Lấy ý kiến Nhân dân tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà
Huyện Thạch Hà
Theo phương án đã được phê duyệt, huyện Thạch Hà có 15 đơn vị hành chính sáp nhập thành 06 đơn vị mới, giảm 09 xã, cụ thể: Sáp nhập xã Thạch Thanh với thị trấn Thạch Hà, hình thành thị trấn mới; sáp nhập xã Thạch Đỉnh với xã Thạch Bàn, sáp nhập xã Nam Hương với xã Thạch Điền, hình thành xã mới; sáp nhập các xã Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Tân; sáp nhập các xã Phù Việt, Việt Xuyên, Thạch Tiến; sáp nhập các xã Thạch Lưu, Thạch Vĩnh, Bắc Sơn, hình thành xã mới.
Để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về lộ trình, cách làm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, Huyện ủy đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Hội nghị cán bộ cốt cán mở rộng quán triệt Quyết định số 1014-QĐ/TU và hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến cử tri, ý kiến của hội đồng nhân dân cấp xã về sắp xếp các đơn vị hành chính. Các đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy đã bám sát các địa bàn, tham gia các hội nghị ban chấp hành, hội nghị cốt cán mở rộng và hội nghị ở các thôn để tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phương án sáp nhập, thảo luận, lấy ý kiến về tên gọi đơn vị hành chính mới sau sáp nhập… Các địa phương đã lập, niêm yết danh sách người dân được lấy ý kiến tại các thôn; tổ chức hội nghị ban chấp hành, hội nghị cốt cán mở rộng và tiến hành tổ chức các hội nghị họp dân ở các thôn, tổ dân phố để thông qua phương án sáp nhập, chuẩn bị cho việc lấy ý kiến về việc thực hiện sáp nhập. Để lấy ý kiến Nhân dân đảm bảo khách quan, chính xác, đồng thuận, đạt kết quả cao nhất, Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập Tổ hướng dẫn lấy ý kiến gồm 136 đồng chí là lãnh đạo các ban, phòng, ngành, cán bộ, công chức, về bám sát địa bàn các thôn, xã.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chuẩn bị nên công tác tổ chức lấy ý kiến về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã diễn ra thông suốt, đảm bảo tiến độ thời gian. Tỷ lệ bình quân người dân các địa phương thuộc diện thực hiện đề án đồng ý với phương áp sáp nhập đạt trên 98%, trong đó có nhiều địa phương có tỷ lệ tham gia bỏ phiếu đạt 100%, tỷ lệ đồng ý với phương án đạt trên 99,9% như xã Nam Hương (99,96%), xã Thạch Tiến (99,95%), xã Thạch Đỉnh (99,92%). Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến Nhân dân, chiều ngày 30/7/2019, Hội đồng nhân dân huyện Thạch Hà (khóa XIX) đã tổ chức kỳ họp bất thường thông qua chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, tờ trình của Ủy ban nhân dân huyện về việc đề nghị thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, 100% đại biểu Hội đồng nhân dân huyện đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn huyện.
Nhìn chung, quy trình triển khai chuẩn bị các bước cho việc thực hiện Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp trên địa bàn huyện Thạch Hà đảm bảo chặt chẽ, khoa học, dân chủ, quan tâm đến các kiến nghị của Nhân dân, cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình cao với việc thực hiện chủ trương lớn này và cho rằng phù hợp với xu thế phát triển của huyện trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số cán bộ, đảng viên và người dân vẫn còn băn khoăn về việc bố trí trung tâm hành chính chung của các đơn vị sau sáp nhập, chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư, cán bộ thôn, những thay đổi ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao dịch hành chính của người dân, nét đặc thù về truyền thống văn hóa của đơn vị trước, sau sáp nhập… Những kiến nghị và băn khoăn của người dân đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Hà trao đổi, tiếp thu để kiến nghị cấp trên xem xét.
Huyện Nghi Xuân
Xác định sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng Phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; tổ chức hội nghị hướng dẫn thực hiện các bước, quy trình thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến người dân; tổ chức hội nghị để triển khai, thống nhất phương án đặt tên và bố trí trụ sở làm việc đối với các xã, thị trấn sau khi sáp nhập đến lãnh đạo các xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập và các thành viên ban chỉ đạo, tổ chỉ đạo, tổ giúp việc của Huyện. Huyện cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Để thuận tiện cho người dân, các xã đã tổ chức hai hình thức là người dân đến nhà văn hoá thôn bỏ phiếu hoặc tổ giúp việc đến tận hộ dân lấy ý kiến.
Lấy ý kiến tại hộ gia đình ông Nguyễn Đức Vinh, tổ 1, thị trấn Nghi Xuân
Vừa qua, huyện Nghi Xuân đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sáp nhập 04 đơn vị hành chính cấp xã: Sáp nhập xã Xuân Trường và xã Xuân Đan; xã Tiên Điền và thị trấn Nghi Xuân. Công tác tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến được các địa phương, thôn xóm, tổ dân phố thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thời gian, đúng quy định của pháp luật với tỷ lệ người dân tham gia bỏ phiếu đạt cao.
Theo thống kê, xã Xuân Trường có 10 thôn, 1.022 hộ dân với trên 2.600 nhân khẩu; xã Xuân Đan có 05 thôn, 832 hộ gia đình với 1.841 nhân khẩu. Kết quả, có 99,03% người dân xã Xuân Trường, 93,27% người dân xã Xuân Đan được lấy ý kiến đã đồng ý sáp nhập xã, hình thành một xã mới với tên gọi Đan Trường.
Xã Tiên Điền có 07 thôn, 878 hộ dân với trên 2.600 nhân khẩu, có 99.46% người đồng ý sáp nhập; thị trấn Nghi Xuân có 04 tổ dân phố, 749 hộ dân với trên 1.800 nhân khẩu, có 90,57% người dân được lấy ý kiến đã đồng ý sáp nhập, hình thành thị trấn mới với tên gọi Tiên Điền.
Huyện Lộc Hà
Vừa qua, huyện Lộc Hà đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về việc sáp nhập xã An Lộc và xã Bình Lộc.
Giai đoạn 1945 - 1954, 02, xã An Lộc và xã Bình Lộc là 01 xã với tên gọi là Kiến An, sau là xã Triều Dương; đến năm 1954 tách ra thành xã An Lộc và xã Bình Lộc). Vì vậy, hai xã có nhiều nét tương đồng về truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán và sự gắn kết cộng đồng dân cư.
Sau khi có chủ trương sáp nhập hai xã An Lộc và Bình Lộc, cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Hà đã chỉ đạo tuyên truyền trong các tầng lớp Nhân dân; rà soát đội ngũ cán bộ cơ sở để sắp xếp, bố trí một cách hợp lý, hiệu quả; lập và niêm yết danh sách, tổ chức lấy ý kiến người dân. Tại 12 thôn của 02 xã An Lộc và Bình Lộc đã thành lập các tổ công tác tổ chức lấy ý kiến về việc sáp nhập hai xã thành một một xã.
Nhờ thực hiện đồng bộ, đúng quy trình, dân chủ nên việc phát phiếu lấy ý kiến đã hoàn thành theo đúng kế hoạch. 100% người dân trong danh sách lấy ý kiến thuộc địa bàn 02 xã đều đã thực hiện bỏ phiếu. Kết quả, tại xã An Lộc, có 2.527/2.584 người tham gia bỏ phiếu tán thành việc sáp nhập, tỷ lệ đạt 97,8%. Tại xã Bình Lộc, có 3.525/3.760 người tham gia bỏ phiếu tán thành việc sáp nhập, tỷ lệ đạt 93,8%.
Trên cơ sở kết quả thống nhất cao của người dân hai xã, xem xét tờ trình của Ủy ban nhân dân huyện, Hội đồng nhân dân huyện Lộc Hà (khóa III) đã tổ chức kỳ họp thứ 9 (kỳ họp bất thường) thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính xã An Lộc và Bình Lộc thành một đơn vị hành chính mới, lấy tên gọi là xã Bình An, có tổng diện tích tự nhiên 9,28 km 2 ; dân số 8.029 người; tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dự kiến bố trí 201 người.
Các tác giả: Phan Thị Hương - Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Lê Thị Trâm Anh
Tin mới cập nhật
- Huyện ủy Hương Sơn tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ( 17/12)
- Huyện Kỳ Anh hoàn thành Đại hội Chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2024 - 2027 ( 12/12)
- Huyện Đức Thọ tập trung thực hiện chuyển đổi số ( 10/12)
- Đoàn Công tác chỉ đạo thị xã Kỳ Anh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Kỳ Anh ( 09/12)
- Huyện Thạch Hà tích cực chuẩn bị đại hội Đảng các cấp ( 28/11)
- Huyện ủy Hương Khê tổ chức học tập, quán triệt các quyết định, quy định, chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh ( 22/11)