hà Nội, Bác Hồ trải qua trận ốm dài ngày “thập tử nhất sinh” tại Chiến khu Việt Bắc cho nên còn Người còn rất gầy yếu. Ấy vậy mà Người vẫn nêu gương nhịn đói để góp phần lấy gạo cứu dân nghèo. Chẳng những thế, đồng chí Lê Gia Định, chính trị viên đại đội 1, làm nhiệm vụ bảo vệ Bắc Bộ phủ những ngày tháng sau Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945 đã kể lại rằng:
“Tôi được điều động về làm chính trị viên đại đội một, làm nhiệm vụ bảo vệ Bắc Bộ phủ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc. Nhà Bắc Bộ phủ gồm 3 tầng, tầng trên cùng là nơi Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng - Phó Chủ tịch nước- làm việc. Tầng hai là nơi để Bác và cụ Huỳnh tiếp khách, đồng thời là phòng họp của Chính phủ. Tầng một thường gọi là tầng hầm, được bố trí làm nhà bếp, nấu cơm hàng ngày của Cụ Hồ và Cụ Huỳnh Thúc Kháng và là nơi trú quân của cán bộ chiến sĩ đại đội một chúng tôi. Tuy ở trên tầng 3 nhưng hàng ngày Bác xuống tầng một để hỏi thăm sức khoẻ của cán bộ, chiến sĩ. Một hôm Bác xuống thăm đúng vào giờ ăn cơm trưa, thấy trong mâm cơm chỉ có đĩa rau muống luộc, vài miếng đậu phụ kho tương với bát nước luộc rau, Bác hỏi:
- Các chú ăn có được no không?
Tôi thay mặt cán bộ chiến sĩ thưa lại với Bác:
-"Dạ thưa Cụ ...", (hồi ấy chúng tôi thường gọi Bác là Cụ, để biểu lộ lòng tôn kính vị Chủ tịch nước, sau này được phép mới gọi bằng Bác).
Giọng Bác bùi ngùi:
- Nước ta mới giành được chính quyền, lại vừa qua nạn đói khủng khiếp năm 1945, nên còn nghèo lắm. Nay đang phải đối phó với cả ba thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm nên Chính phủ chưa thể tăng tiêu chuẩn ăn cho bộ đội. Các chú cố gắng tăng gia tự túc được rau, dồn tiền mua thêm ít thịt cá để cải thiện bữa ăn.
Bác hỏi tiếp:
- Mỗi tuần các chú vẫn nhịn ăn một bữa để cứu đói đấy chứ?
Tôi thưa lại với Bác:
- Dạ thưa Cụ! Hàng tuần vào chiều thứ sáu chúng cháu vẫn thực hiện nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu đói ạ.
Nghe chúng tôi thưa lại, Người trầm ngâm suy nghĩ, nhìn anh em từ đầu đến chân rồi lặng lẽ bước lên cầu thang. Mấy ngày sau, tôi triệu tập cán bộ tiểu đội, trung đội lên phổ biến chỉ thị mới của Cụ:
- Từ nay các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ ở Bắc Bộ phủ không phải nhịn ăn mỗi tuần một bữa nữa để bảo đảm sức khoẻ thực hiện nhiệm vụ.
Nghe tôi phổ biến xong anh em ai nấy đều xúc động, muốn khóc, nghĩ rằng hàng tuần vào chiều thứ 6 bếp nấu ăn cho Cụ Hồ và Cụ Huỳnh đều không nhóm lửa vì hai cụ vẫn làm gương nhịn ăn một bữa trong tuần để cứu đói cho đồng bào. Bộ đội mình luyện tập và canh gác tuy có mệt nhưng làm sao mệt bằng các Cụ phải lo toan trăm công nghìn việc?
Vào một đêm, khi đã khuya, tôi vừa đi thay phiên gác về, chợt trông thấy một bóng người đi đến từng giường, giắt lại màn cho từng chiến sĩ. Một chiến sĩ ngủ say bỏ tay ra ngoài, Người đó nhẹ nhàng nhấc bàn tay đặt vào giường rồi giắt lại màn rất cẩn thận. Lúc đầu tôi cứ tưởng là đồng chí đại đội trưởng đi kiểm tra, khi đến gần, tôi giật mình nhận ra đó là Cụ Hồ- vị Chủ tịch nước của chúng ta. Tôi bước nhẹ nhàng đến gần Bác cất tiếng chào:
- Cháu chào Cụ ạ!
Bác quay lại hỏi:
- Chú là chỉ huy phải không?.
Tôi thưa lại:
- Dạ thưa Cụ vâng ạ.
Tôi nhớ đêm hôm ấy là vào tháng 7 âm lịch, trời rất nóng. Gian buồng của tiểu đội một chúng tôi lại ở gian giữa, không có quạt, không có cửa sổ cho nên càng nóng hơn, ban đêm muỗi lại nhiều. Bác nhìn tôi, lại nhìn các giường kê sát nhau và nói:
- Trời nóng thế này anh em ngủ sao được? Trên tầng 2 rộng rãi lại có quạt trần, từ nay đêm nào nóng quá lên đó mà ngủ, sáng ra dọn dẹp xong, lại xuống, còn bây giờ các chú có thể lên ngay.
Tôi thưa lại:
- Cháu cảm ơn Cụ, nhưng để cháu báo cáo lại với cấp trên của cháu cho đúng quy định, nếu không thì sáng mai cháu bị khiển trách.
Bác nói ngay:
- Đã khuya rồi, đừng báo cáo các chú chỉ huy nữa, chú cứ cho anh em lên tầng 2 ngủ, sáng mai cấp trên của chú có hỏi, chú cứ báo cáo là Bác Hồ đã cho phép. Nếu chú bị khiển trách thì Bác sẽ chịu trách nhiệm cho.”
Tình thương yêu của lãnh tụ đối với những quân nhân như thế động viên khuyến khích những người con của đất nước bất cứ khi nào Tổ quốc gọi, họ sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc không chút đắn đo.
Trong những ngày đầu mới giành được độc lập, mặc dù phải lo trăm công nghìn việc, giải quyết những vấn đề “nước sôi lửa bỏng” của đất nước. Ấy vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chủ động sắp xếp lịch để đích thân Người tiếp các đại biểu các ngành, các giới, các đoàn thể, tôn giáo đến báo cáo, phản ánh tình hình ở địa phương, cơ sở, kiến nghị những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân. Vào ngày 3-9-1945, tức là cũng chỉ một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành quy định “Về việc tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể”. Trong nội dung quy định, Bác nêu rõ: “Từ năm nay, tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể như: các báo Việt và tàu, Văn hóa giới, Công giáo, Công hội, Thương giới, Thanh niên, Hoa kiều, Công chức, Phật giáo, Nông hội, Phụ nữ, Nhi đồng vân vân”. Trong quy định, Người còn chú ý một số nội dung:
“1. Gửi thơ nói trước, để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công.
2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị.
3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ”.
Chính một phần nhờ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đại biểu, nhân dân cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm rất chắc, biết rất rõ những tha hóa, những “căn bệnh” của không ít “quan cách mạng” ngay sau khi Đảng mới giành được chính quyền. Chẳng hạn, hiện tượng “dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền (...) khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta. Người ta bữu môi nói đến bà “phủ trưởng” nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn, cưỡi ngựa đỉ rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ chỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà “tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều”.
Nhiều bài viết của Bác ngay sau khi Đảng ta giành được chính quyền đã chỉ ra những “căn bệnh” của cán bộ, đảng viên đến nay còn nguyên giá trị thời sự và tính chiến đấu, giáo dục rất cao như: “ Cách tổ chức các ủy ban nhân dân”; “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”; “Chính phủ là công bộc của dân”; “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”; “Thiếu óc tổ chức-Một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân”; “Sao cho được lòng dân”; “Bỏ cách làm tiền ấy đi”; “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện, làng” v.v. Trong bài báo “Sao cho được lòng dân” với bút danh Chiến Thắng, Bác Hồ đã yêu cầu cán bộ chính quyền “phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề liên quan đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới”. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước Bác Hồ đã lưu ý đến tư tưởng tham quyền cố vị của cán bộ, đảng viên: chúng ta “phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được (...) Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy...”.
Chúng ta đang tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thiết nghĩ, cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ đứng đầu, cần nêu gương học tập và làm theo Bác Hồ từ những việc nhỏ bé nhưng thiết thực như nêu gương tiết kiệm, giản dị trong sinh hoạt, đi lại; đích thân người đứng đầu phải bố trí lịch tiếp dân, giải quyết những nhu cầu bức xúc, chính đáng của người dân; phải thương yêu cán bộ cấp dưới và người dân, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ khó khăn, thiếu khốn, khổ cực của người dân. Nói như Bác thì “muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy...”
Tin mới cập nhật
- Vận dụng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh ( 19/11)
- “Tư tưởng DÂN” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 12/09)
- Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - công trình lý luận ý nghĩa trong mọi giai đoạn ( 26/08)
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc từ thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” ( 31/07)
- Quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 144 của Bộ Chính trị: Sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng ( 15/07)
- Coi trọng liêm sỉ, biết giữ thể diện và uy tín trước dân là trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay ( 12/07)