Rèn luyện tính cách, đạo đức cách mạng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
EmailPrintAa
08:55 25/10/2013

Quan niệm của Hồ Chí Minh về tính cách

Nếu như Mạnh Tử coi tính cách là tiên thiên, con người sinh ra vốn tính thiện “nhân chi sơ, tính bản thiện” hay Tuân Tử thì ngược lại “nhân chi sơ, tính bản ác”, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có cách nhìn khoa học và toàn diện. Trong Nhật ký trong tù (bài Nửa đêm) Người viết: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Các nhà giáo dục Việt Nam đánh giá cao quan niệm đặc sắc này của Hồ Chí Minh. Người đã uốn nắn cách nhìn sai lệch khi xem bản tính con người là bẩm sinh, có từ khi lọt lòng mẹ. Theo Người, thiện và ác ở mỗi con người đâu có phải do bẩm sinh mà là kết quả của giáo dục. Con người khi sinh ra chưa hình thành rõ nét tính cách, thông qua quá trình giáo dục, xã hội hóa thì tính cách mới được hình thành và phát triển. Bác nói: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”[i]. Người coi tính cách như một phẩm chất được nảy sinh, hình thành và phát triển thông qua môi trường xung quanh. Nhân cách là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp và từ đó cũng hình thành nên tính cách xấu hay tốt.

Đối với người cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh chỉ rõ 5 đức tính quan trọng: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào... sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ uy quyền. Nhưng người đã không ham, không sợ gì thì việc gì họ đều làm được. Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu đoàn thể. Ngoài lợi ích của đoàn thể, không có lợi ích riêng phải lo toan. Trí là không có việc gì tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch sáng suốt; dễ hiểu lý; dễ tìm phương hướng; biết xem người, biết xét việc. Vì vậy mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho đoàn thể. Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc gì phải có gan làm, thấy khuyết điểm phải có gan sửa chữa, cực khổ khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho đoàn thể: cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè nhút nhát. Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy, mà quang minh chính đại. Chỉ có một cái ham là ham học, ham làm và ham tiến bộ. Đặc biệt, người luôn căn dặn mỗi cán bộ phải biết đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước vì lợi ích cá nhân mình, hết lòng phục vụ nhân dân. Người nói: “Mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài”[ii]. Để rèn luyện tính cách theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên cần phải: 

Tự tu dưỡng, tự rèn luyện.

Đây là con đường quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp trong việc hình thành và phát triển, hoàn thiện tính cách cán bộ, đảng viên. Đó chính là sự phát huy nội lực của mỗi người. Hồ Chí Minh chỉ ra con đường người cán bộ, đảng viên tự vươn lên hoàn thiện mình, đó là phải học tập, rèn luyện bền bỉ suốt đời. Người dạy: “Mỗi đồng chí phải ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng, củng cố lập trường giai cấp công nhân… phải tuyệt đối chấp hành đường lối chính sách của Đảng và chính phủ… Dù cương vị nào, các đồng chí phải luôn gương mẫu, luôn luôn xứng đáng là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”[iii]. Để tu dưỡng, rèn luyện đạt kết quả, đòi hỏi trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình. Người dạy “trên con đường phát triển cách mạng của mình, Đảng ta…luôn luôn có ưu điểm và không tránh khỏi có khuyết điểm. Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”[iv]. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi phẩm chất cách mạng, đồng thời phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, bài trừ bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, phải thực sự là người đầy tớ, là công bộc của nhân dân. Người dạy: “Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ tức là thoái bộ, là lạc hậu”[v]. Muốn tự cải tạo được bản thân để tự mình hoàn thiện tính cách thì mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhận thức được những ưu điểm và khiếm khuyết của mình để tự giác, tự xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, thời gian sửa chữa, học tập, rèn luyện, tu dưỡng để hoàn thiện tính cách. Quá trình tự hoàn thiện, tự tu dưỡng, tự rèn luyện tính cách là quá trình phấn đấu thường xuyên, liên tục và bền bỉ. 

Rèn luyện qua hoạt động thực tiễn.

Theo Hồ Chí Minh, đối với mỗi người cán bộ thì việc tu dưỡng rèn luyện phải được thực hiện thông qua hoạt động thực tiễn của bản thân; trong sinh hoạt học tập, lao động, công tác, trong các mối quan hệ với với Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thông qua hoạt động thực tiễn, người cán bộ biết điều chỉnh hành vi của mình và cũng thông qua thực tiễn tính cách của mỗi người được thể cụ thể hóa một cách phong phú, đa dạng. Chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn, thông qua quá trình tu dưỡng rèn luyện công phu mới có được phẩm chất tính cách tốt đẹp và phẩm chất ấy ngày càng được bồi đắp, nâng cao, hoàn thiện. Bài học đó đã được Hồ Chí Minh đúc kết ở 4 câu thơ: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian lao rèn luyện mới thành công”[vi]. Trong hoạt động thực tiễn, Người cũng khẳng định rõ mối quan hệ mật thiết giữa lý luận và hoạt đông thực tiễn, đây là mối quan hệ biện chứng, quan hệ chặt chẽ. Thực tiễn cần lý luận soi đường để không mắc phải bệnh kinh nghiệm. Lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, phản ánh thực tiễn và phải luôn liên hệ với thực tiễn, nếu không sẽ mắc phải bệnh giáo điều, quan liêu.

Tóm lại, rèn luyện tính cách, đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, hoàn thiện những phầm chất cần thiết của của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Người cán bộ, đảng viên nhất là người giữ trọng trách trong bộ máy đảng và nhà nước cần có đức tính hy sinh cho lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, đó chính là hội tụ nét tính cách trong sáng nhất, cao cả nhất. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong thời buổi kinh tế thị trường khi nhiều lợi ích đan xen, trong đó cần giải quyết hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích của tập thể và lợi ích xã hội. Người cán bộ phải luôn thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh về tinh thần “dĩ công vi thượng”, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố tránh. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI yêu cầu: “mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành, gắn với thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm, theo cương vị công tác”. Như vậy, muốn nâng cao đạo đức cách mạng thì vấn đề quan trọng là phải rèn luyện được những nét tính cách tốt đẹp ở mỗi cán bộ, đảng viên.


[i] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập. 12, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, tr.558

[ii]. Sđd, T. 5, tr.250

[iii] .Sđd, T. 9, tr.275

[iv] . Sđd, T. 8, tr.584

[v]. Sđd, T. 9, tr.284

[vi]. Sđd, T. 3, tr.350

Ths Nguyễn Văn Công Ths Trịnh Ngọc Hậu - Lê Phạm Phương Lan


    Ý kiến bạn đọc