Thực hành nêu gương chống tiêu cực
EmailPrintAa
16:06 19/10/2018

Từ thực tiễn thực hành nêu gương cách mạng, đúng vào ngày kỷ niệm thành lập Đảng trong năm cuối cùng của cuộc đời (ngày 3-2-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên Báo Nhân Dân.

Người nêu rõ: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” và căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương ở mọi lúc mọi nơi, cả trong xây dựng, nuôi dưỡng cái tốt, lẫn đấu tranh triệt tiêu, đẩy lùi cái xấu.

Nửa thế kỷ sau, đọc lại và suy ngẫm, chúng ta càng thấy thấm thía lời căn dặn của Người. Quả đúng là trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, nếu người đứng đầu quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, nêu gương thực hành thì chắc chắn "vi khuẩn" độc hại sẽ được ngăn ngừa, phòng chặn và "ung nhọt" tiêu cực sẽ được tẩy rửa, chữa trị kịp thời. Minh chứng sinh động nhất trong những năm gần đây là tấm gương thực hành nêu gương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với quyết tâm làm trong sạch tổ chức, Tổng Bí thư đã gióng tiếng trống lệnh và trở thành tấm gương sáng cảm hóa, hiệu triệu, huy động sức mạnh tổng hợp tham gia vào cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của Đảng và thu được nhiều dấu ấn, kết quả tích cực.

Quang cảnh khai mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XII. Ảnh: TTXVN

Thế nhưng, phòng, chống tham nhũng, đấu tranh với tiêu cực là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, phức tạp, cần sự vào cuộc đồng bộ của mọi cấp, mọi ngành; và vai trò người đứng đầu ở các cấp nói chung, vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì nói riêng, cần được phát huy nhiều hơn nữa là một đòi hỏi tất yếu. Bởi lẽ, thực tiễn cho thấy, hàng loạt vụ án, vụ việc xảy ra vừa qua đã phản ánh một thực tế đau lòng, rằng không ít người đứng đầu lại rơi vào hư hỏng, mắc khuyết điểm, trở thành những gương xấu. Lại không ít nơi, tiêu cực, khuyết điểm trong tổ chức được chính người đứng đầu bao che, làm ngơ, né tránh. Và ở nhiều nơi, người đứng đầu chưa thực xứng đáng là “ngọn cờ đầu” trong đấu tranh với tiêu cực, khuyết điểm; nhất là chưa thật coi trọng việc nêu gương chống tiêu cực của bản thân.

Trước những yếu kém đó, Hội nghị Trung ương 8, khóa XII quyết nghị ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quy định mới này xác định, cùng với 9 nội dung bắt buộc phải phấn đấu, mang tính chất xây dựng, còn có thêm 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống để nêu gương. Như vậy, nội dung và yêu cầu nêu gương trong đấu tranh với tiêu cực, khuyết điểm đối với người đứng đầu được Trung ương xác định rất cụ thể, rõ ràng.

Để thực hiện tốt quy định nêu gương, trước hết các đồng chí Ủy viên Trung ương phải sớm có kế hoạch và thực hành nêu gương cho toàn Đảng và toàn xã hội. Trong đó, việc thực hành nêu gương chống tiêu cực phải là một trọng tâm ưu tiên, đột phá. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng luận giải, rằng nếu 200 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng không rơi vào tiêu cực, không vướng phải 27 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gương mẫu tiên phong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì sự nêu gương của tập thể Ban Chấp hành Trung ương sẽ tạo hiệu quả lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Cùng với các đồng chí cán bộ Trung ương, đội ngũ lãnh đạo chủ trì các cấp cần xác định rõ hơn trách nhiệm phải nêu gương kép. Một mặt, phải thực hành lối sống trong sạch, lành mạnh, bồi dưỡng nhân phẩm tốt; mặc khác, phải là những người giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, thượng tôn pháp luật để làm gương cho cấp dưới và quần chúng. Đặc biệt, trong nêu gương đấu tranh với tiêu cực, cán bộ chủ chốt cần xác định rõ mục tiêu, kế hoạch khả thi, với lộ trình thích hợp và công khai hóa để đồng đội và nhân dân giúp đỡ, giám sát. Cán bộ chủ trì không chỉ nêu gương giữ mình, tránh rơi vào tiêu cực, mà còn gần gũi, chân tình, giúp đỡ đồng đội sống tốt hơn, tiến bộ hơn; lãnh đạo tổ chức cơ quan, đơn vị mình ngày càng trong sạch, lành mạnh hơn. Cùng với đó, tổ chức đảng phải thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất, năng lực và tạo điều kiện để người đứng đầu gương mẫu nêu gương đương đầu với tiêu cực. Dù ở hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, người đứng đầu phải dám ở nơi "đầu sóng ngọn gió", chia ngọt sẻ bùi với quần chúng trong cuộc chiến phòng, chống tiêu cực. Có làm được như vậy, người đứng đầu mới xứng đáng với lời nhắc nhở của Bác Hồ và niềm tin của nhân dân về tấm gương “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc