Chuyển đổi số - Cánh cửa mới cho việc mở rộng thị trường sản phẩm OCOP Hương Sơn
EmailPrintAa
09:08 06/05/2025

Hương Sơn là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương. Thời gian qua, việc quảng bá nông sản nói chung, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nói riêng được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, đơn vị sản xuất quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những xu thế tất yếu hiện nay góp phần đưa sản phẩm OCOP của huyện tiến xa hơn nữa trên thị trường trong và ngoài nước.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP

Việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và người tiêu dùng. Đến nay, toàn huyện đã có 56 sản phẩm OCOP, trong đó có 02 sản phẩm 4 sao (Mật ong Cường Nga và Nhung hươu tán bột Chiến Sơn) và 54 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận nhìn chung có sự tăng trưởng đáng kể về giá trị và doanh thu, góp phần tạo thu nhập ổn định cho nguồn lao động nông thôn. Bên cạnh việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc mở rộng thị trường luôn là vấn đề được doanh nghiệp, hộ sản xuất và các cấp, các ngành quan tâm.

Xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, trong thời gian qua, huyện đã tổ chức hỗ trợ, đào tạo, tập huấn cho các địa phương và các cơ sở trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào công việc cũng như sản xuất kinh doanh như: Tem truy xuất nguồn gốc, sàn thương mại điện tử của tỉnh, hội chợ thương mại... Từ năm 2023 đến nay đã tổ chức 28 lớp tập huấn ứng dụng chuyển đổi số bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội như shopee, lazada, zalo, facebook, tiktok… cho 36 chủ cơ sở có sản phẩm OCOP với sự tham gia của 520 lượt cán bộ cấp huyện, xã,  thôn và gần 860 lượt các hộ sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện.

Nhờ vậy, các hoạt động mua, bán trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, livestream, video ngắn, hội chợ... được các đơn vị sản xuất, người tiêu dùng tham gia ngày càng nhiều. Đến nay, các sản phẩm OCOP, đặc sản, sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh (hatiplaza), sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước như: Postmart, Sendo, Shopee, Lazada, Alibaba, Amazon… như các sản phẩm chế biến từ nhung hươu của các cơ sở Hiền Ngọc, Thuận Hà, Hương Luật, Chiến Sơn, Ngọc Linh, VietGold, các sản phẩm mật ong Cường Nga, Thức Dung, Nem chua Ý Bình, Tinh bột nghệ Thu Hằng, Ngũ cốc Thu Lê… Nhiều đơn vị, hộ kinh doanh đã mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức bán hàng truyền thống sang phương thức bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Các hình thức này giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng và mở rộng thị trường tốt hơn. Chỉ sau thời gian ngắn ứng dụng bán hàng trực tuyến qua Facebook, Zalo, Tiktok và các sàn thương mại điện tử, nhất là kênh Tiktok đơn hàng, doanh thu của các cơ sở đã tăng lên 30% - 50%; thương hiệu nhung hươu, mật ong, nem chua… được khách hàng biết đến và sử dụng nhiều hơn.

Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2025

Để tiến trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, bên cạnh sự chuyển mình của các doanh nghiệp, chủ thể OCOP thì sự phối hợp, đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chức năng đóng vai trò quan trọng. Thời gian tới, huyện Hương Sơn sẽ tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Chương trình hành động số 42-CTr/TU, ngày 10/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Trong đó, khuyến khích Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ trí thức tham gia, đóng góp sáng kiến, nguồn lực; xây dựng phong trào thi đua nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; khuyến khích tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm các mô hình, công nghệ, giải pháp mới. Tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng số, nâng cao năng lực cho cán bộ, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các cơ sở đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số. Tăng cường triển khai kết nối, tiêu thụ sản phẩm của huyện tới các địa phương, các tỉnh, thành phố trong nước. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng thương mại điện tử cho người dân, doanh nghiệp, tạo cầu nối bền vững, lâu dài cho hoạt động giao thương và đáp ứng xu thế phát triển.

Nguyễn Xuân Tuấn (Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Hương Sơn)


    Ý kiến bạn đọc