Trung thực – Nhân cách người đảng viên
EmailPrintAa
16:16 18/12/2017

Ngày 17-12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Bí thư đã tiến hành xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và cá nhân đồng chí Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016.

Cũng tại hội nghị này, Ban Bí thư còn xem xét việc đề nghị thi hành kỷ luật đối với đồng chí Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở xem xét khách quan, công tâm, phân tích cặn kẽ, toàn diện các vi phạm của tập thể, cá nhân nêu trên, Ban Bí thư quyết định có các hình thức kỷ luật trên nguyên tắc đúng người, đúng tội, đúng với các quy định của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về lối sống cần, kiệm, liêm, chính. Ảnh tư liệu: TTXVN.

Quyết định của Ban Bí thư không chỉ thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm; mà còn thể hiện rõ quyết tâm chính trị và tính kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm nguyên tắc của Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Quyết định kỷ luật tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và hai cán bộ cấp cao ở địa phương thêm khẳng định quyết tâm việc xử lý kỷ luật của Trung ương là không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ. Dư luận xã hội hết sức đồng tình với cách làm việc thận trọng, xem xét kỹ lưỡng mọi mặt để đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng đối với tập thể, cá nhân vi phạm của Ban Bí thư.

Nghiên cứu kết luận của Ban Bí thư, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá khuyết điểm của đồng chí Ngô Văn Tuấn. Ban Bí thư cho rằng: Những vi phạm của đồng chí Ngô Văn Tuấn là hết sức nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, có hệ thống, kéo theo một số tổ chức đảng và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật. Đặc biệt, Ban Bí thư chỉ rõ: Quá trình kiểm điểm, đồng chí Ngô Văn Tuấn chưa nghiêm túc phê bình, thiếu thành khẩn nhận khuyết điểm, vi phạm. Vì vậy, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đối với đồng chí Ngô Văn Tuấn bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

Thực tình, nếu là một cán bộ, đảng viên chân chính, chẳng ai có thể vui mừng khi thấy đồng chí, đồng đội của mình vi phạm khuyết điểm để tổ chức đảng phải xem xét thi hành kỷ luật. Trong cuộc sống, công tác cũng có lúc, có việc, có thời điểm cá nhân cán bộ, đảng viên không tránh khỏi những sai lầm, khiếm khuyết. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn, đáng quan tâm chính là ở sự thành khẩn nhận khuyết điểm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm". Song Người hoàn toàn cho rằng, không phải cứ làm việc càng nhiều thì càng nhiều khuyết điểm, không có nghĩa là khuyết điểm sẽ tỷ lệ thuận với khối lượng công việc, nếu người cán bộ, đảng viên cố gắng tránh nó, tạo ra nhiều thành tích, nhiều kết quả trong công việc thì tất yếu sai lầm, khuyết điểm sẽ ít đi.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng hiện nay cho thấy: Điều cực kỳ quan trọng là không phải kỷ luật với hình thức nào, mà những vi phạm, khuyết điểm được từng tập thể, cá nhân nhận thức đến đâu và thành khẩn tới mức nào. Nhận thức đúng, thành khẩn nhận khuyết điểm chính là cơ hội tốt để từng tập thể, cá nhân không tiếp tục vi phạm kỷ luật, mà còn có những giải pháp phù hợp để ngăn chặn kịp thời, để giúp mỗi cán bộ, đảng viên nỗ lực phấn đấu vươn lên. Trung thực, thành khẩn không chỉ là đòi hỏi về phẩm giá của mỗi cán bộ, đảng viên, mà còn là nhân cách của người đảng viên.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc