Là nước nằm ở vị trí cửa ngõ của Biển Đông, Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới; trong số 64 tỉnh, thành phố thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển - không chỉ là lợi thế để Việt Nam phát triển kinh tế biển mà còn là cầu nối quan trọng với các tuyến hàng hải huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực biển Đông. Với tầm nhìn chiến lược vượt thời đại, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chỉ rõ tiềm năng, lợi thế của biển “ biển bạc” của Việt Nam mà còn đặc biệt quan tâm đến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nhất là vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và nhiều lần đến thăm bộ đội Hải quân. Trong 2 ngày 30 và 31-3-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường huấn luyện Hải quân, xuống tàu T.524 đi kiểm tra vùng đảo trên vịnh Hạ Long. Người rót nước, chia kẹo cho từng cán bộ, chiến sĩ trên tàu và nhắc nhở các thuỷ thủ phải yêu biển, đã có tàu phải chịu khó học tập kỹ thuật để sử dụng tàu cho tốt, chiến đấu cho giỏi. Ngày 15-3-1961 nhân dịp đến thăm bộ đội hải quân lần thứ hai, Người chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó. Đồng thời, Người căn dặn các chiến sĩ Hải quân: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên”[1]. Đây không chỉ là tình cảm của Người đối với hải quân nhân dân Việt Nam, khẳng định vị trí vai trò của lực lượng hải quân đối với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ với miền Bắc sau này mà còn là định hướng chiến lược, sự khái quát về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển.
Ngày 9-5-1961, Người ra thăm đảo Cô Tô, tới thăm hợp tác xã nông nghiệp của bà con Hoa kiều trên đảo, nói chuyện trước hơn 2.000 đồng bào, cán bộ, bộ đội trên khu đồi sim đang mùa hoa nở, Người nhấn mạnh: “Về trật tự trị an, các đồng chí bộ đội, công an, dân quân và cán bộ lâu nay đã làm tròn nhiệm vụ. Như thế là tốt. Các đồng chí cần tiếp tục cố gắng học tập chính trị nghiệp vụ văn hoá, cần đoàn kết chặt chẽ với nhân dân. Đồng bào thì cần giúp đỡ các đồng chí ấy làm nhiệm vụ cho thật tốt.
Để làm tốt việc trên đây đồng bào phải nhận thấy rõ và làm thật đúng nghĩa vụ của người chủ nước nhà. Cán bộ phải chí công vô tư, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”[2].
Ngày 13-11-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ Hải quân tại đảo Vạn Hoa, Quảng Ninh, Người căn dặn các chiến sĩ: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến đời sống các chiến sĩ trên các hải đảo của Tổ quốc. Cổ vũ lòng yêu nước, yêu quê hương của các chiến sĩ, tinh thần gìn giữ biển, đảo như gìn giữ chính nhà mình. Người vạch hướng xây dựng các đảo của Tổ quốc thành những mảnh đất giàu mạnh của Tổ quốc.
Với chiến lược xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo quân dân ta đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên vùng trời, vùng biển, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền trên biển đảo của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Quan tâm đến đồng bào và chiến sĩ trên đảo, Người đã 2 lần gửi thư khen, động viên các chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ anh dũng đã bắn rơi máy bay Mỹ và trực tiếp tuyên dương công trạng của các lực lượng phòng không, hải quân trong việc đánh bại các hoạt động của máy bay, tàu chiến đến khiêu khích, ném bom, bắn phá vùng biển, vùng trời miền Bắc nước ta. Ngày 7-8-1964, trong buổi lễ tuyên dương các đơn vị phòng không và hải quân, Người căn dặn: “Các đơn vị bộ đội, công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ và các địa phương cần rút kinh nghiệm để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Các chú phải tiếp tục đẩy mạnh mọi mặt công tác và luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”[3]. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm quốc phòng và an ninh có quan hệ chặt chẽ với nhau và cần phải xây dựng được thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo. Trong sự nghiệp đó, Hải quân nhân dân Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Người, các lực lượng vũ trang trên biển có nhiều cách đánh thông minh, sáng tạo. Tiêu biểu nhất là các chiến dịch: tiểu phỉ trên quần đảo Đông Bắc, tiến công đuổi tàu khu trục Ma Đốc của Hạm đội 7 Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta ngày 2-8-1964; đánh thắng trận đầu vào ngày 5-8-1964 khi đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc; đánh thắng chiến dịch phong tỏa bằng thủy lôi vào ven biển và các cửa sông, góp phần đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đối với miền Bắc.
Ngày 11-8-1965, nhân dịp Hải quân ta vừa tròn 10 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ hải quân, vừa khen ngợi thành tích của Hải quân vừa vạch rõ sự cần thiết xây dựng Hải quân vững mạnh trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta.
Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà”[4].
Khắc sâu lời dạy của Bác, trên chiến trường miền Nam, chỉ riêng ở Quảng Trị trong 7 năm (1966 - 1973), đặc công hải quân tổ chức đánh trên 300 trận, đánh chìm 339 tàu thuyền của Mỹ - ngụy, phá hủy hàng ngàn tấn phương tiện chiến tranh. Đặc biệt là năm 1961, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 125 với mật danh “Đoàn tàu không số” được xây dựng để mở đường chiến lược trên biển, mang tên Bác Hồ kinh yêu“Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông” để vận chuyển, chi viện cho miền Nam. Trong 15 năm (từ 1961 đến 1975), “Đoàn tàu không số” đã cùng với các lực lượng hải quân đưa hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và phương tiện vũ khí tiến đánh, giải phóng các đảo và quần đảo Trường Sa, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Với sứ mệnh lịch sử to lớn đó, đường Hồ Chí Minh trên biển trở thành huyền thoại, là nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, chủ biển, đảo nói riêng ngày càng giữ vai trò quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước từ biển. Vươn ra biển, làm giàu từ biển theo tư tưởng Hồ Chí Minh là định hướng đúng đắn phù hợp với Việt Nam - một quốc gia có biển và nhiều hải đảo. Với quyết tâm cao, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã và đang tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, từng bước tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn trên các vùng biển đảo, nhất là ở vùng biển xa. Bên cạnh đó, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, làm chủ biển, bảo vệ và khai thác nguồn lợi từ biển đang là cơ hội, đồng thời là thách thức lớn đối với dân tộc ta nhất là vấn đề Biển Đông đang là điểm nóng. Từ đó xác định mục tiêu phấn đấu, không ngừng xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng phòng không không quân… vững mạnh, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) khẳng định“đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo”.
Phạm Thị Nhung và Nguyễn Hữu Tuấn
Học viện chính trị, Bộ Quốc phong
[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, t.8, 1961-1963, Sđd, tr.46.
[2] Tỉnh uỷ Quản Ninh, Ban Tuyên giáo: Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Hạ Long, tháng 7-2007, tr.110.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.14, Nxb CTQG, H.2001, tr 366.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd. tr 598.
Tin mới cập nhật
- Vận dụng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh ( 19/11)
- “Tư tưởng DÂN” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 12/09)
- Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - công trình lý luận ý nghĩa trong mọi giai đoạn ( 26/08)
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc từ thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” ( 31/07)
- Quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 144 của Bộ Chính trị: Sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng ( 15/07)
- Coi trọng liêm sỉ, biết giữ thể diện và uy tín trước dân là trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay ( 12/07)