Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh một kiểu mẫu văn hóa đạo đức
EmailPrintAa
15:47 21/08/2014

Đạo đức Hồ Chí Minh cần được hiểu một cách đầy đủ, đó không chỉ là tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng, mà còn là thực tiễn đời sống đạo đức của Người. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua hoạt động, hành vi và lối sống, qua các mối quan hệ với con người, với công việc, trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày.

Ở đâu, lúc nào, với mọi đối tượng khác nhau, chủ thể đạo đức Hồ Chí Minh cũng là hiện thân sinh động của tính nhất quán giữa nói và làm, tính trung thực và sự khiêm tốn; tính kiên định về nguyên tắc và niềm tin gắn liền với tính linh hoạt và uyển chuyển trong phương pháp đối nhân xử thế; lòng dũng cảm, sự sáng suốt, đức hy sinh và nghị lực phi thường vượt lên mọi khó khăn, thử thách; sự ân cần, chu đáo, lòng khoan dung độ lượng đầy tính nhân ái, vị tha với con người; sự nhạy cảm và rất mực tinh tế của Người đối với mỗi con người, mỗi cảnh đời và những số phận khác nhau của họ. Đó là những đức tính và phẩm chất đạo đức của Người.

Đó cũng là những đặc trưng đạo đức Hồ Chí Minh mà Người thể hiện trong đời sống và mỗi chúng ta cảm nhận được bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm sống của mình. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một nhà tư tưởng lớn mang tầm vóc vĩ nhân của thời đại, danh nhân văn hóa của thế giới hiện đại, cốt cách hiền triết Á Đông, tiêu biểu cho tinh hoa đặc sắc của truyền thống dân tộc. Sự lớn lao, cao cả ấy lại biểu hiện một cách chân thực và vô cùng giản dị, rất mực gần gũi với mỗi con người bình thường trong cuộc sống đời thường, trần thế và thực tế, không gợn một chút cảm giác nào siêu thực, huyền ảo, cho dù sự vĩ đại và vô cùng cao thượng của Người được coi như huyền thoại.

Ảnh hưởng rộng lớn của đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh như ai nấy đều biết, từ dân tộc đến với nhân loại, vượt qua cái hữu hạn 79 mùa xuân của cuộc đời một con người để đi vào cõi vĩnh hằng, cái vô hạn của sự sống nhân gian, của đời sống loài người trên trái đất này. Được như vậy, bởi Người đã đi trọn vẹn cuộc hành trình vì nền Độc lập, đã sống toàn vẹn với cuộc đấu tranh vì tự do và dâng hiến cả cuộc đời mình cho hạnh phúc của nhân dân.Người đã thực sự hóa thân vào dân tộc mình và các dân tộc trên thế giới, dù khác màu da, tiếng nói nhưng đều giống nhau trong khát vọng giải phóng, trong tình yêu thương thuộc về nhân tính của bản chất con người.

Đạo đức Hồ Chí Minh, ấy là tình người mênh mông rộng lớn, nâng niu giá trị con người, là nghĩa thuỷ chung son sắt của đạo lý làm người.

Đạo đức Hồ Chí Minh mang một sức mạnh diệu kỳ của năng lực thấu hiểuthấu cảm đối với con người và cuộc sống. Bởi thế, Người vĩ đại và cao cả bao nhiêu trong trí tuệ, tư tưởng và tâm hồn thì cũng giản dị bấy nhiêu trong ửng xử, trong cử chỉ, xiết bao gần gũi, ấm áp, thân tình. Suốt đời, Người sống một cuộc sống đạm bạc mà tao nhã vô cùng.Suốt đời, Người chỉ nói và viết những lời, những chữ mộc mạc, bình dị, đi thẳng vào lòng người, không màu mè tô vẽ như Người đã từng giải thích. Người nói ngắn, viết ngắn mà cũng chỉ nói và viết khi cần thiết, cái chủ yếu của Người là làm việc, là hành động... Với Hồ Chí Minh, đạo đức cốt ở thực hành đạo đức, nêu gương đạo đức trong lao động, trong đấu tranh cho tình thương và lẽ phải, cho cái hay, cái tốt nơi con người nảy nở như hoa mùa xuân, còn cái xấu, cái dở thì mất dần đi rồi tiến tới chỗ mất hẳn. Đó là niềm tin mãnh liệt của Người vào sự chiến thắng của cái Thiện đối với cái Ác.

Đó là những đặc điểm nổi bật của đạo đức Hồ Chí Minh xét trên cả hai bình diện: tư tưởng đạo đức và thực hành đạo đức. Đó cũng chính là lý luận và thực hành đạo đức cách mạng.

Đạo đức cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, ví như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới đưa cách mạnh tới thắng lợi.

Người nói, sức có mạnh thì mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng thì mới đi đến cùng mục tiêu, lý tưởng được.

Đạo đức cách mạng nổi bật ở các chuẩn mực giá trị các nguyên tắc ứng xử, hành động được Người diễn đạt cô đọng thành một mệnh đề quen thuộc “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Với Hồ Chí Minh, Cần không chỉ là siêng năng, chăm chỉ mà còn gắn liền với ý thức tự giác, lòng tự trọng, không lười biếng, ỷ lại, biết tự lực tự chủ, có năng lực sáng tạo để làm việc có kết quả, chất lượng, năng suất lao động cao, không chỉ cho mình mà còn cho xã hội.

Kiệm là tiết kiệm, không lãng phí của cải, thời gian, sức lực. Trong sinh hoạt, tiết kiệm là tiêu dùng hợp lý chứ không phải bủn xỉn, keo kiệt. Việc đáng phải tiêu thì một vạn cũng không tiếc, việc không đáng tiêu thì một xu cũng không chi. Phải luôn nhớ rằng, mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều do mồ hôi nước mắt của dân làm ra. Thương dân thì phải tiết kiệm, lãng phí là không thương dân, tham ô là ăn cắp của công, là có tội với dân, tham ô, tham nhũng phải được coi là một tội ác, là kẻ thù của dân, của cách mạng.

Mỗi người dân, công dân, nhất là người cách mạng phải rèn cho mình đức liêm, chính. Liêm là sự liêm khiết, thanh khiết, trong sạch, biết tôn trọng, giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân. Không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham tâng bốc mình.Chỉ có điều ham muốn, ấy là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Chính là chính trực, ngay thẳng, đúng đắn. Với mình không tự cao tự đại, với người không nịnh trên khinh dưới, chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Liêm chính là phẩm chất của người cán bộ, công chức khi thi hành công vụ.

Chí công là biết toàn tâm toàn ý vì việc công, vì sự nghiệp chung, là công bằng công tâm trong quan hệ với người, với việc. Có “chí công” thì mới “vô tư” được, nghĩa là không có lòng riêng, thiên tư, thiên vị, tư ân, tư huệ, tư thù, tư oán, biết hy sinh cái riêng, lợi ích riêng vì sự nghiệp chung đòi hỏi khi cần thiết, “lo trước cái lo của thiên hạ vui sau cái vui của thiên hạ” là vậy.

Để thực hiện được những chuẩn mực đạo đức và những nguyên tắc ứng xử đạo đức đó, con người phải trải qua rèn luyện gian nan thử thách, vì những điều tốt đẹp đó không tự đến. Trên thực tế, đây là cuộc đấu tranh suốt đời để chống chủ nghĩa cá nhân, phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân thì mới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Muốn nâng cao đạo đức cách mạng, thì phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Ý tưởng sâu sắc này được Người nói rõ trong bài báo cuối cùng mà Người viết và cho đăng trên báo Đảng cách đây gần 40 năm, giờ đây vẫn còn nguyên tính thời sự. Người chỉ dẫn cho chúng ta, chủ nghĩa cá nhân là một thứ bệnh mẹ, bệnh gốc đẻ ra mọi thứ bệnh con, mọi thói hư tật xấu làm hỏng con người, làm hỏng cả cơ đồ sự nghiệp nếu người cách mạng, Đảng cách mạng không có đủ dũng khí, nghị lực chống lại nó và chiến thắng nó. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là thường xuyên, suốt đời, là có không ít sự đau đớn ở trong lòng, vì đó là cuộc đấu tranh chống lại và vượt qua những sự xấu xa, hư hỏng của chính mình.

Người chỉ ra rất nhiều biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân mà chúng ta phải kiên quyết chống lại. Đó là bệnh quan liêu, tham nhũng, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, “hữu danh vô thực” bệnh cận thị, chỉ thấy sự lợi, hại nhỏ nhen, không thấy sự lợi, hại to lớn; bệnh xu nịnh, a dua, bệnh kéo bè kẻo cánh... Tóm lại, do chủ nghĩa cá nhân mà phạm nhiều sai lầm. Người cách mạng không những phải chiến thắng chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc, thói quen và truyền thống lạc hậu mà còn phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân nữa. Đó là 3 kẻ thù của cách mạng.

Là một nhà biện chứng và nhân văn chủ nghĩa sâu sắc, Người phân biệt rõ giữa chủ nghĩa cá nhân và cá nhân. Người căn dặn: chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là giày xéo lên cá nhân. Mỗi cá nhân là một con người, phải tôn trọng nhân cách con người.Ai cũng có những lợi ích riêng, nhu cầu, sở thích, cá tính riêng. Nếu những cái đó không trái với lợi ích chung của xã hội, không phương hại tới xã hội thì không phải là xấu, không có gì phải chống, ngược lại phải vun trồng cho nó phát triển. Chúng ta chỉ chống những cái xấu, cái ác gây hại cho dân, cho nước, cho xã hội. Điều chỉ dẫn này của Người có ý nghĩa sâu xa về quan điểm và phương pháp, mà mỗi chúng ta ngày nay cần lĩnh hội để thực hành trong cuộc sống, nhất là trong quan hệ ứng xử giữa người với người, trong giáo dục và rèn luyện nhân cách.

Vậy, nội dung đạo đức với nghĩa là những phẩm chất đạo đức cơ bản của người Việt Nam trong thời đại mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm những gì? Có thể nói tới những phẩm chất sau đây:

Một là, trung với nước, hiếu với dân, phải tận trung với nước, tận hiếu với dân. Đây là phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng. Đây không chỉ là ý thức và tình cảm mà còn phải trở thành niềm tin, lẽ sống và hành động, thành nghĩa vụ, bổn phận được thực hiện tự giác, thành nhu cầu, đạt tới sự tận tâm, tận lực, tất cả được thôi thúc từ lòng yêu dân, tin dân, kính dân, trọng dân, làm tất cả vì dân, vì nước.

Hai là, yêu thương con người, sống có nghĩa,có tình, thấu tình đạt lý, có tình có nghĩa. Đó là vị tha, nhân ái bao dung, với mình thì phải nghiêm khắc, với người thì phải khoan hoà, độ lượng. Người còn căn dặn phải có lòng độ lượng vĩ đại. Trong Đảng phải có tình thương yêu đồng chí lẫn nhau.

Tình thương yêu ấy không phải chỉ là nhận thức, ý thức mà phải bằng hành động, được kiểm nghiệm, chứng thực qua hành động, làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, hy sinh bảo vệ dân, làm tất cả những gì có thể làm được để nâng người dân tới địa vị người chủ, làm chủ, có tự do và hạnh phúc.

Ba là, suốt đời trau dồi và thực hành cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, đây là điều cốt lõi của đạo đức cách mạng, như đã nói ở trên, là điều kiện mà cũng là thước đo của lòng trung, hiếu và tình nghĩa đối với nước, với dân, là đạo đức vì dân, vì nước

Bốn là, tinh thần quốc tế trong sáng, biểu hiện tập trung và nổi bật ở tình đoàn kết quốc tế vì mục tiêu chung đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, vì hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội, gắn liền chủ nghĩa yêu nước chân chính của dân tộc với chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân.

Để thực hành những phẩm chất đạo đức đó, theo Hồ Chí Minh, cẩn phải chú trọng 3 điểm:

- Nói đi đôi với làm, phải nêu gương đạo đức. Đây là sự thể hiện tính trung thực và sự nhất quán đạo đức.

- Xây đi đôi với chống. Đây là nguyên tắc, phương châm chỉ đạo mà cũng là phương pháp thực hành trong đời sống đạo đức.

- Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Phải nêu cao ý thức và bản lĩnh tự giáo dục, tự rèn luyện, đề cao tính tự phê phán của mỗi người, của mỗi tổ chức. Xây dựng Đảng về mặt đạo đức cũng phải như vậy, nhất là khi Đảng đã cầm quyền.

Trần Đình Thuyên - Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy

(Trích Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb CTQG. HN 2009)


    Ý kiến bạn đọc