Huyện Hương Khê: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị
EmailPrintAa
16:10 07/12/2020

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thời gian qua, Đảng bộ huyện Hương Khê đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ cấp cơ sở nói riêng đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tiễn địa phương.

Huyện ủy Hương Khê tổ chức Hội thảo chuyên đề về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp

Căn cứ các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của cấp trên về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ huyện đến cơ sở. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã cử 20 đồng chí học cao cấp lý luận chính trị (08 tập trung, 12 tại chức), 404 đồng chí học trung cấp lý luận chính trị (89 tập trung, 315 tại chức); chỉ đạo mở 05 lớp trình độ sơ cấp chính trị cho 350 đồng chí; tổ chức 235 lớp tập huấn về lĩnh vực với trên 36.000 lượt học viên tham gia; đào tạo chuyên môn 300 cán bộ các cấp; cử 15 đồng chí học cao học.

Đến nay, cán bộ, công chức cấp xã có 435 người, trong đó: Khối Đảng, đoàn thể 149 người; khối quản lý Nhà nước 286 người. Về trình độ chuyên môn: Trên đại học chiếm 0,2%; đại học, cao đẳng chiếm 76,6%, trung cấp chiếm 23,2%; về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp, cử nhân chiếm 2,3%; trung cấp chiếm 68,9%.

Đầu năm nay, thực hiện sáp nhập xã Phương Điền và xã Phương Mỹ thành xã Điền Mỹ, bố trí cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn, bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ xã đến thôn hoạt động ổn định, hiệu quả. Nhìn chung, chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã được nâng lên cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực, là nhân tố quyết định đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị ở địa phương. Đến nay, toàn huyện có có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 61,9%, tăng 09 xã so với 2015, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí (phấn đấu cuối năm 2020, thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Hương Khê đạt chuẩn văn minh đô thị).

Trao Giấy chứng nhận tốt nghiệp Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở ở huyện Hương Khê vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Số lượng cán bộ, công chức qua các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng, nhưng chất lượng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Huyện chậm đổi mới, chưa có sự phân biệt rõ nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo đối tượng, vẫn nặng về lý thuyết, vì vậy, có tình trạng không ít cán bộ, công chức tham gia nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng, nhưng kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng làm việc chưa được nâng lên. Việc đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa toàn diện, chưa quan tâm đánh giá hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng gắn với chất lượng hoạt động công vụ của cán bộ, công chức.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hương Khê khóa XXX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định một trong những nội dung trọng tâm là “Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng”. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở ở huyện Hương Khê trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng chuyển từ bồi dưỡng kiến thức sang phát triển năng lực . Theo đó, cán bộ, công chức phải chủ động tiếp thu kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và vận dụng có hiệu quả các kiến thức, kinh nghiệm vào thực thi công vụ.

Hai là : Đổi mới c hương trình đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu bổ sung kiến thức, kỹ năng mà cán bộ, công chức còn thiếu hụt, chứ không phải cung cấp cho họ những kiến thức, kỹ năng mà họ đã biết, đã có hoặc không còn phù hợp. Cần thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày, tập trung vào các nội dung thiết thực, thiết yếu, phù hợp với đặc điểm công tác của cán bộ, công chức và linh hoạt trong việc biên soạn và thực hiện chương trình.

Bà là : Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng chuyển từ “dạy” sang hướng dẫn; từ “nghe và tiếp thu một cách thụ động” sang tự học; chủ yếu là hướng dẫn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm công tác.

Bốn là : Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là áp dụng hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến.

Năm là : Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cần tập trung vào đánh giá “đầu ra”, đó là đánh giá học viên ngay sau khi kết thúc khóa học, dựa trên các chỉ số về năng lực, kiến thức, kỹ năng thực hành. Để có căn cứ đánh giá tác động của đào tạo, bồi dưỡng sau khóa học, cơ quan sử dụng cán bộ, công chức phải phối hợp tốt với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong việc xây dựng, theo dõi và hỗ trợ các điều kiện cần thiết để kế hoạch hành động của cán bộ, công chức được thực hiện thành công.

Phạm Thị Sâm (Ban Tổ chức Huyện ủy Hương Khê)


    Ý kiến bạn đọc