Tăng cường đoàn kết trong Đảng theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh
EmailPrintAa
09:32 10/09/2014

Sinh thời, trên cương vị là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là củng cố và giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người nhấn mạnh “Đoàn kết là sức mạnh nhất của ta”, là then chốt của thành công, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”[1].
 

Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người đặc biệt căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[2]. Bác nhấn mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải được xây dựng, củng cố trên cơ sở vì mục đích cao cả “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Chỉ trên cơ sở đó, trong Đảng mới có sự thống nhất về ý chí và hành động “triệu người như một” để vượt qua mọi khó khăn trở ngại. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[3].

Di chúc” của Bác không những chỉ rõ vai trò quan trọng của sự đoàn kết, tính tất yếu của việc giữ gìn, củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng mà còn nêu bật những nguyên tắc quan trọng, hiệu quả nhất để xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất: “Trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”[4]. Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác xây dựng đảng, coi đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta, trong đó, đặt lên hàng đầu xây dựng khối đại đoàn kết... Để tiếp tục thực hiện tốt “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong Đảng, theo chúng tôi các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tăng cường mở rộng dân chủ trong Đảng, đề cao tính tổ chức, tính kỷ luật, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách

Dân chủ trong Đảng là nền tảng cho sự đoàn kết. Trên cơ sở dân chủ nội bộ trong Đảng, đảng viên mới thực sự trung thực, thẳng thắn, chân thành với nhau. Từ đó, "tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" mới được phát huy trong công tác xây dựng Đảng. Dân chủ sẽ khơi dậy, phát huy cao nhất trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, khắc phục được tình trạng bè cánh, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa rời quần chúng. Thực hành dân chủ rộng rãi thực sự, thường xuyên, dân chủ phải gắn với tập trung. Đây là nguyên tắc sống còn, quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ giúp Đảng không ngừng lớn mạnh.

Các cấp ủy đảng phải bảo đảm thực hành dân chủ từ cơ sở, đề cao tính tổ chức, tính kỷ luật, thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nhằm tạo cơ sở đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) chỉ ra: phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp. Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp được sắp xếp phù hợp, có cơ chế kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Đây không chỉ là điểm mới được đề xuất từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn xây dựng Đảng hiện nay mà còn được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo ra bầu không khí hồ hởi, mới mẻ trong tổ chức và sinh hoạt ở hầu hết các cấp uỷ Đảng.

2. Thường xuyên và nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng

Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Thực tế công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua, không ít tập thể, cá nhân chưa thực hiện tốt nguyên tắc này, do ý thức tự giác của một số cán bộ, đảng viên không cao, dẫn đến quá trình thực hiện vẫn rơi vào tình trạng “không đạt yêu cầu”. Do đó, cấp ủy, các tổ chức Đảng cần quyết liệt thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Khắc phục tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý, đoàn kết xuôi chiều, bị tình cảm cá nhân chi phối, đồng thời nghiêm khắc xử lý những biểu hiện lợi dụng phê bình để đấu đá, làm mất uy tín của nhau, gây rối đối với tổ chức, ảnh hưởng đến đoàn kết trong tổ chức đảng, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng kích động, chia rẽ.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải phê bình một cách thẳng thắn, chân thành nhằm giúp đồng chí, đồng đội nhận rõ sai lầm, sửa chữa khuyết điểm để không ngừng tiến bộ, tuyệt đối không vì mâu thuẫn cá nhân, động cơ cá nhân mà phê bình theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết” nhằm trù dập, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Từ đó, góp ý cho nhau, cùng nhau tiến bộ, nâng cao phẩm chất con người, phát huy tính tích cực của con người. Thực hiện Di chúc của Người, mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn, thực hiện triệt để hơn nguyên tắc tự phê bình và phê bình để Đảng luôn trong sạch, làm cho uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao.

3. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau

Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết trong Đảng. Bởi không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì dù có thường xuyên tự phê bình và phê bình, dù được gọi là có “có tinh thần thẳng thắn đấu tranh”, thì hiệu quả cũng không được như mong muốn. Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, phê phán tư tưởng việc bé xé ra to, “bới lông, tìm vết”, “bốc lửa bỏ tay người” nhằm hạ thấp uy tín của đồng chí, đồng nghiệp, nhất là đối với những “kẻ” có nhiều “mánh khoé” cạnh tranh trên con đường danh lợi, kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết trong chi bộ. Trên tinh thần yêu thương đồng chí, đồng đội để chỉ rõ những khuyết điểm nhằm giúp đồng chí mình không lấn sâu vào những sai lầm, khuyết điểm. Trong công tác xây dựng Đảng, chỉ có xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì mọi cuộc phê bình và tự phê bình mới đưa lại kết quả tốt đẹp, ngược lại, nó sẽ làm thêm mất đoàn kết, dẫn đến việc suy yếu sức mạnh của Đảng.

4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, kiên quyết giải quyết dứt điểm hiện tượng gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng

Tăng cường kiểm tra, giám sát giúp cho các cấp ủy kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguyên nhân, hiện tượng mất đoàn kết. Đồng thời biểu dương kịp thời và có biện pháp cụ thể, thiết thực giúp cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng. Kiểm tra, giám sát trong Đảng, một mặt phải tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy các cấp, đề cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành, đồng thời cần có cơ chế, qui chế cụ thể để bảo vệ và phát huy vai trò giám sát của quần chúng, nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.

Để bảo đảm cho công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo quy định, cấp ủy, chi bộ cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo, phù hợp với tính chất nhiệm vụ của mình; gắn kiểm tra thường xuyên với kiểm tra đột xuất; kiểm tra kết quả lãnh đạo của chi bộ với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, hơn lúc nào hết, Đảng ta cần tiếp tục kế thừa và phát huy xây dựng khối đoàn kết trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hành động cụ thể, thiết thực gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, của Đảng phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phạm Thị Nhung - Học viện Chính trị, Bộ quốc phòng


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, t.1, Nxb CTQG, H.2011, tr.XVII

[2]  Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.1, tr. XVIII

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.15, tr. 611

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.15, tr. 611.

TT CNTT (Nguồn: Xaydungdang.org.vn)


    Ý kiến bạn đọc