Đồng chí Nguyễn Đình Liễn - Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên đầu tiên
EmailPrintAa
09:20 20/03/2018

Nguyễn Đình Liễn (1898 - 1931), thường được gọi là Tổng Khán, sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở làng Lương Điền, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên. Thân sinh ông - cụ Nguyễn Đình Đính (thường gọi là cố Đàm) là người thông minh, tháo vát, kinh doanh từ sớm nên gia đình ông khá giả. Nguyễn Đình Liễn từ nhỏ được học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, được tiếp xúc với sách báo tiến bộ và sớm giác ngộ cách mạng. Hai em ông là Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Đình Từ cũng có điều kiện học hành và sớm tham gia hoạt động cách mạng.

Đền thờ đồng chí Nguyễn Đình Liễn tại xã Cẩm Hưng

Khi phong trào cách mạng phát triển lên một giai đoạn mới, đặc biệt vào những năm 20 của thế kỷ XX, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và Hội Phục Việt ra đời, nhiều đồng chí lãnh đạo của hai hội này có quan hệ thân thiết với Nguyễn Đình Liễn, trong đó có Hà Huy Tập, đồng hương Cẩm Hưng và có quan hệ thông gia với Nguyễn Đình Liễn. Phong trào cách mạng đã ảnh hưởng đến tư tưởng Nguyễn Đình Liễn, thôi thúc ông tìm cách liên lạc để hoạt động.

Năm 1925, ông vào Quảng Trị bắt liên lạc với em trai là Nguyễn Đình Cương (phụ trách Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh Quảng Trị) và Hà Huy Tập (sau này là Tổng Bí thư). Qua chuyến đi này, ông quyết định theo Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Năm 1927, qua giới thiệu của Nguyễn Đình Cương, ông được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Thời kỳ này, phong trào cách mạng ở nước ta phát triển mạnh, bước sang giai đoạn mới, nhiều cuộc đấu tranh nổ ra dưới sự chỉ đạo của các tổ chức cách mạng; phong trào công nhân, nông dân phát triển mạnh mẽ. Nguyễn Đình Liễn được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội tại Hà Tĩnh.

Với lòng yêu nước, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Đình Liễn đã đi sâu vào quần chúng nhân dân, tổ chức vận động các nhóm thanh niên ở các thôn, xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, cùng với sự giúp đỡ của đồng chí Hà Huy Tập đã phát triển hội viên ở các thôn: Lương Điền, Kim Nặc (Cẩm Hưng), Kiều Mộc (Cẩm Hòa), Gia Hội (Cẩm Tiến), Mỹ Duệ (Cẩm Duệ) và tổ chức được Liên chi Thanh niên Cẩm Xuyên, gồm 05 chi bộ, do Ban Chấp hành Liên chi có 03 ủy viên lãnh đạo (theo Lịch sử đảng bộ Cẩm Xuyên - tập 1, 2011, trang 25) . Tính đến thời điểm năm 1927, toàn huyện Cẩm Xuyên đã kết nạp được thêm 32 đồng chí tham gia vào Liên chi Thanh niên Cẩm Xuyên, là cơ sở của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Cơ sở này do Nguyễn Đình Liễn trực tiếp lãnh đạo, những người được kết nạp đều là những thanh niên có tư tưởng tân tiến, có lòng yêu nước, có ý chí cách mạng và cũng là nhân tố để thành lập các chi bộ cộng sản đầu tiên trong huyện.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngày 17/7/1930, diễn ra Đại hội huyện Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên lần thứ nhất, đồng chí Nguyễn Đình Liễn được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Bấy giờ phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ - Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đang lên cao, khí thế đấu tranh của quần chúng nhân dân Cẩm Xuyên sôi sục hòa chung với các địa phương khác. Ngày 08/9/1930, Nguyễn Đình Liễn trực tiếp lãnh đạo hàng nghìn người dân huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà, giương cao cờ đỏ búa liềm, biểu tình ra đến tỉnh lỵ Hà Tĩnh. Thực dân Pháp đã dùng các biện pháp để ngăn chặn cuộc biểu tình như dùng báng súng, dùng dùi cui đánh đập, huy động lực lượng, binh lính ngăn chặn ở khắp các nẻo đường. Nguyễn Đình Liễn đã khẳng khái đến trước mặt tên giám binh người Pháp nói rõ các yêu sách của nhân dân. Cuộc xung đột diễn ra quyết liệt, đồng chí Nguyễn Đình Liễn và hàng chục người khác bị địch bắt giam ở nhà lao Hà Tĩnh.

Biết Nguyễn Đình Liễn là người cầm đầu cuộc biểu tình, mật thám Pháp và chính quyền Nam triều Hà Tĩnh thay nhau dùng đủ mọi ngón đòn tra khảo nhằm khai thác thông tin. Nhưng suốt gần bốn tháng liền, giặc không thể lung lạc được ý chí của người cộng sản kiên trung, Nguyễn Đình Liễn một lòng một dạ giữ vững khí tiết của người cộng sản. Cuối cùng, để đối phó với phong trào cách mạng đang lên như vũ bão, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều kết án tử hình đồng chí và mau chóng thực thi.

Ngày 02/01/1931 (tức ngày 14 tháng 11 năm Canh Ngọ), thực dân Pháp và chính quyền Nam triều dẫn Nguyễn Đình Liễn về xử chém tại Chợ Hội (Cẩm Xuyên) đúng vào phiên chợ nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân. Trước lúc hy sinh, Nguyễn Đình Liễn hô vang khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!”.

Khi nhận được tin Nguyễn Đình Liễn hy sinh oanh liệt, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Hữu Thiều đang bị giam trong nhà lao Hà Tĩnh đã làm câu đối ca ngợi người đồng chí của mình:

“Đấng trượng phu xem chết như chơi, tha hồ một lát gươm đưa, chín suối chôn sâu thù đế quốc.

Bậc chí sĩ quên mình là phải, bao quản muôn trùng sóng dậy, năm châu mở rộng cửa dân quyền!”

Đánh giá về những người chiến sỹ cộng sản kiên trung đã ngã xuống vì cao trào cách mạng ở Hà Tĩnh những năm 1930 - 1931, sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh viết: “Bất chấp những hành động tra tấn dã man, chế độ tù hà khắc của kẻ thù, các chiến sỹ cách mạng luôn sắt son thủy chung với sự nghiệp của Đảng… Trong cuộc chiến đấu giữa cái nhục với cái vinh, giữa cái sống với cái chết diễn ra hàng ngày, hàng giờ, nhiều đảng viên, quần chúng đã nêu cao dũng khí cách mạng ngay cả lúc bị địch xử bắn. Tấm gương bất khuất của các đồng chí Phan Gần, Võ Quê, Trần Hữu Thiều, Nguyễn Đình Liễn, Trần Thị Hường… luôn cổ vũ mọi người” (Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, tập 1, trang 132) .

Kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Xuyên đã đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm thần thánh của dân tộc, Cẩm Xuyên đã đóng góp sức người và sức của, động viên hàng vạn người con ra trận chiến đấu, bảo vệ quê hương đất nước, đóng vai trò hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Toàn huyện có 25 xã, thị trấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 04 đơn vị được phong danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới.

Đảng bộ và nhân dân Cẩm Xuyên đã chung sức, chung lòng giành được nhiều kết quả đáng tự hào. Từ thị trấn đến nông thôn bừng lên sức sống mới qua phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Khối đại đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân được phát huy, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

Ghi nhớ công ơn của người Bí thư Huyện ủy đầu tiên, đảng bộ, chính quyền, nhân dân đã tôn tạo nhà thờ Nguyễn Đình Liễn tại xã Cẩm Hưng. Đây trở thành một trong những “địa chỉ đỏ”, góp phần bồi dưỡng truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Nguyễn Minh Đức - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch


    Ý kiến bạn đọc