Huyện Kỳ Anh 180 năm xây dựng và phát triển
EmailPrintAa
16:35 28/11/2016

Nằm phía Đông Nam tỉnh Hà Tĩnh, trải qua các thời kỳ, vùng đất Kỳ Anh có nhiều tên gọi khác nhau. Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua ra sắc dụ chia huyện Kỳ Hoa thành 2 huyện: huyện Kỳ Hoa và huyện Hoa Xuyên. Năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên huyện Kỳ Hoa thành huyện Kỳ Anh. Việc thành lập huyện Kỳ Anh có một ý nghĩa to lớn, nơi đây chính thức trở thành một đơn vị hành chính quan trọng ở Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Ngày 10/4/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 903/NQ-UBTVQH13 chia tách huyện Kỳ Anh thành huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.
 

Khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo đền Phương Giai

- nơi thành lập Đảng bộ huyện

Dưới thời kỳ Pháp thuộc, các phong trào yêu nước trên địa bàn đã diễn ra sôi nổi, đặc biệt là sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1930, ở Kỳ Anh đã thành lập được 7 chi bộ Đảng với 42 đảng viên. Để thống nhất về tổ chức và tập trung lãnh đạo, trong 2 ngày 4-5/6/1930, tại đền Phương Giai (xã Kỳ Bắc), Hội nghị thành lập Đảng bộ Cộng sản Việt Nam huyện Kỳ Anh được tiến hành, đồng chí Nguyễn Tiến Liên được bầu làm Bí thư Huyện ủy.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, trong kháng chiến chống Mỹ, Kỳ Anh là một trong những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, trở thành “Hậu phương của tiền tuyến miền Nam, tiền tuyến của hậu phương miền Bắc”. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Kỳ Anh đã thành lập 49 đội dân quân trực chiến thường xuyên, bắn rơi 48 máy bay, bắn cháy, chìm 7 tàu chiến. Đông đảo con em Kỳ Anh đã lên đường bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, góp phần làm nên chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Kỳ Anh đã có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Cuối năm 1992, Kỳ Anh có 66,6% hộ đói, nghèo; đến cuối năm 1995 giảm xuống còn 41,6%, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn làm điểm chỉ đạo giảm nghèo. Năm 1992, toàn huyện được công nhận “Đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ”. Ngày 23/10/1997, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng Khu công nghiệp Cảng biển Vũng Áng và đến năm 2006 có Quyết định thành lập Khu kinh tế Vũng Áng, thu hút nhiều sự án đầu tư tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Bước vào thời kỳ mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ và nhân dân trong toàn huyện đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ và đạt kết quả khá toàn diện. Kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách tăng cao; văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc; giữ vững ổn định chính trị. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến rõ nét; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường và mở rộng. Tốc độ phát triển giá trị sản xuất bình quân hằng năm tăng 20,03 %/ năm. Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư phục vụ các dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng được cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị tập trung triển khai quyết liệt, được Trung ương, tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Đã triển khai giải phóng mặt bằng được 154 dự án, thu hồi 4.429ha đất, có 14.580 hộ bị ảnh hưởng, 2.119 hộ phải di dời, đã di dời 1.683 hộ lên khu tái định lên khu tái định cư, cất bốc 4.361 ngôi mộ; chi trả tiền bồi thường trên 2.990 tỷ đồng, góp phần quan trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa là tiền đề cho sự ra đời của thị xã Kỳ Anh. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Trong 5 năm, huyện Kỳ Anh đã đầu tư trên 610,6 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; xây dựng được 1.029 mô hình sản xuất - kinh doanh, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết số 903/NQ-UBTVQH13, ngày 10/4/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Kỳ Anh hiện có diện tích tự nhiên là 76.161,7 ha, dân số 120.518 người; có 38 tổ chức cơ sở đảng (21 đảng bộ xã và 17 đảng bộ, chi bộ cơ quan trực thuộc) với 5.372 đảng viên, trung tâm hành chính huyện chuyển về địa bàn xã Kỳ Đồng.

Trong điều kiện mới, huyện Kỳ Anh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Điểm xuất phát thấp, là huyện thuần nông, kinh tế hàng hóa chưa phát triển; các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ chưa đáng kể; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nghèo nàn, trung tâm hành chính huyện và cơ quan hành chính chưa được đầu tư xây dựng; nguồn thu ngân sách hạn hẹp; nguồn lực đầu tư phát triển khó khăn; trình độ, chất lượng nguồn nhân lực còn rất hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao.

 

Đường vào Trung tâm hành chính huyện Kỳ Anh

Với sự giúp đỡ của cấp trên, cấp ủy, chính quyền huyện Kỳ Anh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới; ổn định đời sống nhân dân, phục hồi, phát triển sản xuất sau sự cố môi trường biển; giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhờ vậy, kinh tế có bước phát triển, thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2016 đạt 80,321 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ. Đến ngày 30/9/2016, toàn huyện đã thành lập được 1.090 mô hình, 394 tổ hợp tác, 89 hợp tác xã, 250 doanh nghiệp; xây dựng được 10 khu dân cư kiểu mẫu, 114 vườn mẫu; đạt được 230 tiêu chí, bình quân 10,9 tiêu chí/xã. Có 05 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tăng cường. Giáo dục - đào tạo, y tế chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn huyện có 36/59 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia; có 01 Trung tâm y tế, 100% xã có Trạm Y tế, đã xây dựng được 18/21 Trạm Y tế đạt chuẩn Quốc gia. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố và tăng cường; năng lực quản lý, điều hành của chính quyền được nâng cao, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều hoạt động hiệu quả. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trình độ chính trị, chuyên môn, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở được nâng lên.

Nhìn lại chặng đường phát triển 180 năm qua, đặc biệt sau 30 năm thực hiện cuộc cuộc đổi mới đất nước, với ý chí quyết tâm, sự đoàn kết phấn đấu cao, huyện Kỳ Anh đã từng bước vươn lên, diện mạo quê hương ngày càng đổi mới. Từ điểm xuất phát thấp, thuần nông, được xem là huyện nghèo nhất, nhì trong cả nước nhưng Kỳ Anh hôm nay đã đổi mới và phát triển khá toàn diện, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường, tạo đà cho đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Anh vượt qua khó khăn, thách thức, đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương phát triển đi lên trong thời gian tới.

Cao Xuân Hùng - Huyện ủy Kỳ Anh


    Ý kiến bạn đọc