Ngày Y tế Hà Tĩnh - 60 năm làm theo lời Bác
EmailPrintAa
08:15 26/02/2015

Ngày 27/2/1955, Bác Hồ đã gửi thư cho hội nghị cán bộ y tế với những lời căn dặn về tình đoàn kết, thương yêu người bệnh và xây dựng nền y học nước nhà. Từ đó đến nay, cùng với cả nước, ngành Y tế Hà Tĩnh đã không ngừng vượt khó, nỗ lực đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong từng thời kỳ. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, ngành đã tạo được bước đột phá tích cực, không ngừng đổi mới để phát triển và hội nhập, đáp ứng niềm tin và sự hài lòng của người dân.
 

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn (đứng giữa) và lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh thăm hỏi bệnh nhân cao tuổi ở BVĐK Hương Khê

 

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (ngày 20/7/1954), ngành Y tế Hà Tĩnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức, phát triển mạng lưới để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Ngành đã nhanh chóng chuyển Bệnh viện Lam Kiều và Bệnh viện Thăng Bình từ nơi sơ tán về thị xã Hà Tĩnh và sáp nhập thành Bệnh viện tỉnh.

Sau năm 1955, ngành Y tế Hà Tĩnh tăng cường công tác đào tạo cán bộ và phát triển mạng lưới y tế sâu rộng, mở rộng quy mô các bệnh viện, thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, dồn sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phục vụ công tác xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam.

 

Bác sỹ BVĐK tỉnh tận tình chăm sóc bệnh nhân trong dịp nghỉ Tết vừa qua

 

Sau đại thắng mùa xuân 1975, năm 1976, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ty Y tế Hà Tĩnh được sáp nhập vào Ty Y tế Nghệ An thành Ty Y tế Nghệ Tĩnh. Tháng 9/1991, tách tỉnh Nghệ Tĩnh, ngành Y tế Hà Tĩnh với bao khó khăn, thách thức nhưng nhờ sức mạnh đoàn kết đã nhanh chóng ổn định tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, ưu tiên hàng đầu cho công tác cán bộ và đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao để nâng tỷ lệ bác sỹ, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân. Với giải pháp đó, chỉ sau một thời gian ngắn, ngành Y tế Hà Tĩnh đã trở thành lá cờ đầu của y tế cả nước. Sau 15 năm tái lập tỉnh, ngành Y tế Hà Tĩnh đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất; 10 đơn vị được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì…

 

Chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng sau bơm thuốc Surfactant tại BVĐK Hà Tĩnh

 

Những năm gần đây, với tinh thần hội nhập, phát triển và trước yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, ngành Y tế càng nỗ lực hơn bao giờ hết. Thực hiện lời căn dặn của Bác, ngành Y tế Hà Tĩnh đã cụ thể hóa một cách sáng tạo bằng tiêu chí “3 xây, 3 chống, 3 biết” (3 xây: tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân, tinh thần tự giác học tập, mối đoàn kết nội bộ. 3 chống: quan liêu, độc đoán chuyên quyền; tham ô, lãng phí; bè phái cục bộ. 3 biết: tôn trọng bệnh nhân, nhân dân, đồng nghiệp; tuân thủ quy trình; nói lời cảm ơn). Gắn các tiêu chí cụ thể đó vào chương trình hành động của ngành, của từng đơn vị, ngành Y tế Hà Tĩnh thực sự đã tạo được mối đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần dân chủ trong xây dựng và phát triển. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng, những nghĩa cử cao đẹp của người thầy thuốc dành cho bệnh nhân.

Ngành cũng đã quyết liệt trong đổi mới điều hành bằng cách tập trung triển khai Đề án 3713 của tỉnh, thực hiện quy trình quản lý, làm việc đảm bảo logic, khoa học (có đầu việc, phần việc, thời hạn thực hiện và kiểm tra đôn đốc); xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới công tác quản lý và sử dụng cán bộ; sắp xếp lại 42 vị trí và luân chuyển 26 cán bộ các lĩnh vực nhạy cảm; cử đi đào tạo theo hướng tăng chuyên sâu; tăng thu hút chất lượng cao; đã thu hút 56 bác sỹ...

 

Siêu âm Doppler xuyên sọ cho bệnh nhân - một kỹ thuật mới được áp dụng tại Khoa Cấp cứu Chống độc BVĐK tỉnh

 

Năm 2014, Sở Y tế đã chủ động đăng ký UBND tỉnh phê duyệt 9 chương trình khung nhưng đã hoàn thành cơ bản 12/9 việc được UBND tỉnh giao, trong đó có 3 nội dung ngoài chỉ tiêu. Các chương trình khung đều đảm bảo yêu cầu trước mắt, vừa mang tính chiến lược như: hoàn thành đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt đề án vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh giai đoạn 2014-2015; xây dựng đề án ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND về việc triển khai Nghị quyết 78/2013/NQ-HĐND về đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2014-2020; hoàn thành thẩm định đề án vị trí việc làm cho 28 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 3.175 người làm việc...

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành đã tranh thủ được nhiều dự án, bổ sung nguồn lực cho các cơ sở KCB. Hiện đã có khá nhiều cơ sở KCB khang trang, sạch đẹp như BVĐK tỉnh, BVĐK thành phố Hà Tĩnh, BVĐK Đức Thọ, Nghi Xuân, Kỳ Anh… các trung tâm y tế dự phòng cấp huyện đã chấm dứt tình trạng tạm bợ; 8/12 trung tâm có cơ sở khang trang; 12/12 trung tâm y tế dự phòng cấp huyện có ô tô chuyên dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Nhiều trang thiết bị hiện đại cũng đã được đưa vào phục vụ các kỹ thuật chuyên sâu như can thiệp tim mạch, thay chỏm, ung bướu, phẫu thuật nội soi ở các bệnh viện tuyến huyện…

 

Không chỉ phát triển kỹ thuật chuyên sâu phục vụ bệnh nhân, BVĐK TP Hà Tĩnh còn được ngành chọn làm điểm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nội soi cho bệnh viện tuyến huyện.

 

Đặc biệt, ngành đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu tại tuyến tỉnh như: bơm thuốc Surfactant trong điều trị trẻ sơ sinh non tháng; phẫu thuật thoát vị bẹn qua nội soi; tán sỏi laser qua nội soi; đặt buồng tiêm trong điều trị ung thư; siêu âm Doppler xuyên sọ; đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn 1 buồng tim, 2 buồng tim tại khoa tim mạch; triển khai trên máy khí máu - điện giải RADIOMETER ABL80 BASIC; triển khai các xét nghiệm chuyên ngành ung bướu... Nhiều bệnh viện tuyến huyện cũng đã triển khai phẫu thuật nội soi phục vụ bệnh nhân. Từ một ngành thường xuyên có dư luận không tốt trong nhân dân, trong 2 năm gần đây, ngành Y tế không còn có ý kiến chất vấn trong các kỳ họp HĐND tỉnh.

Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu chia sẻ: Mục tiêu của ngành là hội nhập và phát triển: đạt tỷ lệ 7,4 bác sỹ/10.000 dân vào năm 2015 và 8,5 bác sỹ/10.000 dân vào năm 2020; 90% xã, phường có bác sỹ vào năm 2020; đạt 19,5 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2015 và 22 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2020. Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 13%; trên 80% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tăng cường phát triển kỹ thuật chuyên sâu, chú trọng các lĩnh vực mũi nhọn về chấn thương chỉnh hình, ngoại khoa, sản nhi, ung bướu, tim mạch can thiệp... tiến tới người bệnh được quyền lựa chọn các cơ sở y tế với các thế mạnh chuyên môn phù hợp để KCB.

Để thực hiện mục tiêu này, một trong những giải pháp mà ngành chú trọng là đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế Hà Tĩnh với “3 xây, 3 chống, 3 biết”. Đó là mục tiêu nhưng cũng là động lực để ngành Y tế tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trước mắt, xây dựng nền tảng bền vững cho chiến lược phát triển ngành trong tương lai.

Theo Biện Nhung/Baohatinh.vn


    Ý kiến bạn đọc