Hương Sơn tập trung chăm sóc cây trồng vụ Xuân 2020
EmailPrintAa
16:09 13/04/2020

Thời gian qua, cùng với việc tập trung phòng, chống dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị huyện Hương Sơn tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng theo Đề án sản xuất nông nghiệp năm 2020.

Các đồng chí lãnh đạo huyện kiểm tra lúa Xuân

Ngay từ đầu vụ Xuân, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sản xuất, tuyên truyền người dân tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu giống, diện tích, hạn chế tác động bất lợi của thời tiết, phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Vụ Xuân năm nay, toàn Huyện gieo cấy 4.722 ha lúa, 2.009 ha ngô, 819 ha lạc, 420 ha rau các loại... Đến nay, nhìn chung các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó khoảng ¼ diện tích lúa đã trổ bông.

Tuy nhiên, 02 đợt không khí lạnh vừa qua và một số loại sâu bệnh có khả năng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện, hiện nay, nhiều chân ruộng đạo ôn lá gây hại cục bộ, tại một số điểm có cháy sụp, vết bệnh phát sinh trên lá mới, cổ lá. Đây là nguồn bệnh lớn dẫn đến nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông bùng phát trên diện rộng. Bên cạnh đó, có biểu hiện bệnh khô vằn gây hại trên đồng ruộng ở một số địa phương, trong khi diễn biến thời tiết thuận lợi cho các loại bệnh phát triển...

Trước tình hình đó, ngày 09/4/2020, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Công điện số 12/CĐ-UBND chỉ đạo tập trung phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa, khẩn trương thực hiện cao điểm trong 03 ngày (09 - 11/4/2020), kiên quyết không để phát sinh thành dịch, bảo vệ kết quả sản xuất vụ Xuân năm 2020; các phòng, ban chuyên môn trực tiếp xuống địa bàn, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện. Đối với một số diện tích lúa trổ muộn, chính quyền địa phương có biện pháp tiếp tục theo dõi để có phương án xử lý.

Đồng chí Uông Thị Kim Yến, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: “Ngành nông nghiệp huyện cử cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh, không chỉ trên cây lúa mà còn trên cây trồng màu, cây ăn quả, chè công nghiệp…; đồng thời phối hợp với các địa phương tuyên truyền bà con nông dân thường xuyên thăm đồng (2 - 3 lần/tuần), thực hiện các biện pháp thủ công tiêu diệt mầm bệnh ngay từ đầu như bắt sâu non, ngắt ổ trứng, vợt bướm…”.

Bên cạnh đó, huyện Hương Sơn chú trọng công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức đến các cơ sở sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, buôn bán giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để các tổ chức, cá nhân hiểu và tự giác thực hiện; thực hiện nghiêm túc các cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất, xử lý và đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chủ động dự tính dự báo tình hình sâu bệnh, dịch hại, hướng dẫn sử dụng hóa chất thực vật theo đúng quy định để tăng năng suất cây trồng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tại các địa phương, tuỳ vào tình hình cụ thể, đã có những cách làm hay, phù hợp, như: Tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh, facebook; cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình để hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh; thôn, xóm báo cáo về Ban Chỉ đạo xã bằng hình ảnh người dân ra đồng và báo cáo tiến độ phun lần 1, lần 2…Vì vậy, đến hết ngày 11/4/2020, đã có trên 83% diện tích lúa toàn huyện được phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông.

Người dân xã Sơn Tiến phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông

Trực tiếp kiểm tra sản xuất tại một số địa phương, đồng chí Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu: “Các địa phương bên cạnh quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 thì phải tập trung cao, đồng bộ chỉ đạo phun phòng đạo ôn, địa phương, đơn vị nào không kiên quyết, để xảy ra dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện”. Đồng chí cũng yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện thường xuyên giám sát đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân thiếu thông tin, nhận thức không đầy đủ dẫn đến chủ quan trong việc phòng trừ sâu bệnh, gây thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

Nguyễn Chí Báo (Trưởng phòng Tư pháp huyện Hương Sơn),  Phạm Anh Hào (Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy)


    Ý kiến bạn đọc