Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh
EmailPrintAa
08:46 09/02/2015

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một bản Di chúc thiêng liêng. Di chúc là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn dẫn dắt nhân dân ta trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong Di chúc Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng và củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng bằng việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
 

1. Bản tổng kết về “luật” phát triển Đảng

Hồ Chí Minh viết: “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(1). Đoàn kết theo Người là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta. Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(2). Muốn vậy, “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(3), “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(4).

Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) đến khi viết Di chúc (1965 - 1969), chúng ta thấy rằng, tự phê bình và phê bình là quan điểm nhất quán, xuyên suốt về quy luật phát triển của Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ đầu, Điều lệ tóm tắt của Đảng (do Đồng chí Nguyến Ái Quốc soạn thảo) đã khẳng định: “Bất cứ về vấn đề nào đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành”(5). Có thể nói đây vừa là nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa là biểu hiện của nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Người chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(6). Do vậy, “Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình, tức là "quan liêu hoá", tức là tự mãn tự túc, tức là "mèo khen mèo dài đuôi"”(7). Theo đó, Bác ví Đảng như một cơ thể sống mà khuyết điểm là những căn bệnh nguy hiểm, thậm chí là những “kẻ địch bên trong” rất khó sửa chữa và điều trị. Đảng muốn nhận ra và sửa chữa khuyết điểm của mình thì cần thường xuyên, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình. Người dạy: “Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”( 8). “Vì vậy, chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển”9. Trong Di chúc Bác Viết “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng…”(10). Liền sau đó, Người viết: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(11). Câu này vẻn vẹn chỉ có 9 từ, nhưng chứa đựng điểm mấu chốt nhất của vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tự phê bình và phê bình theo tổng kết của Hồ Chí Minh đã thực sự đã trở thành “luật” phát triển Đảng, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên đều ý thức được rằng luật ấy là “tự luật”, nên cần triệt để thực hiện trên cơ sở “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

2. Nhận thức của Đảng ta về tự phê bình và phê bình theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Học tập tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh là vấn đề được Đảng ta nhận thức và đề ra chủ trương thực hiện khá sớm, nhằm giáo dục, rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch vững mạnh. Sau khi Bác mất, ngày 29 tháng 9 năm 1969, Bộ Chính trị (khóa VI) ra Chỉ thị số 173-CT/TW về mở đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”. Mục đích của đợt sinh hoạt chính trị là nhằm làm tăng thêm lòng tự hào, phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm vươn lên tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện bằng được Di chúc của Người. Về thực hiện, Bộ Chính trị yêu cầu: “Trong chi bộ đảng cũng như trong quần chúng, khi thảo luận Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người cần liên hệ với tư tưởng và hành động của mình, của đơn vị mình và có nghị quyết cụ thể sẽ làm gì để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác trước mắt, thực hiện những lời thề danh dự đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”(12). Qua đó có tác dụng to lớn đối với việc phát huy tình cảm ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng, tăng cường đoàn kết và nâng cao sức chiến đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, biến đau thương thành hành động cách mạng, xốc tới giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 19 tháng 8 năm 1989, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Bộ Chính trị (khóa VI) ra Thông báo số 151-TB/TW về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh trong Đảng và trong toàn xã hội, Bộ Chính trị (khóa X) phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong 4 nội dung cơ bản của Cuộc vận động, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Mỗi người tự liên hệ, tự phê bình, kiểm điểm cá nhân; tổ chức để quần chúng ở nơi công tác và nơi cư trú góp ý cho cán bộ, đảng viên”(13). Cuộc vận động đã có sức lan tỏa sâu sắc, làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đẩy lùi sự các tệ nạn xã hội. Cũng trong dịp này, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (14), nhằm khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người, góp phần bảo vệ, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X và tiến tới Đại hội XI của Đảng.

3. Tự phê bình và phê bình theo Di chúc của Bác Hồ trong giai đoạn hiện nay

Để tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Bộ Chính trị (khóa XI) đã có Chỉ thị số 03-CT/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Trung ương chủ trương “Đưa việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên”. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương đều hướng dẫn học tập chuyên đề về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đó là giải pháp hàng đầu của nhóm các giải pháp về công tác giáo dục tư tưởng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)“Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, nhất là của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị để cán bộ, đảng viên và quần chúng học tập và noi theo.

Hơn 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thu được những thành tựu to lớn, đặc biệt là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua đó, cấp uỷ các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm; đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương của Bác Hồ đã có chuyển biến; tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, ý thức trách nhiệm được nâng lên. Việc thực hiện Di chúc của Bác Hồ đã thiết thực cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
------

[1, 2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 621-622.  [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 622. [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 622.[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 622. [6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 9. [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 301. [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 301.[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 302. (10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 307. 11] 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H. 2014, tr. 52.[12] 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H. 2014, tr. 52.[14] Bộ Chính trị, Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm the tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngày 7  tháng 11 năm 2006.

Trần Văn Huấn- Phòng Khoa học quân sự - Trường Đại học Chính trị/xaydungdang.org.vn


    Ý kiến bạn đọc