(Nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Người 19/5/1890 - 19/5/2012)
Trên đường đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghĩ đến một xã hội mới, ở đó con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; mà muốn có cuộc sống mới thì phải giành độc lập cho dân tộc, theo đó phải xây dựng đất nước vững mạnh cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Trong các bài viết của mình, Bác đã nhấn mạnh: Nước độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do, thì độc lập tự do cũng chẳng có nghĩa lý gì! Vì vậy, tư tưởng của Người về phát triển kinh tế luôn thể hiện rõ các luận điểm mang tính nguyên tắc đó là:
- Một là, phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất: Bác chỉ rõ “…nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội,… có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hoá và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”.
- Hai là, để phát triển kinh tế thì phải nhấn mạnh đến cơ cấu kinh tế: “Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có hai chân là công nghiệp và nông nghiệp, hai chân không đều nhau không thể lớn mạnh được”. Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển. Cho nên công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khoẻ và đi đều thì mới tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích”.
- Ba là, phải hiểu rõ thành phần kinh tế và hình thức sở hữu: Năm 1954 giai cấp địa chủ phong kiến bị đánh đổ, miền Bắc thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội Bác vẫn nhất quán với quan điểm xây dựng, phát triển và sử dụng nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gồm năm thành phần: Thứ nhất, kinh tế quốc doanh (kinh tế nhà nước đại diện là hệ thống doanh nghiệp nhà nước) - là hình thức sở hữu của toàn dân; thứ hai, kinh tế tập thể (hợp tác xã) là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động; thứ ba, kinh tế cá thể của những người làm nghề thủ công và lao động riêng lẻ khác; thứ tư, kinh tế của những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xoá bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh và cuối cùng là kinh tế tư bản nhà nước, Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ các nhà tư bản đi theo chủ nghĩa xã hội.
- Bốn là, tăng gia sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, đồng thời phải chống tham ô, lãng phí: trong Di chúc Bác có viết: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân… Đối với cá nhân, Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa…Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức phúng viếng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân...”.
Một số tư tưởng về kinh tế của Bác cũng được thể hiện, cụ thể:
- Xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế đúng đắn, Người coi đây là biện pháp hàng đầu, đòn bẩy mang tính phổ quát để phát triển kinh tế nước ta. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, Bác luôn đưa ra yêu cầu, kế hoạch phải có tầm nhìn xa, thấy rộng nhưng khi đi vào thực hiện thì mỗi ngành, mỗi nghề phải rất tỉ mỉ, chu đáo và thật sát với mỗi cơ sở. “Đặt kế hoạch thật tốt, thật sát là rất cần nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành kế hoạch”.
- Coi trọng những động lực về nhu cầu và lợi ích của người lao động, “Phải thực hiện ban khoán một thưởng. Nếu ai thực hiện vượt mức quy định thì được thưởng. Có như thế mới kích thích mọi người cố gắng hơn nữa. Thưởng, phạt phải công bằng”. Theo Người, chính sách tiền lương chính là một trong những đòn bẩy quan trọng bởi tiền lương chính là thước đo giá trị sức lao động mà người lao động bỏ ra.
- Thực hiện công bằng xã hội trong phát triển kinh tế; theo Người, thực hiện công bằng xã hội chính là giải quyết mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi thành viên trong xã hội. Bác từng phát biểu “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”.
- Sử dụng chế độ làm khoán, Bác chỉ rõ: Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Khoán là đòn bẩy kinh tế bởi nó có ý nghĩa khuyến khích tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế.
- Phát triển kinh tế phải cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước. Người chỉ ra rằng: giảm đến mức tối thiểu số người làm việc hành chính, tăng cường cho sản xuất trực tiếp.
Tin mới cập nhật
- “Tư tưởng DÂN” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 12/09)
- Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - công trình lý luận ý nghĩa trong mọi giai đoạn ( 26/08)
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc từ thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” ( 31/07)
- Quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 144 của Bộ Chính trị: Sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng ( 15/07)
- Coi trọng liêm sỉ, biết giữ thể diện và uy tín trước dân là trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay ( 12/07)
- Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới ( 14/06)