Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức
KỶ NIỆM 122 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1890 - 2012)
Như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hoá của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn trong việc nêu lên một số nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong điều kiện hiện nay.
Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Khi đánh giá về vai trò, vị trí của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, sức mạnh của người gánh nặng lúc đường xa. Một trong những bài giảng cho lớp thanh niên trí thức yêu nước đầu tiên của Việt Nam từ những năm 1920 là bài giảng về “tư cách của một người cách mạng”. Đến khi viết Di chúc, Người vẫn dành một phần trang trọng để bàn về vấn đề đạo đức, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cánh mạng. Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”; phải quan tâm chăm lo đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Quan điểm lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hoá mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên đức là gốc nhưng tài và đức phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Đạo đức là gốc, là nền tảng khi xem xét nó trong mối quan hệ với tài năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo Hồ Chí Minh, những chuẩn mực chung nhất của nền đạo đức cách mạng Việt Nam gồm những điểm sau:
1. Trung với nước, hiếu với dân: “Trung” và “hiếu” là những khái niệm đạo đức cũ chứa đựng nội dung hết sức hạn hẹp thể hiện ở mệnh đề “trung với vua, hiếu với cha mẹ”. Nội dung đó phản ánh bộn phận, trách nhiệm của thần dân đối với vua, con cái đối với cha mẹ. Hồ Chí Minh không gạt bỏ khái niệm trung và hiếu đó mà đưa vào khái niệm cũ một nội dung cao rộng hơn - đó là trung với nước, hiếu với dân. Đây là chuẩn mực đạo đức có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Theo quan niệm của Người, nước là nước của dân và dân là chủ nhân của nước. Vì vây, trung với nước, hiếu với dân là thể hiện trách nhiệm với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với con đường đi lên và phát triển của đất nước. Trong mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng xã hội phải biết đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, cách mạng lên trên hết, trước hết, quyết tâm phấn đấu để thực hiện và hoàn thành mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, đưa đất nước phát triển theo con đường độc lập dân tộc và CNXH.
Hiếu với dân ở đây chính là khẳng định vai trò, sức mạnh thật sự của nhân dân, dân chính là gốc của nước, sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội và làm nên lịch sử. Bởi vậy, phải tin dân, học dân, lắng nghe ý kiến của dân, hoà mình với dân thành một khối, tổ chức, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, thoả mãn các nhu cầu thiết yếu của nhân dân; đấu tranh giải phóng nhân dân, bảo vệ cho nhân dân để làm chủ vận mệnh của mình.
2. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Đây là những khái niệm đạo đức cũ được Hồ Chí Minh tiếp thu, chọn lọc và đưa vào những yêu cầu, nội dung mới. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là biểu hiện sinh động của phẩm chất ‘trung với nước, hiếu với dân”. Việc thực hiện những phẩm chất này đặt ra với tất cả mọi người khi cách mạng thuận lợi cũng như lúc gặp khó khăn.
Các đức tính cần, kiệm, liêm, chính có mối quan hệ chặt chẽ biện chứng với nhau, cần mà không kiệm giống như một chiếc thùng không đáy; kiệm mà không cần thì lấy gì mà kiệm; cần, kiệm liêm là gốc rễ của chính như một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới hoàn thiện. Cần, kiệm, liêm, chính càng cần thiết đối với cán bộ, đảng viên. Bởi vì, nếu cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm thì sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của cách mạng, uy tín của Đảng. Đó còn là thước đo sự giàu có về vật chất, vững mạnh về tinh thần, sự văn minh tiến bộ của một dân tộc, là nền tảng của đời sống mới, của thi đua ái quốc, là cái cần để “làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”.
Chí công vô tư là không nghĩ đến mình trước, hưởng thụ đi sau là “lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào, là đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thực hiện chí công vô tư cũng có nghĩa là phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Tuy nhiên, cần có nhận thức đúng về chủ nghĩa cá nhân bởi vì mỗi người đều có cá tình, sở trường, đời sống riêng của bản thân, nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không xấu.
3. Yêu thương, quý trọng con người, sống có nghĩa tình: Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin, đặc biệt là từ thực tiễn đấu tranh của các dân tộc, quan niệm của Hồ Chí Minh về con người rất toàn diện và độc đáo. Con người không phải thần thánh, có thiện, có ác ở trong lòng, chúng ta “cần làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi”. Hồ chí Minh yêu thương con người với một tình cảm sâu sắc, vừa bao la rộng lớn, vừa gần gủi thân thương. Người quan tâm đến công tác, đời sống của từng người, việc ăn, mặc, học hành, giải trí của mỗi người dân. Tình yêu thương đó luôn gắn với những hành động cụ thể, mang lại cơm ăn, nước uống, trả lại nhân phẩm cho con người, phấn đấu vì độc lập Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân, tạo mọi điều kiện cho con người phát huy hết tiềm năng sáng tạo của cá nhân, đấu tranh giải phóng con người, hình thành các nhân cách mới không chỉ trong phạm vi dân tộc mà vươn tới tầm nhân loại.
4. Tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung: Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Chủ nghĩa quốc tế là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của đạo đức cộng sản chủ nghĩa, nó bắt nguồn từ bản chất quốc tế của giai cấp công nhân và của XHCN. Nội dung tinh thần quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh rộng lớn và sâu sắc, đó là sự tôn trọng và yêu thương tất cả các dân tộc, nhân dân các nước, chống hằn thù dân tộc, bốn phương vô sản, bốn bể đều là anh em.
Từ những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và thực tế cuộc sống hiện nay, chúng ta có thể thấy việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên và xã hội ta hiện nay bên cạnh những thành tựu cơ bản, nổi lên những mặt yếu kém về nhận thức tư tưởng, chính trị dẫn tới phai nhạt lý tưởng và sa sút về lối sống, phẩm chất đạo đức. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”. Vẫn còn không ít tổ chức cơ sở Đảng yếu kém; năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của nhiều tổ chức cơ sở đảng còn yếu, chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xẩy ra ở cơ sở.
Để khắc phục những yếu kém nêu trên, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc và rèn luyện đạo đức theo những nguyên tắc đã được Hồ Chí Minh nêu lên, tích cực rèn luyện trong thực tiễn, nêu gương đạo đức “người tốt, việc tốt”, “xây” đi liền với “chống”, tự phê bình và phê bình tạo ra phong trào thi đua rèn luyện đạo đức mới. Phải gương mẫu trong sinh hoạt và công tác, không ngừng nâng cao bản lĩnh trí tuệ, nói đi đôi với làm, làm tốt những điều đã nói, chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết khắc phục sự suy thoái đạo đức cũng như những tiêu cực trong xã hội theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là một quá trình tạo ra những chuẩn mực giá trị đạo đức mới, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thực hiện tốt Chỉ thị số 03 -CT/TW, ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Tin mới cập nhật
- “Tư tưởng DÂN” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 12/09)
- Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - công trình lý luận ý nghĩa trong mọi giai đoạn ( 26/08)
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc từ thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” ( 31/07)
- Quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 144 của Bộ Chính trị: Sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng ( 15/07)
- Coi trọng liêm sỉ, biết giữ thể diện và uy tín trước dân là trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay ( 12/07)
- Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới ( 14/06)