Tôi chỉ có một sự ham muốn...
EmailPrintAa
11:24 12/04/2013

Mùa xuân năm 1962, trước tết Nhâm Dần, Bác muốn thăm những gia đình thật sự còn nghèo túng ở Thủ đô trong dịp giao thừa. Bác thương cảm vô cùng trước số phận người phụ nữ Nguyễn Thị Tín tần tảo đêm 30 Tết phải đi gánh nước thuê để lấy tiền đong gạo. Câu nói của Bác “Nhà cháu mà không đến thì Bác còn đến nhà ai!” đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của biết bao người dân Việt Nam về nhân cách của một con người Việt Nam vĩ đại nhất. Bài học sâu sắc nhất Bác để lại là tinh thần “lá lành đùm lá rách”, lớn hơn là trách nhiệm của Chính phủ với nhân dân.

Bác Hồ - tên gọi thân thương mà tất cả người Việt Nam muốn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Người là hiện thân của khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc, hạnh phúc cho con người, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”. 

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến con người, chăm lo phát triển con người. Người tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (1). Đó là thông điệp Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng bào mục đích phấn đấu suốt đời của mình là vì độc lập, tự do của dân tộc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Người đã dành tất cả tình yêu thương cho đồng bào, đồng chí, cho già, trẻ, gái, trai, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc đến Nam... 

Trước tình thương vô hạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Tố Hữu trân trọng viết: 

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già” 

(Bác ơi) 

Sinh thời, Người thường nhận được tặng phẩm do đồng bào và bạn bè quốc tế biếu, tặng, nhưng thật đáng trân trọng khi Bác dành những tình cảm đó cho các phụ lão, chiến sĩ, bộ đội, thương bệnh binh và những người có nhiều thành tích trong học tập, chiến đấu, lao động sản xuất, đặc biệt là những gia đình nghèo khó. Trong khi đó, Bác vẫn mặc áo sờn vai, vá nhiều chỗ. Bác nói: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy, đừng bỏ cái phúc ấy đi”. Câu nói của Người đã cảm hóa biết bao người, là lời dạy có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với người cán bộ cách mạng. Đọc những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức và đời sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta mới thấm thía về tình thương vô hạn của Người đối với nhân dân, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ. Người luôn dành tình cảm đặc biệt trước những số phận côi cút, những người phụ nữ tần tảo, đảm đang. 

Mùa xuân năm 1962, trước tết Nhâm Dần, Bác muốn thăm những gia đình thật sự còn nghèo túng ở Thủ đô trong dịp giao thừa. Bác thương cảm vô cùng trước số phận người phụ nữ Nguyễn Thị Tín tần tảo đêm 30 Tết phải đi gánh nước thuê để lấy tiền đong gạo. Câu nói của Bác “Nhà cháu mà không đến thì Bác còn đến nhà ai!” đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của biết bao người dân Việt Nam về nhân cách của một con người Việt Nam vĩ đại nhất. Bài học sâu sắc nhất Bác để lại là tinh thần “lá lành đùm lá rách”, lớn hơn là trách nhiệm của Chính phủ với nhân dân. Bác nhắc nhở: “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân…”, “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(2). Vì vậy, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo. 

Xúc động làm sao trước hình ảnh một vị Chủ tịch nước đã ân cần đi sâu, đi sát vào đời sống của nhân dân, đã không còn ranh giới giữa người đứng đầu đất nước với một gia đình lao động nghèo. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Hồ Chí Minh là một con người phi thường và xuất chúng. Tuy nhiên, khi gặp Hồ Chí Minh, mọi người cảm thấy như thân thuộc từ lâu, dễ dàng nói chuyện cởi mở, tự nhiên, không chút nào cách bức”(3). Bác Hồ như người cha bao dung, trìu mến, đặc biệt là cái cách Người đến với nhân dân cũng làm chúng ta phải suy ngẫm. Đối với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ cách mạng phải biết tôn trọng và lễ phép; phải thương yêu, quý trọng con người, biết đồng cảm trước những khó khăn, đau khổ của nhân dân. Hoạt động hành chính phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, luôn chăm lo đến nhân dân. Người nói: “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. 

Ngày nay, quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới, Đảng và nhân dân ta càng thấy rõ việc chăm lo phát triển nông thôn và đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo đối với Việt Nam là một trụ cột của chiến lược tăng trưởng và phát triển bền vững. Theo đó, Đảng và Nhà nước phải “hết sức chăm lo đời sống nhân dân. Phải ra sức phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm, lại phải phân phối cho công bằng hợp lý, từng bước cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khoẻ và giải trí của nhân dân. Đặc biệt chú trọng các vùng bị chiến tranh tàn phá, các cháu mồ côi, các cụ già yếu và gia đình các liệt sĩ, thương binh, bộ đội, thanh niên xung phong” (4). 

Những tình cảm và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là ánh đuốc soi sáng cho tâm hồn, cho trí tuệ, cho tình cảm, cho đạo đức của mỗi chúng ta, nâng bước ta đi trên những chặng đường gian lao mà đầy vinh quang phía trước.
________________________
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.161-162
(2) Sách đã dẫn, t.7, tr.572.
(3) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, NXB Sự thật, Hà Nội, 1990, tr.62-63
(4) Sđd, t.10, tr.621. 


    Ý kiến bạn đọc