Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ
EmailPrintAa
08:25 31/07/2012

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về pháp luật có từ rất sớm. Người không chỉ nhìn thấy ở pháp luật vai trò của một công cụ giúp Nhà nước đảm bảo thực hiện hoạt động quản lí, mà còn tìm thấy ở pháp lý sự công bằng, đảm bảo cho việc thực hiện các giá trị dân chủ, tiến bộ; cho sự bình đẳng và phát triển của các dân tộc trên thế giới ... Sự phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật mang tính logic, hệ thống và nhất quán; gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng cho sự ra đời của một Nhà nước mà quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân làm chủ; một Nhà nước mà ở đó vai trò của pháp luật được khẳng định và phát huy; pháp luật đó phải là pháp luật dân chủ.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước dân chủ tất pháp luật phải dân chủ. Pháp luật dân chủ phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân trong luật. Sự xuất hiện của hệ thống pháp luật dân chủ là một tất yếu gắn liền với sự xuất hiện của một Nhà nước dân chủ; pháp luật dân chủ chỉ có thể tồn tại trong Nhà nước dân chủ. Nếu Nhà nước dân chủ mà pháp luật không dân chủ thì dân chủ ấy chỉ là giả hiệu. Trong việc bảo vệ các giá trị dân chủ, theo Người, cả Nhà nước và pháp luật đều phải là công cụ, phương tiện hữu hiệu đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nhà nước ta là Nhà nước của dân, pháp luật ta là pháp luật phản ánh ý chí của nhân dân; mục đích phục vụ nhân dân chính là xuất phát điểm cho sự xuất hiện của các thiết chế chính trị và các quy tắc khuôn mẫu tương ứng.

Như vậy, khi nghiên cứu mối quan hệ giữa pháp luật dân chủ và Nhà nước dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh cần khẳng định tính tất yếu khách quan trong việc hình thành cả hai yếu tố này. Sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 chính là cơ sở pháp lý, đồng thời là những đảm bảo đầu tiên cho việc tổ chức bộ máy Nhà nước phục vụ quyền làm chủ của nhân dân. Trong Hiến pháp này, những nguyên tắc căn bản đầu tiên cho việc tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước, địa vị pháp lý của các cơ quan Nhà nước, vị trí, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ... đã được xác định. Sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 khẳng định sự xuất hiện của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà ở đó các giá trị dân chủ được quy định trong luật. Nhà nước cũng bị ràng buộc bởi pháp luật; Nhà nước không đứng trên pháp luật.

Tuy nhiên, khi tính đến bản chất dân chủ của pháp luật, ở khía cạnh nhất định cũng là tính đến ý nghĩa và giá trị xã hội của nó. Dưới góc độ này khi xem xét bản chất giai cấp của pháp luật, chúng ta không thể tách rời bản chất ấy khỏi những khát vọng tự nhiên của con người về quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Có nghĩa bản chất của pháp luật phải phù hợp với nguyện vọng chung của cộng đồng và mang giá trị xã hội. Bởi lẽ ở đâu pháp luật phát huy được bản chất xã hội thì ở đó pháp luật sẽ có hiệu lực thực tế từ sự ủng hộ của cả cộng đồng.

Khi đặt vấn đề xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng một hệ thống pháp luật đáp ứng được sứ mệnh lịch sử của Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ mới. Pháp luật ấy phải là pháp luật của một Nhà nước mà “bao nhiêu lợi ích là vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều là của dân”. Pháp luật phải bảo đảm và phản ánh các giá trị dân chủ mà Nhà nước thừa nhận hoặc bảo vệ. Trong mối quan hệ giữa pháp luật với dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng pháp luật phải vừa là sự ghi nhận vừa là phương tiện bảo đảm cho việc thực hiện các giá trị dân chủ của Nhà nước. Dân chủ cũng không có nghĩa là tùy tiện muốn làm gì thì làm, dân chủ phải trong khuôn khổ của pháp luật bởi xét đến cùng nếu pháp luật là thước đo giá trị dân chủ của mỗi quốc gia thì hành vi vi phạm pháp luật sẽ xâm hại nghiêm trọng đến việc thực hiện các quyền dân chủ. Người khẳng định: “Nhân dân hiện nay đã có tự do, tự do trong kỷ luật. Mỗi người có tự do của mình, nhưng phải tôn trọng tự do của người khác. Người nào sử dụng quyền tự do của mình quá mức mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp. Không thể tự do cho bọn việt gian, bọn phản động, bọn phá hoại tự do của nhân dân”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh không có dân chủ suông; dân chủ phải được quy định ở luật và dân chủ cũng bị ràng buộc bởi luật “Nhà nước nào có pháp luật ấy”, “pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người lao động ... pháp luật của ta là pháp luật thực sự dân chủ vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi của nhân dân lao động”. Không thể có dân chủ tách khỏi pháp luật và không thể chỉ có pháp luật mà không có dân chủ. Nhà nước chỉ dùng pháp luật mà không sử dụng chế độ dân chủ kèm theo sẽ trở thành Nhà nước quân chủ độc tài. Song, Nhà nước chỉ thực hiện chế độ dân chủ một chiều tùy tiện mà không tính đến pháp luật sẽ trở thành Nhà nước tự do quá trớn, rối loạn kỷ cương, vô chính phủ. Giải quyết tốt mối quan hệ hai chiều và phụ thuộc này sẽ tạo trật tự pháp lý cho việc thực hiện các giá trị dân chủ tiến bộ. Nhận thức được vai trò của pháp luật trong việc ghi nhận và bảo vệ các giá trị dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải nhận thức cho tốt và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Sự bình đẳng trong xã hội ở nơi pháp luật; dân chủ đúng đắn cũng ở nơi pháp luật; pháp luật phải chứa đựng những giá trị xã hội mà con người hướng tới.

Cùng với việc giải quyết mối quan hệ hai mặt giữa pháp luật và dân chủ, Hồ Chủ tịch cũng đặt ra yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ. Hệ thống pháp luật ấy không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các giá trị dân chủ thông qua các quy phạm nội dung, mà phải tạo lập được hệ thống các quy phạm thủ tục đảm bảo cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân chủ ấy. Theo Người, cần có sự lựa chọn từ hệ thống pháp luật cũ những gì còn phù hợp trên nguyên tắc thừa kế và phát triển “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiều phức thì phải sửa đổi lại cho phù hợp... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm ... Cái gì mới mà hay thì ta phải làm”. Trong tư tưởng của Người, căn cứ cho việc đánh giá cái tốt, cái mới, cái hợp lý của pháp luật nằm chính ở bản chất nhân dân của pháp luật. Pháp luật không kìm hãm mà phải đảm bảo, thúc đẩy cho quá trình phát triển xã hội. Pháp luật phải là đại lượng cân đối giữa tự do cá nhân và tự do của cả cộng đồng. Trong trường hợp có sự xung đột về các quyền, pháp luật với các quy tắc xử sự có tính khuôn mẫu phải bảo vệ cho các giá trị công bằng và lợi ích chung của toàn xã hội. Với nội dung này ta bắt gặp những ý nghĩa mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng pháp luật và vận dụng pháp luật. Mặc dù, Người đề cao tính khuôn mẫu với những quy phạm bắt buộc phải được thực hiện và không thể bị vi phạm, song Người cũng đặc biệt chú ý đến các giá trị nhân đạo của pháp luật xã hội Xã hội chủ nghĩa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải lấy giáo dục làm mục đích chính khi tiến hành công tác xây dựng pháp luật. Vì vậy, nhà làm luật không chỉ nhìn thấy sự phản ánh các quy luật khách quan, phổ biến, điển hình trong các quy phạm pháp luật, mà còn phải nhận ra vai trò của giá trị đạo đức, truyền thống văn hoá dân tộc trong công tác xây dựng pháp luật. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là sự phản ánh ý chí chung của nhân dân Việt Nam; là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam - đương nhiên cái ý chí ấy không thể nằm ngoài những giá trị truyền thống và các quy chuẩn đạo đức chung. Do đó, trong xây dựng pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc làm thế nào cho pháp luật có thể thâm nhập vào đời sống tình cảm của nhân dân để nó trở thành ý thức tự giác mang tính tiềm năng, để các quy phạm pháp luật được mặc nhiên thừa nhận như các quy phạm đạo đức và được thực hiện một cách tự nguyện ...

Như vậy, có thể khẳng định chính việc phản ánh và thể chế hóa kịp thời các quy phạm đạo đức (với những giá trị thời đại của nó) trong xây dựng pháp luật đã góp phần tạo nên sự hợp lí, tính thực tiễn, giá trị dân chủ ở hệ thống pháp luật. Với những nội dung này khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng pháp luật, theo chúng tôi cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất: Tính dân chủ pháp luật phải gắn với tính dân chủ của Nhà nước, phải được thể hiện ở chỗ quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, xuất phát từ nhân dân, phục vụ nhân dân. Nhà nước ban hành pháp luật, song pháp luật không chỉ là sự phản ánh ý chí của giai cấp thống trị trong Nhà nước mà phải phản ánh ý chí chung của nhân dân. Pháp luật phải là phương tiện để Nhà nước dựa vào đó thực hiện các quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

Thứ hai: Dân chủ phải được coi là nguyên tắc trong công tác xây dựng pháp luật. Vị trí của pháp luật trong Nhà nước phải được đảm bảo và đánh giá đúng. Việc không tôn trọng và vi phạm pháp luật sẽ xâm hại nghiêm trọng đến nền dân chủ.

Thứ ba: Hiến pháp với tư cách là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của hệ thống pháp luật phải ghi nhận những quyền cơ bản của công dân. Nói cách khác các quyền con người của công dân phải được thể chế hóa trong Hiến pháp. Hiến pháp đồng thời cũng phải quy định các nguyên tắc cho việc bảo đảm các quyền tự nhiên của con người không thể bị xâm hại.

Thứ tư: Nhà nước là Nhà nước dân chủ thì Nhà nước phải có hệ thống pháp luật dân chủ. Ngược lại, pháp luật dân chủ sẽ là sự khẳng định và phản ánh bản chất dân chủ của Nhà nước. Pháp luật chính là thước đo bảo vệ quyền tự do dân chủ.

Thứ năm: Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Bởi nếu chú ý đến mục đích phục vụ của hệ thống pháp luật mà quên đi các yêu cầu về kỹ thuật lập pháp thì pháp luật sẽ thiếu tính ổn định và khó kiểm soát. Nói cách khác, Nhà nước cần một hệ thống pháp luật hoàn thiện về kỹ thuật để đủ sức mạnh phục vụ nhân dân.

Thứ sáu: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật và áp dụng pháp luật.


    Ý kiến bạn đọc