Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới
EmailPrintAa
10:35 11/10/2018

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát gắn liền với việc giáo dục, rèn luyện nhân cách cho cán bộ kiểm tra, vì theo Người cán bộ kiểm tra ngoài tiêu chuẩn chung của người cán bộ còn phải có những tiêu chuẩn về nhân cách mang tính đặc thù riêng xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tính chất nghề nghiệp của công tác kiểm tra thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2015-2020

Ngay sau khi vừa giành được độc lập, cùng với việc chăm lo xây dựng, hoàn thiện bộ máy tổ chức Đảng và Nhà nước, ngày 23/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và ngày 16/10/1948, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, quy mô và tổ chức hoạt động của Đảng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I) ban hành Quyết nghị số 29/QN/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương để kiểm soát bộ máy chính quyền, bảo đảm các cơ quan Nhà nước và cán bộ, nhân viên Nhà nước thực hiện đúng trách nhiệm của mình, bảo đảm sự liêm chính và phục vụ nhân dân. Đó là sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đối với công tác thanh tra, kiểm tra và vị trí quan trọng của thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý Nhà nước và xây dựng Đảng. Dưới Ban Kiểm tra là các phái viên có nhiệm vụ “đi xuống các khu xem xét chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát, đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để tiếp thu kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết cho chính sách của Đảng”. Để xây dựng lực lượng thanh tra, kiểm tra vững mạnh, có uy tín, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn những người có đức, có tài lãnh đạo công tác thanh tra của Chính phủ và Ban Kiểm tra của Trung ương Đảng, như cụ Bùi Bằng Đoàn (Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt năm 1945), cụ Tôn Đức Thắng (Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt năm 1947), cụ Trần Đăng Ninh (Trưởng Ban kiểm tra Trung ương năm 1948-1951), cụ Hồ Tùng Mậu (Trưởng Ban kiểm tra Trung ương kiêm Trưởng Ban Thanh tra Chính phủ năm 1951-1956) và đồng chí Nguyễn Lương Bằng (Trưởng ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ năm 1956-1957)…

Trong thời kỳ đầu xây dựng đất nước, khi mới chỉ có Ban Thanh tra đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cán bộ thanh tra, Người căn dặn: “Cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các cấp địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng” (1). Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Muốn kiểm soát có kết quả tốt phải có hai điều: Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là người rất có uy tín". Sau khi thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, Người nhắc nhở: “… các Ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng…”(2).

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta cũng đang có chủ trương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, từ đó đề ra những giải pháp cấp bách về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực hiện sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Trên cơ sở tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nói chung và cán bộ kiểm tra nói riêng cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Trước hết là, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ kiểm tra “phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”(3). Theo tư tưởng của Người , cán bộ kiểm tra phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để có đạo đức trong sáng, có quan điểm, tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng, dám đương đầu với những khó khăn, phức tạp để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp tuyệt đối trung thành với Đảng, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đặt lợi ích của đất nước, và của tập thể lên trên hết. Đồng thời phải có phong cách làm việc tốt, phải coi trọng và luôn ứng xử theo những tiêu chuẩn, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của người cán bộ. Phong cách làm việc tốt của người cán bộ kiểm tra trước hết là phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, thực hiện đầy đủ, quyền hạn, quy trình chuyên môn nghiệp vụ; khắc phục khó khăn, phức tạp, mang hết khả năng, công sức để hoàn thành nhiệm vụ. Người cán bộ kiểm tra phải biết phòng, chống các biểu hiện chủ quan, hấp tấp, tác phong quan liêu, đại khái, quan cách, không đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể.

Thứ hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có năng lực chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm và uy tín

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(4) và Người dạy “Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra mới đủ kinh nghiệm và oai tín. Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra”(5). Đối với cán bộ thanh tra, kiểm tra, Người nói: “Đối với cán bộ được làm công tác thanh tra là một vinh dự. Vì sao? Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng, Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm nhiệm vụ ấy”(6).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu rất cao đối với cán bộ kiểm tra. Người chỉ rõ: “…muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: Một là, việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”(7). Do vậy, cán bộ kiểm tra phải luôn rèn luyện, tu dưỡng và có ý thức tự phê bình theo lời dạy của Bác để thực sự có năng lực và phải có phương pháp khoa học “Cán bộ thanh tra phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt”(8); “thanh tra phải đến tận nơi, xem tận chỗ”(9); “thanh tra phải cẩn thận, khách quan”(10), “thanh tra phải dùng cách thức phê bình và tự phê bình”(11).

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có năng lực chuyên môn vững vàng, am hiểu về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đặc biệt phải am hiểu, thấm nhuần sâu sắc công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để từ đó có những nhận xét, đánh giá, đề xuất ủy ban kiểm tra, cấp ủy xem xét, kết luận được chính xác về nội dung đối tượng kiểm tra, giám sát, có biện pháp xử lý đúng đắn, đưa ra những yêu cầu sát hợp đối với đối tượng kiểm tra, giám sát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên đều phải nêu gương về đạo đức. Trước hết, mình phải tự làm gương, cán bộ “gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân” (12). “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (13). Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức cách mạng chủ yếu, là nhân cách của con người. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một nội dung cơ bản không thể thiếu trong phong cách làm việc và nhân cách của người cán bộ nói chung và cán bộ kiểm tra nói riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Nói đi đôi với làm không chỉ là một chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ tối thiểu. Muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm, người cán bộ phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình, đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhận xét, phê bình, góp ý cho mình, nhắc nhở mình về những điều mình đã hứa. Người cán bộ cũng phải biết tránh căn bệnh hình thức, bệnh “hữu danh, vô thực”, chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp ngoài việc có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, phải có đạo đức: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, đầy lòng bác ái, không thành kiến, giàu lòng vị tha không thiên vị; có tác phong giản dị, nhưng nghiêm chỉnh, chững chạc để tạo ra uy tín và uy thế trong giao tiếp, nói luôn đi đôi với làm để là tấm gương tốt cho mọi người noi theo.

Thứ tư là, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có phong cách dân chủ, quần chúng, làm việc có khoa học

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ: Đảng ta thực hiện “Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan nhà nước trong chế độ ta” (14) và “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do” (15). Người cán bộ phải thường xuyên đi xuống cơ sở mà mình phụ trách, tìm hiểu thực trạng đời sống, tâm tư, nguyện vọng của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, theo dõi nắm chắc tình hình cơ sở, hướng dẫn, đôn đốc cơ sở thực hiện nhiệm vụ và tham mưu kịp thời đúng đắn cho lãnh đạo. Phong cách dân chủ của người cán bộ kiểm tra còn phải biết động viên, khuyến khích, tạo niềm tin để đảng viên, quần chúng cung cấp thông tin, bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời phải biết dựa vào tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác của tổ chức đảng, đảng viên và trách nhiệm xây dựng đảng của quần chúng trong công tác kiểm tra, giám sát. Phong cách quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện trong quá trình làm việc với đảng viên, quần chúng, nhất là trong quá trình thẩm tra, xác minh, người cán bộ kiểm tra phải có thái độ đúng mực khi giao tiếp, không được có thái độ “bề trên”, hách dịch, dọa dẫm làm người ta sợ, cũng không được tự do, tùy tiện, qua loa, đại khái để người tiếp xúc coi thường người cán bộ kiểm tra.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có tác phong quần chúng, sống giản dị, hòa đồng, làm việc khoa học, thận trọng, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng, không chủ quan, nóng vội, kiêu ngạo, thiên tư, thành kiến để tạo ra uy tín trong thực hiện nhiệm vụ, và là chỗ dựa, sự tin cậy của đối tượng kiểm tra, giám sát, giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ được thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dạy: "Học phương pháp khoa học của Hồ Chủ tịch là học làm việc có chương trình, có kế hoạch, có tổ chức, việc lớn, việc nhỏ, việc nhất thời, việc trường cửu đều phải thế. Chúng ta hãy nhớ rằng: Lúc Hồ Chủ tịch giao công việc cho một người, người ấy phải thảo kế hoạch tiến hành rồi bàn với Hồ Chủ tịch trước khi thi hành. Kế hoạch ấy, Hồ Chủ tịch thường dạy, phải sát thực tế, phải vừa sức mình".

Trải qua 70 năm đổi mới và trưởng thành, công tác kiểm tra của Đảng đã có nhiều chuyển biến cơ bản theo hướng nâng cao chất lượng, tác động mạnh mẽ, có hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước và quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã được tiến hành chủ động, thường xuyên, liên tục. Ủy ban kiểm tra các cấp từng bước được kiện toàn và đổi mới cả về số lượng và chất lượng, góp phần tích cực trong việc giáo dục, củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong tình hình hiện nay, những lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với cán bộ kiểm tra đã trở thành kim chỉ nam cho việc rèn luyện đạo đức, tác phong của người cán bộ kiểm tra và của cả Ngành kiểm tra. Đó là đạo đức cách mạng không thể thiếu của đội ngũ cán bộ kiểm tra, đồng thời cũng rèn luyện cả tác phong công tác mà Người đã từng răn dạy cán bộ kiểm tra: phải đến tận nơi, xem tận chỗ; phải khách quan, tỉ mỉ cẩn thận; phải dân chủ và phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, phát huy vũ khí phê bình và tự phê bình… Qua học tập lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ kiểm tra, chúng ta vinh dự, tự hào và quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đúng như lời dạy của Người để góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước mà Đảng ta khởi xướng.

Nguyễn Văn Lựu - Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Tài liệu tham khảo :

1 Một số văn kiện chủ yếu của Đảng và Chính phủ về công tác thanh tra. Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, 1997.

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2002, t.11, tr. 301.

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 327.

4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2002, t.5, tr. 520-521.

5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2002, t.5, tr. 521.

6 Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 05/3/1960.

7 Tác phẩm “Sửa đổ lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh 1947.

8 Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 05/3/1960.

9 Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 05/3/1960.

10 Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 05/3/1960.

11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2002, t.5, tr. 521.

12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 150.

13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2002, t.5, tr. 552.

14- 15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr. 382.


    Ý kiến bạn đọc