Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về cách thức ra chủ trương đúng đắn của Đảng
EmailPrintAa
10:49 24/04/2014

Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội thông qua và bằng chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị… là một trong những phương thức lãnh đạo chủ yếu của bất cứ một chính đảng nào trên thế giới hiện nay. Tính đúng đắn, khoa học về quy luật và thực tiễn vận động xã hội trong lý luận của một chính đảng chính là yếu tố đầu tiên tạo nên tính thuyết phục - một đặc trưng quan trọng trong phương thức lãnh đạo của chính đảng đó đối với xã hội. Do đó, việc đề ra chủ trương, chính sách đúng có ý nghĩa quan trọng về tính tiên phong, tính thuyết phục của Đảng.

Thực tiễn lịch sử hơn 84 năm lãnh đạo, trong đó có gần 70 năm cầm quyền của Đảng ta đã chỉ ra mọi thắng lợi của Đảng trước hết xuất phát từ sự thuyết phục về chính trị trong lãnh đạo được thông qua việc đề ra đường lối, chính sách một cách đúng đắn, khoa học, hợp lòng dân.

Là người tổ chức, giáo dục và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến cách thức đề ra chủ trương, chính sách lãnh đạo phù hợp với mỗi giai đoạn, thời kỳ cách mạng. 

Sinh thời, Hồ Chí Minh dùng nhiều cách gọi khác nhau về chủ trương, nghị quyết của Đảng như: “chính sách của đảng”, “chỉ thị”, “khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch”, “đường lối để lãnh đạo”, “khẩu hiệu chính trị”… Trong nhiều bài nói, bài viết, đặc biệt là tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã dành một dung lượng khá dài để viết về cách thức ra “khẩu hiệu chính trị”. Cho đến nay những chỉ dẫn đó vẫn còn nguyên giá trị. 

Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định vai trò của việc có được chính sách đúng, Người viết: “Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng”(1). Hoặc “Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình. Đảng kết hợp lý luận với kinh nghiệm và thực hành của cách mạng Việt Nam… Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh… Khẩu hiệu chính trị đúng, thì toàn dân thấy rõ phương hướng, nhận rõ ai là bạn, ai là thù, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng…”(2). Hay có lúc Người viết: “chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi”(3). 

Đồng thời Hồ Chí Minh cũng chỉ dẫn cách thức để có chính sách đúng. Theo đó: 

Thứ nhấtphải biết dựa vào kinh nghiệm nhân dân, Người chỉ rõ: “Mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng”(4). Đảng phải “khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành đường lối để lãnh đạo quần chúng”(5). Hồ Chí Minh hết sức đề cao vai trò của quần chúng nhân dân trong việc đề ra chủ trương, chính sách lãnh đạo của Đảng, thể hiện các hai khía cạnh: 

Nhân dân là chủ thể sáng tạo, họ có rất nhiều kinh nghiệm hay giúp ích cho việc lãnh đạo của Đảng; thứ hai,nhân dân chính là đối tượng lãnh đạo của Đảng, mọi cái hay cái dở trong lãnh đạo của Đảng đều được kiểm nghiệm nơi quần chúng nhân dân. Do đó, tất cả các chủ trương của Đảng phải xuất phát từ quần chúng nhân dân, phục vụ lợi ích của quần chúng nhân dân và dân tộc. Hồ Chí Minh viết: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”(6).

Vì vậy, Đảng cần có các hình thức thích hợp để tham khảo ý kiến rộng rãi của mọi tổ chức chính trị - xã hội, của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ dẫn trước hết: “Người lãnh đạo ắt phải có mối quan hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng”(7). Bên cạnh đó, người lãnh đạo “phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi gợi cho họ nói”(8).

Để biến những sáng kiến của quần chúng thành những chủ trương của Đảng để lãnh đạo quần chúng, người lãnh đạo phải biết: “Gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng… Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm… Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt”(9). Hết sức coi trọng kinh nghiệm và sáng kiến của quần chúng nhân dân, nhưng Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở các cán bộ, đảng viên “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”(10).

Thứ hai, đường lối, chính sách đó phải được đúc kết từ thực tiễn kinh nghiệm phong phú của cuộc sống. Chỉ khi đường lối, chính sách được đúc kết từ thực tiễn và trải qua thử nghiệm thực tiễn thì mới trở thành đường lối, chính sách đúng đắn. Nghĩa là đường lối, chính sách của Đảng phải luôn được bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với chân lý cuộc sống. Người viết: “Nếu người lãnh đạo chỉ làm chung, làm khắp cả một lúc, mà không trực tiếp nhằm một nơi nào đó, thực hành cho kỳ được, rồi lấy kinh nghiệm nơi đó mà chỉ đạo những nơi khác, thì không thể biết chính sách của mình đúng hay sai. Cũng không thể làm cho nội dung của chính sách đó đầy đủ, thiết thực”(11). Theo Hồ Chí Minh, cách lãnh đạo bằng việc đề ra đường lối, chính sách như vậy mới thực sự là cách lãnh đạo đúng.

Trong quá trình ra một chủ trương, nghị quyết của Đảng, theo Hồ Chí Minh cần có sự áp dụng thí điểm, đúc rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng những điển hình, cuối cùng mới hình thành nên chủ trương, chính sách áp dụng rộng rãi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng. Người chỉ dẫn: “Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới… Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo”(12).

Thứ ba, phải biết vận dụng một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.Đối với Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Người không bao giờ xa rời Chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời kiên quyết chống chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại. Người yêu cầu “Phải tổ chức học tập có hệ thống Chủ nghĩa Mác - Lênin để nâng cao trình độ văn hóa và trình độ chính trị cho đảng viên”(13); nhấn mạnh việc học tập, vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin, trước hết phải nắm vững “cái cốt lõi”, “linh hồn sống” của nó là phương pháp biện chứng; học tập tinh thần, lập trường, quan điểm và phương pháp của Chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta.

Luôn đề cao tính khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh cũng lưu ý trong việc vận dụng cần có sự sáng tạo, chọn lọc, có tính phê phán, dựa trên cơ sở thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ gửi Quốc tế Cộng sản, Người viết: “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây... Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của Chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại... Xem xét lại Chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các Xô viết đảm nhiệm”(14). 

Tóm lại, theo Hồ Chí Minh, cách lãnh đạo đầu tiên và quan trọng nhất của Đảng là bằng những chủ trương, chính sách, “khẩu hiệu chính trị”. Vấn đề ở đây là những chủ trương ấy luôn được Người nhấn mạnh là phải dựa trên thế giới quan và phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin; phải xuất phát từ thực tiễn cách mạng và từ quyền lợi chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân “phải đưa chính trị vào giữa dân gian. Trước kia, việc gì cũng từ trên xuống, từ nay việc gì cùng phải từ dưới nhoi lên”(15). Từ cách tiếp cận như vậy, Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn những cách thức cần thiết để có được chủ trương, chính sách đúng, tiền đề cho cách lãnh đạo đúng.

--------------------------------------
(1): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H.2000, tr.285.
(2): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7 (1953-1955), Nxb CTQG, H.2000, tr.231-232.
(3): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H.2000, tr.520.
(4): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H.2000, tr.293.
(5): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H.2000, tr.298.
(6): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H.2000, tr.290.
(7): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H.2000, tr.286.
(8): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H.2000, tr.295.
(9): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H.2000, tr.290-291.
(10): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H.2000, tr.293.
(11): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H.2000, tr.288.
(12): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H.2000, tr.291.
(13): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3 (130-145), Nxb CTQG, H.2000, tr.139.
(14): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H.2000,  tr 464-465.
(15): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb CTQG, H.2000, tr.298.

ThS. Bùi Văn Hải-Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


    Ý kiến bạn đọc