Suy nghĩ về một bảo vật quốc gia
EmailPrintAa
09:35 24/10/2012

Chính phủ vừa quyết định công nhận đợt đầu 30 bảo vật quốc gia, trong đó có nguyên văn bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

BẢO VẬT QUỐC GIA là báu vật đời đời của dân tộc Việt Nam, không những cần phải được lưu giữ cẩn thận mà quan trọng hơn là cần phải trưng bày, phổ biến và phát huy những giá trị cao đẹp của bảo vật, làm cho những bảo vật ấy không chỉ là của quý cần cất giữ trong kho báu, bảo vệ cẩn trọng mà còn phải biết đem “tiêu dùng” vào công việc xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng, giáo dục và bảo vệ phẩm giá con người, xây dựng Đảng, nhà nước Việt Nam … để thế hệ hôm nay tiếp tục xứng đáng với truyền thống vẻ vang và sự hy sinh vô giá của các thế hệ đi trước trong suốt cuộc đấu tranh trường kỳ giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cần ghi nhớ lời phát biểu sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Báo cáo chính trị Người đọc tại Đại hội II của Đảng rằng, các thứ của quý “Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho… tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước…”(1)

Nguyên văn Bản Di chúc của Hồ Chí Minh, (theo Thông báo số 151-TB/TW ngày 19-8-1989, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký) được giải thích như sau:

- Năm 1965 Bác viết bản Di chúc gồm ba trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15-5-1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng hồi bấy giờ.

- Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm 6 trang viết tay…

- Ngày 10-5-1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay.

- Các năm 1966,1967, Bác không có những bản viết riêng”.

Trong Thông báo nói trên, khẳng định bản Di chúc công bố ngay sau khi Bác mất, bảo đảm trung thành với bản gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giải thích do cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đang diễn ra nên chưa thể công bố toàn văn. “Nay nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Như vậy là toàn bộ Bảo vật, sau hơn 20 năm kể từ ngày Bác qua đời, đã được công bố và trưng bày tại bảo tàng và nay được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Theo chúng tôi biết, nguyên văn bản Di chúc tuy đã được công bố cách đây 23 năm nhưng trên thực tế trong xã hội, kể cả trong Đảng và trong các cơ quan của hệ thống chính trị, cũng chưa có nhiều người biết tường tận những đoạn chưa công bố, và, quan trọng hơn là chưa thấy Trung ương có hướng dẫn tiếp về việc tuyên truyền quán triệt và thực hiện những điều chưa công bố ấy cụ thể như thế nào?

Chúng tôi nghĩ rằng nhân dịp này nên nhấn mạnh những đoạn trong nguyên văn mà bản công bố năm 1969 sửa chữa và lược bỏ, như sau:

1. Trong nguyên văn bản Di chúc viết năm 1965 do Bác tự đánh máy, có chữ ký của Bác, (đến năm 1968, 1969 xem lại Bác vẫn để nguyên) có đoạn : “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa”. Năm 1969 khi công bố sửa lại là: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài”. Khi ấy sửa lại là cần thiết, nay cần lưu ý rằng đến ngày 25-8-1969 (trước khi qua đời chưa đầy 10 ngày) Bác vẫn tỉnh táo, thậm chí là rất sáng suốt, nên đã có Thư trả lời Tổng thống Mỹ M.Ních-xơn với một giọng văn chủ động, lạc quan đầy tin tưởng vào ngày thắng lợi sắp đến gần và với bút pháp rất Hồ Chí Minh. Trong thư Bác vẫn giữ nguyên ý “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài mấy năm nữa” trong Di chúc viết 1965.  Điều đó cho chúng ta hiểu thấu rằng đó là một dự báo chính trị thiên tài, một tiên lượng của nhà chiến lược quân sự bậc thầy, có một không hai của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX.

2. Những đoạn Bác viết thêm năm 1968 mà bản công bố năm 1969 chưa đưa vào rất quan trọng và thiết thực, cấp bách trong tình hình hiện nay cũng như nhiều năm tiếp sau, cần phải được nhấn mạnh. Bác nói về xây dựng đất nước sau chiến tranh: “Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm… việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng…” và “… Đầu tiên là công việc đối với con người” … “Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân… Củng cố quốc phòng…”. Đoạn cuối Người còn nhấn mạnh một lần nữa: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Trong nguyên văn bản Di chúc của Bác còn có những đoạn khác nữa, trên đây chúng tôi chỉ trích một số đoạn liên hệ với tình hình trong Đảng và đất nước hiện nay, để càng thấm thía hơn những lời Di chúc nói trên của Bác là thiêng liêng và linh diệu vô cùng.

Trần Đình Huỳnh

-----------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG.1995, tập 6,  tr.172.


    Ý kiến bạn đọc