Huyện Kỳ Anh tập trung thực hiện Nghị quyết 02-NQ/HU về tái cơ cấu nông nghiệp
EmailPrintAa
14:40 29/08/2016

Đổi mới, tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có tiềm năng, lợi thế… là mục tiêu cơ bản trong Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/7/2016 cuả Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXV.
 

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Anh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 nhận nhiệm vụ

 

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ  bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 19/5/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể huyện Kỳ Anh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. Trong trồng trọt đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng một giống. 6 tháng đầu năm 2016, sản xuất nông, lâm nghiệp đạt kết quả khá toàn diện. Sản xuất lúa vụ Xuân được mùa, diện tích gieo cấy 5.507,8ha, năng suất 51,65 tạ/ha, sản lượng 28.449 tấn (tăng 1.053 tấn so với vụ xuân 2015), đạt 61,89% kế hoạch năm 2016. Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng so với cùng kỳ năm 2015; nuôi trồng thủy sản đạt khá, diện tích nuôi tôm hơn 226 ha, sản lượng ước đạt 40,9 tấn; công tác trồng, chăm sóc bảo vệ rừng được quan tâm, trồng mới 1.125 ha rừng tập trung, tăng 75ha. Hiện nay, toàn huyện có 10 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung liên kết, trong đó có 08 cơ sở chăn nuôi lợn thương phẩm có quy mô từ 600 - 1.800 con, 02 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại quy mô trên 300 con; có 22 tổ hợp tác chăn nuôi lợn thương phẩm, mỗi tổ có từ 10 - 18 hộ, quy mô từ 20 - 200 con/hộ/lứa. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo đồng bộ. Đến nay toàn huyện có 217 tiêu chí đạt chuẩn, trung bình đạt 10,3 tiêu chí/xã; giải ngân hỗ trợ xây dựng mô hình số tiền 6,184 tỷ đồng; huy động hơn 194 tỷ đồng.

Đánh giá những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khẳng định: Sau khi được chia tách, với 21 đơn vị hành chính cấp xã, Kỳ Anh vẫn là huyện thuần nông nhưng trong phát triển nông nghiệp Huyện chưa thật sự tập trung chỉ đạo phát triển các cây, con chủ lực, sản xuất còn manh mún, sản phẩm bị phân tán, khả năng cạnh tranh thấp, vẫn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền trên địa bàn. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và chế biến còn hạn chế, dẫn đến năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp. Chưa xây dựng được thương hiệu và sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp còn kém hiệu quả, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp còn hạn chế. Chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ XII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020; xác định rõ nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn là trụ cột quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển của huyện. Ngày 13/7/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Anh đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/HU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp để lồng ghép với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn với mục tiêu tập trung đổi mới, tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ với các chỉ tiêu cụ thể: Đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm từ 5 - 10%; tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 31,9% trong cơ cấu GDP. Phát triển một số cây con chủ lực như lúa chất lượng cao, chè công nghiệp, lạc, rau củ quả và cây ăn quả có múi, bò, lợn, tôm, cua; trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và một số cây dược liệu… Quá trình tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất để từng bước hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng huyện Kỳ Anh đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

 

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Anh thăm mô hình trồng cây Cam Cao Phong tại xã Kỳ Thượng

 

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của Tỉnh gắn với quán triệt sâu sắc những nội dung của Nghị quyết số 02-NQ/HU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng kế hoạch hành động, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước đối với quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đó phát huy thế mạnh của từng vùng; quy hoạch phải định hướng được thị trường, tiềm năng, lợi thế, khả năng phát triển, hiệu quả kinh tế của cây trồng, vật nuôi. Định hướng phát triển cho từng vùng cụ thể: Đối với các xã miền núi: Tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, cây ăn quả có múi, chăn nuôi bò, lợn, chè công nghiệp ở các xã Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Sơn. Đối với các xã vùng đồng bằng: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích trồng lúa, chuyển dần sang các cây trồng có giá trị, hiệu quả cao hơn như: Sản xuất rau an toàn, cây lạc, cây ăn quả, cây thức ăn chăn nuôi. Đối với các xã vùng ven biển: Chú trọng khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; tập trung đầu tư nuôi tôm thâm canh công nghệ cao ở các xã Kỳ Khang, Kỳ Thọ, Kỳ Hải, Kỳ Thư; chế biến các loại thủy sản khô, mắm chợp, nước mắm.

Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình tập trung với quy mô lớn. Tăng cường hỗ trợ các hộ sản xuất, các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao trên diện rộng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện. Khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tích tụ ruộng đất theo hướng sản xuất lớn. Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất trồng trọt tập trung đối với các cây trồng có lợi thế theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, vùng trồng cây ăn quả, vùng sản xuất rau, củ, quả.

Thứ tư, xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách và thu hút các nguồn lực khác đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách huyện, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương, của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo phương án sản xuất để đầu tư vào một số lĩnh vực. Thu hút các nguồn lực khác trong nhân dân, các doanh nghiệp để phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Kết hợp giữa huy động nguồn vốn đầu tư của Nhà nước với sức đóng góp của nhân dân để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn...

Thứ năm, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường thuận lợi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Quan tâm hơn nữa đến phát triển sản xuất, kinh doanh trong nông thôn, xây dựng mô hình kinh tế, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Đối với những xã đã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu xây dựng xã kiểu mẫu; đến năm 2020 có 16/21 xã đạt 19/19 tiêu chí, không còn xã dưới 14 tiêu chí.

Với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện Nghị quyết 02-NQ/HU sẽ góp phần để Đảng bộ và nhân dân huyện Kỳ Anh hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV.

Phan Huấn - Văn phòng Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc