Các địa phương nỗ lực phòng, chống, khắc phục hậu quả Bão số 10
EmailPrintAa
15:02 19/09/2017

Bão số 10 (tên quốc tế là Doskuri) di chuyển vào khu vực Bắc Trung bộ sáng ngày 15/9/2017 với cường độ rất mạnh, trong đó có Hà Tĩnh bị ảnh hưởng trực tiếp. Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương đã giảm thiểu được thiệt hại và hiện đang nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất. Trang Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh điểm tin một số địa phương:
 
Cán bộ, đoàn viên huyện Cẩm Xuyên giúp dân thu dọn, dựng lại nhà ở  

Huyện Cẩm Xuyên

Trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập các tổ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ làm Tổ trưởng trực tiếp phụ trách các địa phương; cử các đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các phương án phòng, chống; cử cán bộ trực 24/24h, thường xuyên cập nhật thông tin từ Ban Chỉ đạo tỉnh. Bí thư Huyện ủy có Công điện chỉ đạo chỉ đạo thực hiện nghiêm lệnh sơ tán dân... Trong chiều ngày 14/9/2017, toàn huyện đã sơ tán 3.634 hộ với 8.019 khẩu của 18 xã, thị trấn (chủ yếu tập trung ở các xã vùng cửa sông và ven biển) về các điểm an toàn. Tại các điểm sơ tán dân có Ban hậu cần hỗ trợ người dân trong sinh hoạt; Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, Đoàn Thanh niên thành lập các tổ tình nguyện, vận động hỗ trợ lương thực, nước uống cho người dân.

Mặc dù vậy, Bão số 10 đã gây hậu quả nặng nề đối với huyện Cẩm Xuyên: 01 người chết, 33 người bị thương; 43 thôn bị ngập lụt; tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 300 tỷ đồng.

Ngay sau khi bão tan, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Huyện ủy viên, trưởng, phó các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện về cơ sở tập trung kiểm tra, chỉ đạo, động viên các địa phương đẩy nhanh các phương án khắc phục hậu quả; kịp thời trích ngân sách hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức hỗ trợ; có phương án hỗ trợ các trường học để nhanh chóng sửa chữa; chỉ đạo Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đoàn Biên phòng 168, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ… cử cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên, hội viên đến các thôn xóm, trường học, tổ chức phát dọn cây đổ, thu gom các đống đổ nát, giải tỏa các tuyến đường, giúp nhân dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất...

Tính đến hết ngày 17/9/2017, nhìn chung, đời sống sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường, khoảng 85% nhà dân hư hỏng nhẹ đã được tu sửa; giao thông đảm bảo thông suốt; các cơ sở y tế đã hoạt động bình thường; đã cấp điện đến 35% số hộ toàn huyện; đường điện hạ thế khắc phục được 60%, dự kiến trong hai ngày tới sẽ cấp điện 100%. Các trường Tiểu học, Trung học cơ sở trở lại học bình thường vào sáng thứ 2 ngày 18/9/2017 (riêng trường THCS Cẩm Phúc và Cẩm Thăng dự kiến học vào ngày 19/9/2017); khối Mầm non có 03 trường tại các xã đã có điện trở lại học bình thường vào sáng ngày 18/9/2017, các trường còn lại tạm thời nghỉ 1-2 ngày để khắc phục hệ thống điện. Việc khôi phục sản xuất đã và đang được tiến hành; đã trục vớt các tàu thuyền bị chìm để sữa chữa, đang tiếp tục tìm kiếm 02 thuyền bị trôi dạt.

 
Lãnh đạo huyện Kỳ Anh thăm hỏi gia đình bị thiệt hại  

Huyện Kỳ Anh

Theo thống kê, hơn 25.000 ngôi nhà ở huyện Kỳ Anh bị hư hỏng, trong đó 52 nhà bị sập đổ hoàn toàn; giao thông các xã vùng thượng, vùng ven biển bị chia cắt; các công trình điện, trường, trạm hư hỏng nặng; 5.000 ha cây gỗ nguyên liệu bị đổ gãy; 150 ha ao hồ nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại...

Để kịp thời ổn định đời sống của nhân dân, ngay sau bão, Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện đã phân công cán bộ các phòng, ban, ngành, đoàn thể xuống các thôn, xóm kiểm tra, động viên thăm hỏi nhân dân bị thiệt hại; có phương án kịp thời cứu trợ nhân dân, ưu tiên các gia đình chính sách, người có công, người già cô đơn, tàn tật, hộ nghèo và hộ bị thiệt hại nặng, không để người dân đói, rét, ốm đau không có người chăm sóc. Đồng thời, huy động lực lượng dân quân, tự vệ, đoàn thanh niên… tiến hành phát quang, đảm bảo giao thông thông suốt, dọn vệ sinh môi trường, tập trung khắc phục các công trình thiết yếu như trường học, trạm y tế, công trình dân sinh... Trong mấy ngày qua, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, đoàn viên thanh niên trong tỉnh và huyện đã về giúp các trường học trên địa bàn khôi phục cơ sở vật chất, vệ sinh trường lớp. Ngay khi bão tan, ngành điện đã huy động toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân bắt tay vào sữa chữa, dựng lại các cột điện để sớm cấp điện trở lại.

 
Lãnh đạo huyện Thạch Hà thăm hỏi người dân đi sơ tán  

Huyện Thạch Hà

Mặc dù đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống trước và trong khi bão xảy ra nhưng là địa phương nằm gần tâm bão nên mức ảnh hưởng đối với huyện Thạch Hà rất lớn. Toàn huyện có hơn 4.600 ngôi nhà bị tốc mái, trên 5.000 công trình phụ bị hư hỏng, tốc mái, gần 1.000 m tường rào bị đổ sập, trên 100 ha diện tích rau, hoa màu và hơn 100 ha nuôi tôm, cá bị thiệt hại, gần 6.000 con gia cầm bị chết, gần 200 cột điện hạ thế bị đổ gãy, 6.000 m dây hạ thế bị đứt, hệ thống loa, máy truyền thanh nhiều nơi bị hư hỏng, 30m đê cấp IV 7m kè đê chắn sóng bị sạt lở…

Ngay sau khi bão đi qua, công tác khắc phục hậu quả sau bão đã được Lãnh đạo huyện tập trung chỉ đạo triển khai một cách khẩn trương, tiến hành rà soát, thống kê, báo cáo chính xác số liệu bị thiệt hại. Lãnh đạo huyện trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả tại các địa phương, đơn vị. Các đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy bám sát cơ sở, huy động lực lượng hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả, hướng dẫn, giúp bà con nhân dân vệ sinh môi trường, chủ động phòng tránh dịch bệnh. Các địa phương có cống ngăn mặn, giữ ngọt như các cống Đò Bang - Hữu Ngạn, Hoàng Hà, Vọoc Sim… bố trí lực lượng thường trực điều tiết để tiêu thoát nước. Chi nhánh điện, viễn thông, Viettel huyện tổ chức lực lượng, phương tiện sửa chữa, thay thế hệ thống cột, đường dây để đảm bảo vận hành thông suốt trên địa bàn toàn huyện.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơn bão vừa qua là 10 xã thuộc vùng biển ngang. Sau khi bão đi qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ gia đình neo đơn, già cả; tập trung huy động lực lượng, phương tiện giúp nhân dân sửa sang lại nhà cửa, các công trình dân sinh bị hư hỏng, thu dọn cây cối bị gãy đổ, khơi thông dòng chảy, phát dọn hành lang giao thông, vệ sinh môi trường.

Sự quan tâm chỉ đạo, chăm lo, động viên kịp thời của các cấp, các ngành đã giúp nhân dân nắm đầy đủ, kịp thời diễn biến tình hình để chủ động ứng phó với các tình huống, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống lụt bão. Các lực lượng ứng cứu tại chỗ đã kịp thời sơ tán người dân vùng có nguy cơ ngập lụt, các gia đình có nhà chưa kiên cố, hộ neo đơn, già cả về nơi trú ẩn an toàn. Nhờ vậy, toàn huyện không xảy ra thiệt hại về người. Bên cạnh đó, các ban, ngành, địa phương đã hướng dẫn, giúp đỡ bà con nhân dân gia cố nhà cửa, công trình phụ, cất giữ, kê, chắn tài sản, đồ vật, gia súc, gia cầm, hạn chế tối đa những thiệt hại do bão gây ra.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, công tác khắc phục hậu quả trên địa bàn huyện đã và đang được triển khai kịp thời, có hiệu quả. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần đi vào hoạt động trở lại, đời sống người dân cơ bản ổn định.

Hà Oanh - Mạnh Hải - Thúy Hằng


    Ý kiến bạn đọc