Người tốt, việc tốt đưa phong trào thi đua yêu nước lan tỏa rộng khắp
EmailPrintAa
08:21 11/06/2013

Để tạo động lực thúc đẩy công cuộc kháng chiến kiến quốc mau chóng đi đến thắng lợi, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. 65 năm qua, hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, cùng với quân dân cả nước, các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT và các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua.

Trong kháng chiến, các phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “Tiếng hát át tiếng bom”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, thiếu nhi làm “Nghìn việc tốt”, nông dân “Tay cày tay súng”, thầy cô giáo thi đua “Dạy tốt, học tốt”… đã dấy lên sôi nổi trên khắp các miền quê, trở thành lý tưởng, lẽ sống và phương châm hành động của hàng vạn người.

Từ phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều điển hình tập thể và cá nhân được cả nước biết đến như: Trường Tiểu học Cẩm Bình, Tiểu đội 4 C 552. C 551 thuộc Tổng đội TNXP 55, Anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Tiến Tuẫn, Uông Xuân Lý, Vương Đình Nhỏ, Nguyễn Tri Ân, Nguyễn Thị Thảo, Tiểu đội dân quân gái xã Kỳ Phương…

Trong thời kỳ đổi mới, nhiều phong trào thi đua của các cấp, ngành diễn ra sôi nổi rộng khắp như: “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, “Đưa tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp”, “Chuyển giao KHKT đến với nông dân”; phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Liên kết phục vụ nông nghiệp và xây dựng NTM”; “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”; phong trào “Học tập theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Vì an ninh Tổ quốc”; phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Phát huy truyền thống, tiếp bước cha anh, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”; phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM”… Các phong trào thi đua đã tạo động lực thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Từ trong các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến như các xã: Tùng Ảnh, Trường Sơn, Thiên Lộc, Gia Phố, Cương Gián; Trường THCS Kỳ Tân, Trường Tiểu học Cẩm Bình, Hội LHPN Hà Tĩnh... là đơn vị Anh hùng Lao động. LLVT nhân dân huyện Cẩm Xuyên, Đồn Biên phòng 575, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo là đơn vị Anh hùng LLVT trong thời kỳ đổi mới. Ngành GD-ĐT, đơn vị 10 năm liên tục là lá cờ đầu toàn quốc. Nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý. Hà Tĩnh 2 năm liền là đơn vị dẫn đầu trong cụm thi đua 6 tỉnh Bắc - Trung bộ, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh.

Ông Võ Quang Hùng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua khen thưởng (TĐKT) tỉnh cho biết: Đến nay, hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác TĐKT trong toàn tỉnh từng bước đáp ứng vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác TĐKT. Hệ thống văn bản về công tác TĐKT của tỉnh ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả.

Cũng theo ông Võ Quang Hùng, phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, chưa gắn kết thi đua với công việc thường xuyên. Nội dung tiêu chí thi đua chưa cụ thể; đối với doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước và các cơ sở liên doanh với nước ngoài chưa chú ý đúng mức đến việc tổ chức các phong trào thi đua. Nhiều đơn vị, địa phương chưa coi trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn, sơ, tổng kết; chưa tạo được sự phối hợp, liên kết giữa các ngành, địa phương. Công tác khen thưởng chưa bám sát phong trào thi đua, chưa động viên được nhiều người lao động, người trực tiếp sản xuất, còn có trường hợp khen thưởng thiếu chính xác, nể nang, chạy theo thành tích. Thủ tục khen thưởng còn qua nhiều cấp, gây phiền hà cho cơ sở.

Kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và ngày truyền thống ngành TĐKT, thực hiện lời dạy của Người: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước”, các ngành, các địa phương, các tổ chức cần đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua. Mỗi tập thể và cá nhân cần quyết tâm hoàn thành xuất sắc công việc được giao, dám nghĩ, dám làm, năng động và đổi mới để tạo ra năng suất và hiệu quả cao trong lao động, sản xuất, học tập, công tác, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân với Nhà nước. Yêu nước là một phạm trù rộng lớn nhưng lại biểu hiện nhiều từ những việc làm nhỏ nhất, đó là hoàn thành tốt việc mình đang làm, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


    Ý kiến bạn đọc