Tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế và đạo đức người thầy thuốc
EmailPrintAa
08:47 30/07/2014

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cho các ngành, các cấp. Riêng đối với ngành y, Người đã có những quan điểm cụ thể về đạo đức của người thầy thuốc Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức được thể hiện thông qua những bài nói, bài viết và thư gửi các hội nghị y tế toàn quốc, nổi bật ở một số nội dung cơ bản:

Theo Hồ Chí Minh, Ngành y tế cũng như các thầy thuốc Việt Nam phải chú trọng kết hợp Đông, Tây y và hết lòng yêu thương, chăm sóc người bệnh. Ngay từ những năm đầu sau khi nước ta giành được độc lập, trong Thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3-1948, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Khi gặp “một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, người thầy thuốc “nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ. Người ta có câu “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”(1). Nhiệm vụ của ngành y tế và phẩm chất của người thầy thuốc được Hồ Chí Minh viết trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, tháng 6-1953. Người cho rằng: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh: “Lương y phải kiêm từ mẫu”(2). Hồ Chí Minh  yêu cầu đối với đội ngũ thầy thuốc, về chuyên môn, cần thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ”; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề… thi đua học tập, thi đua công tác”(3). Tại Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27-2-1955, Hồ Chí Minh đã gửi thư “góp vài ý kiến” để các đại biểu thảo luận. Bức thư này thể hiện một cách khá toàn diện và hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế. Vấn đề y đức, một lần nữa, tiếp tục được Người nhấn mạnh, cán bộ y tế phải thương yêu người bệnh, bởi, “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú (cán bộ y tế - người trích). Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. “Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”(4). Điểm cốt lõi trong tư tưởng y đức của Hồ Chí Minh là người thầy thuốc phải như một mẹ hiền. Nghĩa là các thầy thuốc phải có lương tâm và nghĩa vụ cao cả như của người mẹ hiền đối với bệnh nhân. Có lương tâm với người bệnh là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc. Theo Hồ Chí Minh, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài, trong nghề y, lòng nhân ái, yêu thương bệnh nhân là cơ sở, là động lực thôi thúc người thầy thuốc tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Khi trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của người thầy thuốc vững vàng, tác động trở lại y đức của người thầy thuốc. Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nền y tế có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Người căn dặn đội ngũ cán bộ y tế phải giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của dân tộc ta. Người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại. Ở đây yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất. Hồ Chí Minh nhắc nhở: Ông cha ta, ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc, vì thế, các cô, các chú là những người làm thuốc chữa bệnh cần phải nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây. Cho nên, các thầy thuốc tây y phải học đông y, các thầy thuốc đông y cũng phải học tây y, cả thầy thuốc đông y và tây y đều phục vụ nhân dân, như người có hai tay cùng làm việc thì tốt. Người thầy thuốc phải coi trọng việc phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh. Để chống lại bệnh tật, đau yếu, cán bộ y tế phải đặc biệt quan tâm từ những vấn đề nhỏ về vệ sinh môi trường như nước sạch, hố xí, vệ sinh diệt ruồi, diệt muỗi… Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn cán bộ, nhân viên y tế cùng với các cơ quan, đoàn thể, ban ngành phải tích cực quan tâm xây dựng đời sống mới cho nhân dân, nâng cao thể lực cho nhân dân và đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe. Và chính Người là một tấm gương sáng mẫu mực của ý chí rèn luyện nâng cao thể lực cho toàn dân học tập, làm theo.

Ngành y tế nói chung, các thầy thuốc nói riêng phải "thật thà đoàn kết". Quan hệ giữa những người thầy thuốc là một trong những mối quan hệ cơ bản của hoạt động có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Mỗi người thầy thuốc phải học và biết cách phối hợp trí tuệ, tài năng và hành động một cách kịp thời, chính xác để cứu chữa người bệnh sao cho được hiệu quả cao nhất. Tại thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế, tháng 2-1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân"(5). 

Đoàn kết trong y đức là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên trong ngành y tế cùng nhằm tới mục đích vì sức khỏe con người. Đoàn kết trong ngành y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Theo Hồ Chí Minh y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, là sự thật thà, đoàn kết với đồng nghiệp, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức toàn diện nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của toàn quân và toàn dân. Người thầy thuốc cách mạng muốn hồng phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người thầy thuốc, để nâng cao y đức cho đội ngũ thầy thuốc nói chung, cho những người bác sĩ trong quân đội ta nói riêng, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần thực hiện tốt các vấn đề cơ bản sau

Một là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục và tự giáo dục, đồng thời tổ chức tốt hoạt động thực tiễn, nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa nâng cao ý thức và hành vi y đức cho người bác sĩ quân y. Bởi lẽ, đạo đức nói chung và y đức nói riêng phải được xây dựng từng bước một cách tự giác thông qua quá trình hoạt động thực tiễn của mỗi con người. Đồng thời tổ chức tốt hoạt động thực tiễn là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa nâng cao ý thức và hành vi y đức cho người thầy thuốc quân y hiện nay.

Hai là, xây dựng môi trường y đức thật sự trong sạch, lành mạnh, đi đôi với việc đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực về y đức ở các đơn vị. Đây là giải pháp quan trọng để hoàn thiện nhân cách cho người thầy thuốc quân y nói chung và y đức cách mạng cho họ nói riêng. 

Ba là, các cấp ủy đảng và chỉ huy trong đơn vị quân đội làm tốt công tác quy hoạch, quản lý, đào tạo, sử dụng cán bộ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người thầy thuốc quân y, tạo động lực giúp họ vươn lên tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức. 

Giáo dục nâng cao y đức cho đội ngũ thầy thuốc trong quân đội có ý nghĩa to lớn góp phần xây dựng nguồn lực con người, nhân tố góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. 

.......................................................................

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, NXB CTQG, Hà Nội, 2004, tr.395. (2) Hồ Chí Minh, Sđd, t.7, tr.88. (3 ) Sđd, tập 7, tr. 88. (4), (5) Sđd, tập 7, tr.476.

ThS. Nguyễn Thanh Tịnh - Bộ môn Triết học, Học viện Quân y

TT CNTT (Nguồn: Xaydungdang.org)


    Ý kiến bạn đọc